Ngành chăn nuôi Việt Nam: Không thể mãi là sân chơi ao làng
Việc các doanh nghiệp lớn chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp là tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp. Họ đầu tư như vậy không phải làm khó, là cạnh tranh với hộ chăn nuôi cá thể của bà con nông dân
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến thành lập vào cuối năm 2015 đang được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á. Nói một cách tổng quát, AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực rất rộng lớn.
Công cuộc hội nhập này đặt các nhà sản xuất của Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất của các nước trong cộng đồng AEC, trong đó có ngành chăn nuôi.
Chúng tôi đã phỏng vấn ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ Nông Nghiệp một số câu hỏi về vấn đề này.
Khi Việt Nam gia nhập AEC, ông cho rằng ngành chăn nuôi nước ta có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực hay không?
Ông Đào Văn Hồ: Tôi nghĩ là không chỉ có ngành chăn nuôi, nếu chúng ta gia nhập AEC vào năm 2015 hay có thể gia nhập TPP, thì ngành nào cũng phải thay đổi từ cơ bản. Hiện giờ chúng ta sản xuất chỉ chạy theo sản lượng chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Với cách thức như thế không thể phát triển được trong bối cảnh hội nhập. Chưa nói đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chúng ta phải cạnh tranh được ngay tại thị trường trong nước, nếu không, như báo chí vẫn hay dùng từ là “chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”.
Ngành chăn nuôi theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp trong thời gian vừa qua là ngành có rất nhiều cơ hội để bứt phá. Và hiện tại chúng ta có dư lượng để có thể phát triển tốt hơn cả trong sản xuất sữa, thịt bò, thịt lợn lẫn gia cầm… nhưng đòi hỏi ngành phải có chính sách phát triển phù hợp để nắm bắt được cơ hội.
Vâng, mỗi khi nhắc đến câu chuyện Việt Nam gia nhập sâu vào cộng đồng AEC thì luôn đi kèm một nỗi lo là sản phẩm của các nước trong khu vực sẽ tràn sang và lấn át hàng nội.
Lo lắng thì ai cũng lo nhưng việc này chúng ta đã có lộ trình rồi và doanh nghiệp phải đi đầu trong lộ trình này. Khi đi triển lãm nước ngoài, Thái Lan có một khẩu hiệu rất to là “Thái Lan là nhà bếp của thế giới”, tức là họ chỉ cần là bếp, sản xuất những gì trong khu vực mà một cái bếp của thế giới cần. Chúng ta nên học tập, có thế mạnh về cái gì thì tập trung làm cái đó chứ đi cạnh tranh với người ta về thứ mà mình không có thế mạnh, chắc chắn sẽ thua.
Đối với các doanh nghiệp nội, tôi cho rằng Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế đã chứng minh các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang nước ngoài sống rất “khỏe”. Một số Doanh nghiệp đi cùng Trung tâm xúc tiến thương mại thậm chí đã sản xuất với công suất tối đa. Quan trọng là chúng ta đã tìm đúng sản phẩm có lợi thế chưa? Cách sản xuất đã đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế chưa, đã tiết giảm hết chi phí có thể chưa?
Vậy theo ông, điểm yếu nhất của nền chăn nuôi nước ta là gì?
Như tôi đã nói lúc nãy, điểm yếu của ngành chăn nuôi cũng như nông nghiệp là chúng ta chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường. Sản xuất theo phong trào, mạnh ai người nấy làm và bán cái mình có chứ chưa bán cái người ta cần. Tôi nói ví dụ như thịt bò Kobe của Nhật có giá tới 3.000 USD/kg nhưng vẫn tiêu thụ tốt. Đó là vì tiêu chuẩn ẩm thực của đối tượng khách hàng dùng thịt bò Kobe rất cao. Nếu chúng ta lựa chọn phân khúc khách hàng mục tiêu và sản xuất sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu này thì mới có hiệu quả được.
