Thị trường chăn nuôi: Không thể để một nhóm bóc lột cả triệu người
Ngành chăn nuôi đang đứng trước sự đổ bộ của thịt ngoại. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành này không thể cạnh tranh kiểu “băm bèo, nấu cám”, phải tận dụng giống, công nghệ tốt nhất của nước ngoài để tăng tính cạnh tranh với quốc tế.
Khó vì một chuỗi nhiều ông chủ
Tại hội nghị bàn về ngành chăn nuôi hôm qua (9/7), ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi (TACN) Việt Nam cho biết, nhận thức, tư duy chưa đúng từ T.Ư đến địa phương lâu nay, là “nút thắt” cản trở phát triển ngành này. Trong khi đó, dù được xem là “đầu tàu”, nhưng doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ở nước ta chỉ chiếm 1% (trong số hơn 400 nghìn DN trong cả nước). Phần lớn là DN nhỏ, vốn chỉ trên dưới 5 tỷ đồng, sao “đủ sức làm đầu tàu”.
Theo ông Lịch, riêng lĩnh vực TACN, cả nước có 199 DN, trong đó 58 DN nước ngoài, sản lượng mỗi nhà máy 100 đến 800 nghìn tấn/năm. Gần 140 DN của Việt Nam, phần lớn công suất bé.
“Chỉ một nhà máy TACN của Cty Chăn nuôi C.P ở Hải Dương đã tới cả trăm triệu USD, sao chúng ta bì được. Tại sao? Chúng ta vay vốn lãi suất thương mại đang 11-12%, ưu đãi nông nghiệp là 7%, trong khi lãi suất ở Mỹ 0,5%, Thái Lan 3%, Trung Quốc 5%”- ông Lịch nói.
Chủ tịch Hiệp hội TACN cũng cho rằng, trong nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài cần cho sản xuất ít thấy, mà toàn “nghĩ cái đâu đâu”. Ông chỉ ra: “Tôi thấy bao nhiêu năm nay, chưa có ai công bố công thức sản xuất premix (thức ăn bổ sung), chưa ông nào công bố thức ăn lợn con, trong khi giá loại thức ăn này tới 25.000 đồng/kg”.
Theo ông Lịch, Trung Quốc công bố tới 700 công thức sản xuất Premix, 700 công thức thức ăn đậm đặc, 700 công thức cho thức ăn lợn con. Năm ngoái, Việt Nam nhập hơn 4 tỷ USD TACN (trong đó hơn 1 tỷ USD loại Premix).
Ông Lịch cho rằng, khâu sản xuất của Việt Nam cũng “không giỏi”. “Như Cty C.P có một ông chủ, dưới đó là hệ thống làm giống, thức ăn, chuồng trại, thị trường, chế biến, tiêu thụ và hưởng trọn gói từ A đến Z chuỗi đó. Còn ở ta, cứ nói làm theo chuỗi, nhưng giống một anh, thịt một anh, cám một anh... 4-5 ông chủ, không biết phân chia lợi nhuận thế nào”- ông Lịch phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội TACN cho rằng, ngành chăn nuôi muốn cạnh tranh phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Ngoài việc bỏ một số loại phí, lệ phí kiểu “cấp giấy, phí chẩn đoán bệnh nên để lại và điều chỉnh lại một số giá dịch vụ hiện còn “hơi đắt”.
Theo dõi nhóm thao túng thị trường
Để đổi mới ngành chăn nuôi, khâu giống được xác định “khâu đột phá”. Tuy nhiên, nhiều địa phương phản ánh, chất lượng giống chăn nuôi còn rất kém, “kiếm không ra” giống tốt. Ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Người dân Vĩnh Phúc đi mua không tìm đâu ra giống lợn bố mẹ. Nếu không có Cty C.P đưa vào, cả tỉnh sẽ không có lợn giống bố mẹ”.
TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Chăn nuôi Quốc gia cho biết, hiện năng suất lợn của Việt Nam chỉ bằng 2/3 so với Đan Mạch, còn bò bằng 1/2 Úc. Trong khi đó, giá thành sản xuất cao; tính liên kết còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh và thủ tục còn phiền hà cho sản xuất.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, khi đã hội nhập, cần áp dụng những cái tốt nhất thế giới đã nghiên cứu về cho người dân sử dụng.
“Cái gì thua kém, chúng ta đi nhập về. Tôi đồng ý cần đàm phán mua giống bò tốt từ nước Mỹ; đem giống bò, cừu từ Úc; giống lợn tốt nhất Đan Mạch, hay gà tốt của Thái Lan về Việt Nam. Muốn cạnh tranh, ít nhất chúng ta không thua kém họ về giống”- ông Phát nói.
Ông Phát cho biết, vừa rồi ông không đồng ý chương trình nuôi giữ giống gốc. “Nuôi mấy con giống ông bà già từ thời thượng cổ ấy làm gì, để tiền đó đi nhập giống tốt về. Nên tạo điều kiện thông thoáng cho DN tư nhân nhập về, vì họ nhân ra, bán cho người dân giá cạnh tranh hơn”- ông Phát nói.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, chúng ta không thể “băm bèo nấu cám” cho lợn như mấy chục năm trước. Bộ trưởng nói: “Việt Nam có ngành công nghiệp TACN, sản xuất đáp ứng 70% nhu cầu, nhưng sao chăn nuôi của ta lại kém? Có người nói, giá TACN nước ta cao hơn Thái Lan 20-30%. Tôi nghĩ có ai đó đang cản trở thị trường, chúng ta cần rà soát lại. Thái Lan, Trung Quốc đều nhập ngô và đậu tương như ta, nhưng sao cám của ta đắt, chất lượng thấp hơn”.
Theo ông Phát, một số ý kiến cho rằng có nhóm độc quyền, vài công ty đi đêm thao túng thị trường TACN.
“Tôi đã cử cán bộ nghiên cứu, tìm hiểu, đều báo cáo không phát hiện ra. Tôi đề nghị các địa phương, nếu thấy dấu hiệu nhóm độc quyền, phải kiểm tra, báo cáo xử lý. Chúng ta chống khi lợi ích của nhóm đó trái với lợi ích của quốc gia, dân tộc, không thể bị một nhóm bóc lột cả triệu người. Giá cao, thì ngành chăn nuôi tăng trưởng chậm lại. Chúng ta đấu tranh là vì thế”- ông Phát nói.
Theo Cục Chăn nuôi, trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã nhập gần 210 nghìn con trâu, bò thịt sống từ Úc và Thái Lan; gần 30.000 con bò giống với tổng kim ngạch gần 200 triệu USD (tăng trên 60% về lượng, gần 100% về giá trị so cùng kỳ năm 2014). Cả nước cũng chi trên 4 triệu USD nhập khẩu trên 2.000 tấn thịt lợn (tăng gần 50%) và gần 53 triệu USD nhập gần 57.000 tấn thịt gà (tăng gần 55%).