Thị trường nông thôn lọt vào 'mắt xanh' của các doanh nghiệp tiêu dùng nhanh
Việc gia tăng sở hữu tủ lạnh tại khu vực nông thôn đến 53% sẽ khuyến khích các hộ gia đình nông thôn tiêu dùng các sản phẩm sữa, đồ uống và các thực phẩm khác nhiều hơn.
Lần đầu tiên ngành tiêu dùng nhanh tăng trưởng âm ở thành thị
Theo báo cáo ngành tiêu dùng nhanh của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử, ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) có tỷ lệ tăng trưởng khối lượng tiêu thụ ở mức âm tại khu vực thành thị.
Cụ thể, ngành tiêu dùng nhanh đã chững lại với mức tăng trưởng 0,4% về giá trị trong khi khối lượng tiêu thụ giảm ở mức 1,5% trong Quý III so với cùng kỳ năm trước.
Bức tranh tăng trưởng thị trường FMCG (%) từ Quý IV/2012 đến Quý III/2014.
Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, sau nhiều quý tăng trưởng ở mức 2 con số, tiêu dùng FMCG đã giảm tốc về mức một con số với tăng trưởng giá trị 8,7% và tăng trưởng khối lượng 6,2%. Khu vực này được Kantar Worldpanel Việt nam đánh giá là mục tiêu tiềm năng và không thể bỏ qua trong chiến lược phát triển của nhà sản xuất.
Tiêu dùng thực phẩm tăng tại nông thôn nhờ... cái tủ lạnh?
Tại nông thôn, các ngành hàng thực phẩm hiện đang tăng trưởng tốt hơn các ngành hàng phi thực phẩm về cả khối lượng lẫn giá trị trong bối cảnh người tiêu dùng nông thôn đang ưu tiên cho nhu cầu thiết yếu.
Bên cạnh đó, một lý do khác cho sự ưu tiên ngành hàng thực phẩm là nhờ... cái tủ lạnh. Theo kết quả kháo sát của Kantar Worldpanel vào cuối năm 2013, cứ 2 hộ ở nông thôn thì có 1 hộ có sở hữu tủ lạnh ở nhà. Việc ngày càng nhiều hộ gia đình có sở hữu tủ lạnh khuyến khích các hộ gia đình nông thôn tiêu dùng các sản phẩm sữa, đồ uống và các thực phẩm khác nhiều hơn.
Điển hình cho việc này là ngành hàng sữa chua uống trở thành ngành hàng tăng trưởng ấn tượng nhất với mức tăng 47% về khối lượng tiêu dùng, nhờ tăng 15% tiêu dùng trung bình của mỗi hộ và thu hút thêm 600.000 hộ tiêu dùng mới.
Tại thành thị, các sản phẩm chăm sóc gia đình là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trong số 5 lĩnh vực chính của FMCG do người tiêu dùng đang trì hoãn chi tiêu cho các sản phẩm bột giặt, nước xả vải, nước lau sàn…
Mua sắm tại siêu thị/đại siêu thị suy giảm ở thành thị, tăng trưởng ở nông thôn
Tăng trưởng ở tất cả các kênh tiêu dùng chính ở thành thị đều chững lại. Kênh hiện đại, đặc biệt là siêu thị, đại siêu thị đang suy giảm.
Ở nông thôn, chợ tiếp tục chịu mức tăng trưởng thấp trong khi tiệm tạp hóa có dấu hiệu giảm tốc. Các kênh hiện đại như siêu thị/đại siêu thị có mức tăng trưởng khá, duy trì thị phần nhỏ bé - 2% trong cơ cấu kênh tiêu dùng ở nông thôn.
Tăng trưởng của các kênh tiêu dùng tại khu vực thành thị (trên) và nông thôn (dưới) theo quý.
Chiến lược “nông thôn tiến”
Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, nông thôn Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 70% dân số cả nước và đóng góp 60% GDP, là mục tiêu tiềm năng và không thể bỏ qua trong chiến lược phát triển của nhà sản xuất. Các hộ gia đình nông thôn đã nhanh chóng chuyển mình trong thập kỷ qua. Với việc trang bị cho mình ngày càng nhiều thiết bị hiện đại, người tiêu dùng nông thôn ngày càng kết nối chặt chẽ hơn với thế giới và có nhiều công cụ hơn để mang lại cuộc sống tiện nghi hơn.
Ngoài điện thoại, tủ lạnh, máy giặt cũng đang gia tăng sự hiện diện ở nông thôn với 15% hộ gia đình nông thôn có sở hữu thiết bị này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nông thôn đã bắt đầu so kè với những người anh em ở thành thị trong việc trang bị các sản phẩm và dịch vụ công nghệ – tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có sở hữu máy tính cũng như có kết nối mạng internet tuy chưa nhiều nhưng đang tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây.
>> Mưu lược của Masan với ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam?
Thanh Thủy