Chăn nuôi – thua từ sân khách đến sân nhà
Ngành chăn nuôi Việt Nam còn nhiêu yếu kém khiến giá thành cao, năng suất thấp, chất lượng không cạnh tranh được với các nước. Từ việc tiêu thụ trong nước đến xuất khẩu nước ngoài, ngành chăn nuôi đều gặp khó trăm bề.
Nội dung nổi bật:
- Sản phẩm XK của Việt Nam luôn bị các rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá gây khó dễ, không thể xuất đi được. Thị trường trong nước lại quá dễ dãi.
- Đặc biệt, công nghiệp chế biến, giết mổ của Việt Nam còn rất yếu kém, trong khi đây mới là khâu tạo giá trị gia tăng cao.
Là một nước nông nghiệp với tỷ trọng chăn nuôi ngày càng tăng nhưng đến nay, Việt Nam mới chỉ có 5 loại sản phẩm có nguồn gốc động vật của Việt Nam xuất khẩu (XK) tương đối ổn định, là mật ong (trung bình mỗi năm xuất 30.000 - 35.000 tấn), các sản phẩm sữa chế biến của Vinamilk, TH true milk; trứng muối, trứng tươi và thịt (chủ yếu xuất tiểu ngạch thịt heo sang Trung Quốc).
Đặc biệt, bàn thua được xem là khá “đau đớn” của chăn nuôi Việt Nam vừa xảy ra, khi cuối năm 2014 vừa qua, Nga đã cử một phái đoàn sang kiểm tra các trang trại chăn nuôi của Việt Nam với ý định nhập khẩu (NK) thịt sang Nga.
Tuy nhiên, các DN trong nước đã không đạt được yêu cầu mà phía Nga đưa ra. Cuối cùng, Nga đã ký hợp đồng NK 50.000 tấn thịt lợn của Thái Lan.
Tháng 11/2014, Cơ quan Kinh tế Đài Loan ban hành quy định tăng cường quản lý 89 mặt hàng dầu mỡ do sự cố về dầu mỡ dùng làm thực phẩm bị ô nhiễm tại lãnh thổ này.
Trường hợp này chỉ liên quan đến một DN nhỏ của Việt Nam nhưng Đài Loan đã tạm ngưng NK toàn bộ mỡ động vật, mỡ heo và magarine dùng làm thực phẩm từ Việt Nam.
Vướng xuất khẩu
Sau quyết định này, để có thể XK vào Đài Loan, DN Việt Nam phải được sự đồng ý của Cơ quan Kinh tế, Cơ quan Y tế và Phúc lợi, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan.
Ông Đàm Văn Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm), cho biết: “Chúng tôi có tiếp xúc một số khách hàng tại Hồng Kông nhưng tiêu chuẩn rất gắt gao. Chẳng hạn, trứng XK phải lấy từ các trang trại được kiểm soát dịch bệnh, phải có hàm lượng kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép và hàng loạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn dịch bệnh và thực phẩm khác”.
Theo ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại Nguyễn Hồ tại Tiền Giang, yêu cầu NK của Nhật hết sức khó khăn. Cụ thể, việc nuôi chim cút phải bảo đảm các yêu cầu an toàn sinh học, không có dư lượng kháng sinh trong trứng.
Trứng cút sau khi luộc xong lòng đỏ phải nằm giữa trứng (không được nằm lệch một bên), trứng đóng lon sau khi mở ra sử dụng lòng đỏ không được có màng màu đen... Trước khi container đưa sang Nhật còn phải có người kiểm tra, gửi mẫu, đạt các tiêu chuẩn mới cho NK vào.
Trên đây chỉ là một trong số ít yêu cầu mà phía đối tác đưa ra, dẫn đến sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu hiện nay hoàn toàn không XK được chính ngạch mà chủ yếu chỉ xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc với số lượng hạn chế, không ổn định.
Quy mô chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Theo các chuyên gia, sản phẩm XK của Việt Nam luôn bị các rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá gây khó dễ, thậm chí không thể xuất đi được. Trong khi thị trường nội địa lại hết sức dễ dãi, hoàn toàn không có một rào cản nào để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước.
Với thực trạng hậu cần quá lạc hậu, nghèo nàn hiện nay, chăn nuôi trong nước rất khó có thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. Một số khảo sát của các cơ quan truyền thông cho thấy, hiện tại nhiều chủ quán nhất quyết không lấy “gà nóng” (gà nuôi, giết mổ trong nước) mà yêu cầu giao “gà lạnh” (gà cấp đông NK) do gà lạnh có giá 32.000 đồng/kg, còn gà nóng tới hơn 70.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp sợ… chăn nuôi
Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, thừa nhận DN của ông vừa rút khỏi nghề chăn nuôi gà thịt.