Ngành nông nghiệp cũng đã đặt ra vấn đề tăng giá trị, tức là với một số vốn sẵn có, phải chọn sản phẩm để đầu tư có hiệu quả cao nhất. Không nên đầu tư theo số lượng nữa. Nếu cứ sản xuất đồng loạt các sản phẩm giống nhau như thời gian qua thì sẽ gặp cảnh cạnh tranh thiếu lành mạnh. Được mùa mất giá sẽ mãi là chuyện bình thường của nông dân.
Nhưng thưa ông, theo tôi, những vấn đề này phải do chính sách của Nhà nước định hướng cho người sản xuất?
Không, tôi thấy là chúng ta đã có rất nhiều chính sách để thay đổi ngành cho phù hợp với thị trường. Nhưng chính bà con nông dân phải là người hiểu biết. Muốn sản xuất, muốn làm giàu cũng phải là người tiêu dùng thông thái đã. Không phải cứ thấy người khác sản xuất thế nào, mình cũng làm thế mà giàu được. Nếu có, thì may ra được một lần, còn sau đó cơ bản sẽ thất bại.
Là người làm xúc tiến thương mại, tôi khuyên bà con nông dân phải tự tìm hiểu, tự trang bị kiến thức về thị trường. Ở Tp Hồ Chí Minh hay Củ Chi, người ta làm hoa lan rất tốt vì có người bỏ ra mấy chục nghìn USD sang Thái Lan học kinh nghiệm trồng hoa. Tôi nghĩ là bà con nông dân cũng phải biết truy cập internet, tìm kiếm thông tin thị trường trong nước và quốc tế… để có định hướng sản xuất.
Điều quan trọng nữa là người nông dân phải liên kết với nhau chứ nếu không, mỗi người bán một giá sẽ dẫn đến sự cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Vậy với vai trò là người làm xúc tiến thương mại, Trung tâm xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân?
Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp trong thời gian có một số hoạt động như tổ chức hội chợ nông nghiệp để doanh nghiệp sản xuất cũng như bà con nông dân hiểu được thị trường, biết được thị trường đang cần gì, doanh nghiệp khác đang giới thiệu sản phẩm gì, cách thức chào hàng ra sao… Từ đó nhận thấy doanh nghiệp, trang trại của mình đã hoạt động đúng cách chưa, biết được thị trường sản xuất tiến đến mức độ nào, yêu cầu thị trường cao như thế nào để cải tiến sản phẩm cho phù hợp.
Tôi đánh giá rất cao mô hình liên kết 4 nhà, mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ chăn nuôi để thành lập tổ hợp tác, có bộ phận đứng ra làm thương mại cho mình và sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm …
Có ý kiến cho rằng khi gia nhập AEC, Việt Nam chỉ cạnh tranh được bằng thịt lợn, còn ngành chế biến thịt bò không thể cạnh tranh được với các nước khác. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Tôi không nghĩ như thế. Thịt bò của chúng ta hoàn toàn cạnh tranh được. Điều kiện chăn thả và thời tiết khác hẳn các nước nên thịt bò của chúng ta cũng không giống các nước khác. Nhưng đúng là phải học tập công nghệ chăn nuôi và chế biến của nước ngoài. Các công ty sản xuất sữa nhập bò sữa ngoại về chăn nuôi và thu hoạch thì bò thịt cũng có thể chăn nuôi theo công nghệ nước ngoài như vậy để nâng cao chất lượng và cạnh tranh.
Tôi thấy việc các doanh nghiệp lớn chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp là tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp. Họ đầu tư như vậy không phải làm khó, là cạnh tranh với hộ chăn nuôi cá thể của bà con nông dân. Phải xác định cạnh tranh là để phát triển. Đây là sân chơi quốc tế, không thể mãi là sân chơi ao làng được.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
>> 30 năm nữa chăn nuôi bò sữa Việt Nam mới bằng nổi Đài Loan
Theo Bảo Ngọc