'Thế hệ bị bỏ lại' - góc khuất đằng sau sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc

19/10/2015 10:00 AM |

Trẻ em nông thôn Trung Quốc thường thiếu dinh dưỡng, buồn bã và phát triển chậm hơn so với bình thường. Nguyên nhân là bởi chúng phải xa bố mẹ từ nhỏ, thiếu thốn tình thương, sự quan tâm và chăm sóc.

Hãy tưởng tượng, bạn sống ở một vùng nông thôn Trung Quốc và lập gia đình sớm, không có việc làm, vì vậy bạn phải lên thành phố lớn để tìm việc, cách quê hương tới 1.000 dặm.

Tuy nhiên, theo quy định của chính phủ, nếu mang theo cả con cái đi cùng, chúng sẽ gần như chắc chắn không thể đến trường hay thậm chí tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc y tế ở đó. Ngay cả khi cha mẹ của bạn chia sẻ gánh nặng chăm sóc con cái thì mức lương hưu của họ là quá ít ỏi. Vậy bạn phải làm gì?

Với những người cha, người mẹ của 61 triệu trẻ em Trung Quốc kể trên, câu trả lời là họ buộc phải để con cái mình ở lại quê hương và nhờ ông bà hay họ hàng thân thích chăm sóc. Khoảng 9 triệu trẻ em khác bị bỏ lại ở một thành phố và bố mẹ họ đi làm ăn ở một nơi khác. Như vậy, tổng cộng có 70 triệu bé – tương đương với toàn bộ trẻ em tại Mỹ.

Tờ Economist đã gọi trường hợp kể trên là “Thế hệ bị bỏ lại” – chúng cho thấy mặt tối của sự phát triển thần tốc mà kinh tế Trung Quốc đang đạt được. Chúng tạo ra lỷ lệ không cân xứng khi trẻ em nông thôn thiếu dinh dưỡng hơn 4 lần so với ở thành phố.

Một khảo sát trong năm nay với tiêu đề "Growing Home" cho thấy, “những đứa trẻ bị bỏ lại” thường buồn bã và tâm lý không ổn định hơn so với bạn bè cùng trang lứa ở nơi khác.

Các nhà nghiên cứu tại Thượng Hải nhận thấy rằng “những đứa trẻ bị bỏ lại” thường học kém hơn. Ngoài ra, cảm xúc và khả năng phát triển xã hội của chúng cũng bị tụt lại phía sau. Những câu chuyện về bạo hành và tự sát lan tràn khắp nơi, bằng chứng cho thấy “những đứa trẻ bị bỏ lại” thường có nguy cơ phạm tội cao hơn bình thường.

Điều đáng báo động là không chỉ Trung Quốc, một số quốc gia khác cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Đa phần những người bố và mẹ tại đây đều buộc phải xa quê hương và gia đình để tìm kiếm việc làm. Tại Philippine, nghiên cứu cho thấy con cái của những bà mẹ phải làm việc ở nước ngoài thường gặp khó khăn khi tới trường.

Tại Sri Lanka “những đứa trẻ bị bỏ lại” thường có cân nặng nhẹ hơn 3 lần so với mức trung bình. Tuy nhiên, vấn đề của Trung Quốc có lẽ đáng báo động hơn cả – số lượng “những đứa trẻ bị bỏ lại” tại đây lớn hơn so với tất cả các quốc gia khác cộng lại. Ngoài ra, chính phủ nước này còn đặt ra những quy luật ngặt nghèo về di cư ngay trong quốc gia của mình.

Vậy giải pháp là gì?

Một trong những biện pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện ngay lúc này để cải thiện tình hình đó là bãi bỏ “hukou” – một loại giấy tờ giống với hộ khẩu cho phép người dân và con cái họ được tới trường học và hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhưng chỉ tại nơi đăng ký hộ khẩu. Một biện pháp đơn giản hơn nữa là cho phép những công nhân có kỹ năng thay đổi “hukou” và những người không có kỹ năng đến những thành phố nhỏ hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều những thay đổi cấp tiến hơn nữa để giúp cải thiện tình hình. Chính phủ Trung Quốc cũng nên cho phép những người sống ở các vùng nông thôn quyền sở hữu đất đai giống như những công dân thành phố. Điều này sẽ cho phép họ bán nhà và chuyển tới thành phố lớn hơn với một khoản tiền để nuôi sống gia đình.

Nhiều biện pháp khác cũng cần được thực hiện để giúp đỡ những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất. Hàng loạt trường hợp xâm hại tình dục gần đây xảy ra ở những trường học nông thôn cho thấy giáo viên đã không làm tròn trách nhiệm.

Tại một quốc gia hầu như không có hệ thống phúc lợi trẻ em, chính phủ Trung Quốc đang đào tạo những nhân viên xã hội để tìm kiếm và giúp đỡ những “đứa trẻ bị bỏ lại”. Dẫu vậy, chương trình này mới chỉ tiếp cận được 250.000 bé - một con số quá ít so với thực tế.

Các công ty sử dụng lao động di cư cũng có thể đóng góp cho nỗ lực này. Ví dụ như tạo điều kiện cho bố mẹ của những đứa trẻ có thể gọi điện về nhà trong giờ làm việc hay thậm chí tạo ra một ngôi trường riêng cho con em công nhân. Đặc biệt khi nhiều nhà máy khó khăn trong việc tìm nhân công, việc giúp đỡ gia đình của người lao động sẽ giúp việc kinh doanh diễn biến tốt hơn.

Dĩ nhiên, khi ngày càng trở nên giàu mạnh, Trung Quốc đồng thời phải đối mặt với không ít vấn đề đáng lo ngại. Đây có thể coi là chi phí cơ hội cho quá trình phát triển. Dẫu vậy, quốc gia này nên ngừng tự gây khó dễ, làm ảnh hưởng tới một bộ phận không hề nhỏ thế hệ trẻ em nông thôn của đất nước.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM