Thị trường BĐS: Chờ đón những "siêu đô thị”

10/10/2015 14:05 PM |

Giai đoạn 2016 - 2018, dự báo nguồn cung bất động sản (BĐS) tại TP.HCM sẽ tăng mạnh, bắt nguồn từ sự xuất hiện của những "siêu dự án" ở các quận nội thành.

Sau hơn 3 tháng được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đầu tháng 10 này, dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD đã được động thổ ở Khu lõi trung tâm của Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM).

Theo Ban quản lý (BQL) KĐTM Thủ Thiêm, tính đến thời điểm này, đây là 1 trong 4 dự án BĐS chính thức được cấp giấy phép trong khu, cùng với các dự án còn lại là: 2 khu đất của nhà đầu tư GS E&C, dự án khu nhà ở thấp tầng của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM và Khu đô thị Sala của Công ty Đại Quang Minh.

Ngoài 4 dự án BĐS này, BQL KĐTM Thủ Thiêm cũng đang cùng các sở, ngành thành phố hoàn tất thủ tục cấp phép cho dự án khu vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho một tập đoàn lớn của Việt Nam và khu đô thị thông minh Thu Thiem Eco Smart City (hơn 2 tỷ USD) cho Tập đoàn Lotte.

Được biết, Empire City cũng là dự án đóng góp đáng kể vào thành tích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP.HCM trong 9 tháng của năm 2015.

Dự án có sự tham gia góp vốn theo tỷ lệ 50:50 của hai doanh nghiệp trong nước là Công ty CP BĐS Tiến Phước, Công TNHH BĐS Trần Thái và đối tác nước ngoài, Công ty Denver Power (thuộc Tập đoàn Gaw Capital Partners).

Gaw Capital Partners hiện đang quản lý 4 quỹ đầu tư và nhiều dự án BĐS ở Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong... với tổng giá trị tài sản quản lý trên toàn thế giới khoảng 10 tỷ USD.

Trả lời Doanh Nhân Sài Gòn, ông Felix Lai - Giám đốc đầu tư của Gaw Capital Partners cho biết, Empire City không phải là khoản đầu tư đầu tiên của quỹ tại Việt Nam, trước đó, họ mua các dự án từ danh mục của Indochina Land Holdings 2 (thuộc Indochina Capital) tại Việt Nam, cụ thể là Indochina Plaza Hà Nội, Hyatt Regency Đà Nẵng và hai dự án mở rộng thêm quỹ đất tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Các giao dịch này cũng đã được công bố hồi đầu tháng 6/2015 với giá trị khoảng 106 triệu USD và thực hiện thông qua Gaw NP Capital Vietnam Fund 1, L.P, một quỹ đầu tư liên doanh mà Gaw Capital kết hợp với quỹ nội là NP Capital, do ông Võ Sỹ Nhân - Phó chủ tịch cấp cao Công ty CP BĐS Tiến Phước sáng lập (ông Nhân cũng đồng thời là Tổng giám đốc của Công ty Liên doanh Empire City, quản lý dự án Empire City).

Ở Việt Nam, Công ty Tiến Phước đang sở hữu quỹ đất hơn 200ha tại các tỉnh, thành phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước khi động thổ khu phức hợp Empire City không lâu, tại đại hội cổ đông lần thứ nhất của Công ty TNHH Một thành viên Cảng Sài Gòn (để thông qua việc thành lập Công ty CP Cảng Sài Gòn và các hoạt động khác), Cảng Sài Gòn cũng cho biết, từ năm 2016, Cảng Nhà Rồng Khánh Hội (1 trong 4 cảng do Công ty CP Cảng Sài Gòn quản lý) sẽ dừng hoạt động.

Thay vào đó, khu đất hơn 32ha với chiều dài bờ sông 1.800m của cảng này sẽ được chuyển đổi công năng thành khu đô thị phức hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển...

Dự án này sẽ do Công TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Cảng Sài Gòn nắm 26% vốn điều lệ, hợp tác cùng một tập đoàn đa ngành lớn trong nước) đầu tư, với tổng vốn trên 11.000 tỷ đồng.

Như vậy, cùng với dự án này, dọc theo sông Sài Gòn, trong thời gian tới, sẽ có ít nhất 6 khu đô thị phức hợp hình thành, gồm: Khu đô thị Smart City Thanh Đa, Empire City, Sala, Vinhomes Central Park, Khu Ba Son, Khu Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Song song với việc sự xuất hiện của các dự án "khủng", không ít dự án hạ tầng đòn bẩy cũng bắt đầu rục rịch.

Điển hình như dự án cầu Thủ Thiêm 3 (nối KĐTM Thủ Thiêm với Q.4), cầu Thủ Thiêm 4 (từ KĐTM Thủ Thiêm sang Q.7), hiện đã có một số nhà đầu tư tư nhân đề xuất đầu tư xây dựng theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng.

Trong đó, đáng chú ý là trường hợp cầu Thủ Thiêm 3, nếu được xây dựng sẽ tạo thành cầu nối quan trọng, làm tăng giá trị của dự án Khu tháp quan sát 86 tầng cũng như dự án khu vui chơi giải trí ở KĐTM Thủ Thiêm và Khu phức hợp Cảng Nhà Rồng Khánh Hội.

Riêng công trình cầu Thủ Thiêm 4, được biết, một doanh nghiệp BĐS vừa hoàn thành công trình giao thông lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có ý định tham gia đầu tư.

Với việc hình thành các dự án BĐS phức hợp có quy mô lớn và sự hoàn thiện về hạ tầng, dự báo, trong giai đoạn từ 2016 - 2018, thị trường sẽ có thêm một lượng lớn nhà ở thuộc phân khúc cao cấp từ các KĐT, Khu phức hợp ở các khu vực đắc địa ngay liền kề trung tâm thành phố (mỗi dự án cung cấp tối thiểu khoảng 3.000 căn hộ, chưa tính đến các hạng mục khác như nhà phố, biệt thự...).

Hiện nay, ngoại trừ sản phẩm từ dự án KĐT Sala và Vinhomes Central Park đang kinh doanh thì một số dự án còn lại sẽ mở bán trong thời gian tới.

Ông Võ Sỹ Nhân - Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Empire City, cho biết, bắt đầu từ năm 2016, những căn hộ đầu tiên của dự án Empire City sẽ được giới thiệu.

Khu phức hợp Cảng Nhà Rồng Khánh Hội sẽ bán sản phẩm ra thị trường từ năm 2018 và dự kiến mang lại cổ tức cho cổ đông trên 10%/năm.

Theo NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU

Cùng chuyên mục
XEM