Thị trường hàng hóa thế giới tệ nhất 13 năm
Chỉ số Bloomberg Commodities Index vẫn tiếp tục trượt dốc sau khi chạm đáy thấp nhất 13 năm trong phiên hôm qua, thấp hơn cả mức đáy của thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 hay khủng hoảng nợ công ở eurozone năm 2012.
Các nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa đã gặp phải nhiều tin buồn trong thời gian vừa qua.
Chỉ số Bloomberg Commodities Index đo lường diễn biến của thị trường hàng hóa vẫn tiếp tục trượt dốc sau khi chạm đáy thấp nhất 13 năm trong phiên hôm qua, thấp hơn cả mức đáy của thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 hay khủng hoảng nợ công ở eurozone năm 2012. Từ dầu mỏ đến đồng hay đường, có rất ít hàng hóa có thể thoát được kịch bản lao dốc.
Diễn biến của chỉ số Bloomberg Commodity Index.
“Thị trường hàng hóa là một mớ hỗn độn”, Walter “Bucky” Hellwig – người đang giúp quản lý 17 tỷ USD tại quỹ BB&T Wealth Management (Alabama) – nhận định. Quỹ của ông không có ý định đầu tư thêm vào thị trường hàng hóa ở thời điểm hiện tại.
Vàng, loại hàng hóa có tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số Bloomberg Commodities Index, là tài sản mới nhất bị “đánh gục” bởi đồng USD mạnh và nỗi lo về kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Kết thúc phiên hôm qua (20/7), giá vàng giao ngay giảm 2,8% xuống 1.102,05 USD/ounce, ghi nhận phiên thứ 6 giảm liên tiếp sau khi giảm xuống 1.088,05 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 3/2010.
Đà giảm khiến các nhà đầu tư như John Paulson phải chịu nhiều cay đắng. Tỷ phú này vẫn duy trì cổ phần tại quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới trong suốt 3 tháng đầu năm bởi có lúc giá đã tăng lên 1.300 USD/ounce.
Khoảng 2 tỷ USD giá trị thị trường đã bị xóa sạch khỏi các sản phẩm ETF theo dõi vàng, bạc, bạch kim và palladium trong phiên hôm qua. Trong tuần trước, nhà đầu tư rút khoảng 530 triệu USD khỏi các quỹ ETF theo dõi thị trường hàng hóa, tương đương 1% giá trị thị trường của các quỹ này.
Trong khi đó chuyên gia phân tích Aakash Doshi của ngân hàng Citigroup ước tính trong tuần kết thúc vào ngày 14/7 đã có khoảng 2,3 tỷ USD đã bị rút ra khỏi các khoản đầu tư có liên quan đến chỉ số hàng hóa. Con số tổng cộng từ ngày 30/6 lên đến 2,8 tỷ USD.
Các quỹ đầu cơ đang bi quan về vàng nhất kể từ năm 2006.
Newmont, nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, là cổ phiếu diễn biến tệ nhất trong chỉ số S&P 500 trong phiên hôm qua với mức giảm 12,2% (mạnh nhất trong hơn 6 năm).
Dẫu vậy, giá giảm không phải là tin xấu cho tất cả mọi người. Chỉ số Newedge CTA Index theo dõi lợi nhuận hàng ngày của 20 công ty tư vấn giao dịch hóa lớn nhất thế giới, đã tăng 2% trong tuần trước.