Ông Bình phân tích, DN Thái Lan nuôi gà có giá thành rất rẻ nên đã XK được đi Nhật, Mỹ, các nước châu Âu và hoàn toàn có thể quá cảnh Campuchia bằng đường bộ để đưa qua Việt Nam. Các nhà máy giết mổ của họ cũng có công suất lớn từ 2.000 con/giờ trở lên.
Chỉ cần mất 6 - 9 tiếng là gà từ trang trại được giết mổ và có mặt tại các chợ, siêu thị của Việt Nam.
Nguyên do của điều này được ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định là do ngành chăn nuôi Việt đang phải đối mặt với hàng loạt điểm yếu hiện nay như chăn nuôi chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp, yếu tố ứng dụng công nghệ cao còn thấp, quản lý còn bất cập...
Đặc biệt, công nghiệp chế biến, giết mổ của Việt Nam còn rất yếu kém, trong khi đây mới là khâu tạo giá trị gia tăng cao.
Theo thống kê, trong số 20 nước có tổng đàn heo nái đứng đầu thế giới, Việt Nam đứng cuối bảng về năng suất sinh sản. Ở các nước như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… trung bình mỗi heo nái sinh sản 26 con heo con/năm, thì Việt Nam chỉ sinh sản được khoảng 16 con/năm.
Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất thức ăn ở Việt Nam lại phụ thuộc vào thị trường nước ngoài khi có gần 90% phải NK. Điều này khiến giá thức ăn chăn nuôi ở trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10 - 15%, đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi cao hơn các nước khác.
Điều này tạo nên nghịch lý thịt ngoại đang được người tiêu dùng trong nước lựa chọn thay cho thịt nội. Bởi, dù đang chịu mức thuế NK từ 5 - 7%, nhưng giá thịt ngoại trên thị trường vẫn không cao hơn thịt nội là mấy, trong khi chất lượng lại tốt hơn.
Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23.000 trang trại, ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi thịt ngoại sẽ được nhập vào Việt Nam với thuế suất 0% trong trường hợp Việt Nam gia nhập TPP?
Do vậy, một số chuyên gia cho rằng ngoại trừ lĩnh vực nuôi, trồng, chế biến thủy hải sản, chăn nuôi đang là ngành có năng lực cạnh tranh đáng lo ngại nhất.
Trong khi đó, áp lực hội nhập ngày càng tăng, bắt đầu năm 2015, ngành chăn nuôi sẽ không được bảo hộ thuế, hạn ngạch và các chính sách trợ cấp trong cam kết tham gia khu vực mậu dịch tự do (FTA). Cùng với đó là hàng loạt hiệp định FTA, TPP mà Việt Nam sẽ ký kết trong năm nay.
Đáng lo hơn cả là theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018, thuế suất thuế NK nông sản từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% (hiện nay là 5%). Ngành chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, một nước rất mạnh trong lĩnh vực này.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y
Trong khu vực, các nước đang phát triển mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng thịt. Đây là cơ hội lớn của các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, XK sản phẩm động vật sang các thị trường này”.
Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để XK được thực phẩm là môi trường chăn nuôi trong nước phải sạch dịch bệnh. Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm, giai đoạn 2014 -2018” đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam
Thái Lan đã định hướng ngành chăn nuôi hướng về XK từ cách đây rất lâu. Một trong những điều kiện tiên quyết để XK vào các thị trường khó tính như EU là vùng nuôi phải an toàn dịch bệnh, không tiêm vắc xin trên sản phẩm chăn nuôi.
Đến nay, Thái Lan xuất khá nhiều thịt vào các thị trường khó tính. Đồng thời, hàng rào kỹ thuật này đã ngăn thịt đông lạnh từ các nước không thể thâm nhập thị trường Thái Lan. Khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan thì nguồn thịt từ Thái có thể sẽ gây áp lực đến thị trường Việt Nam.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT
Khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, thành phần chịu tác động nhiều nhất là chăn nuôi nông hộ bởi quy mô nhỏ lẻ, chi phí sản xuất lớn, khả năng tiếp cận vốn và thị trường thấp.
Để chuẩn bị cho hội nhập, bà con nông dân cần được huấn luyện về quy trình sản xuất để áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, liên kết lại với nhau, tham gia các tổ, đội, nhóm, hình thành nên các HTX để có thể giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.
>> Thức ăn chăn nuôi: Thuận lợi cuối năm
Theo Lê Thúy