Tăng trưởng tín dụng: Đường về còn xa

14/09/2014 15:56 PM |

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% mà ngành ngân hàng (NH) đặt ra cho năm nay tuy không cao, nhưng để hoàn tất kế hoạch xem ra không khả thi.

Nặng gánh nợ xấu

Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF), Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, từ hạng 70 lên 68 nhờ một loạt yếu tố như kinh tế ổn định, lạm phát thấp, các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, quyền sở hữu tài sản được tăng cường, tham nhũng giảm, cơ sở hạ tầng về giao thông và năng lượng có cải thiện.

Đặc biệt, trong bộ chỉ tiêu, trừ quy mô thị trường, Việt Nam xếp cao nhất (hạng 49) về hiệu quả thị trường lao động, chủ yếu lực lượng lao động trẻ có khả năng thích nghi nhanh với sự thay đổi về môi trường làm việc.

Tuy nhiên, điểm thất vọng là báo cáo của WEF cho rằng hệ thống NH của Việt Nam hiện còn khá yếu ớt trong bối cảnh nợ xấu chưa được công bố đầy đủ và tăng trưởng tín dụng còn chậm chạp.

Tương tự, một báo cáo trước đó của tổ chức tư vấn Ernst & Young - EY ("Các thị trường tăng trưởng nhanh" quý II năm 2014) cũng đưa ra một số luận điểm quan trọng về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Một mặt, tăng trưởng GDP cho năm 2014 được dự báo ở mức 5,6%, thấp hơn mục tiêu 5,8%, đồng thời, dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 cũng được giảm từ 6,4% xuống 6,0% do mối lo ngại về việc Trung Quốc xâm lấn chủ quyền biển đảo của Việt Nam và sự sụt giảm về thương mại giữa các nước châu Á nói chung.

Cũng như báo cáo của WEF, EY nhắc đến việc tín dụng chậm mở rộng như là một rủi ro chính của Việt Nam cùng với tiến độ cải tổ nhằm thu nhỏ quy mô các doanh nghiệp nhà nước.

Trên thực tế, dù lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm nhưng số liệu tính đến ngày 31/7, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98%, trong khi tăng trưởng tín dụng 3,68%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết, ước 7 tháng đầu năm nay, tín dụng của các NHTM trên địa bàn TP.HCM chỉ tăng 3,3% so với đầu năm 2014.

Để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng (TCTD) và toàn hệ thống, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai chính sách tín dụng như: cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, chương trình liên kết "bốn nhà” trong lĩnh vực xây dựng...

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kỳ vọng của các nhà điều hành, còn một thực tế không thể phủ nhận là DN còn khó khăn và không muốn tiếp cận nguồn vốn mới. Theo đó, trước sức mua thị trường và tồn kho chưa mấy cải thiện, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay vẫn được xem là một thách thức lớn đối với ngành.

Khắt khe chuẩn Basel II

Theo lãnh đạo một NHTM, những khó khăn về thị trường cộng với nợ xấu vẫn phát sinh từ các khoản vay mới và nhất là khoản cũ trước đây khi doanh nghiệp không bán được hàng để trả nợ đang khiến các NH rất vất vả.

Mục tiêu của ngành trong thời gian còn lại của năm 2014 là tập trung triển khai các giải pháp tín dụng, để phấn đấu đạt mục tiêu tín dụng cả năm 12-14%. Trong trường hợp tín dụng không đạt mục tiêu, thì phải phấn đấu đạt mức tăng trên 10% thì mới có tác động thúc đẩy kinh tế.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các NHTM trên địa bàn TP.HCM đã nỗ lực xử lý nợ xấu khoảng 8.000 tỷ đồng, song tổng số nợ xấu tính đến thời điểm này vẫn trên 47.000 tỷ đồng, cho dù đã nỗ lực hy sinh lợi nhuận trích lập dự phòng, bán nợ xấu cho VAMC, xử lý thu hồi bằng tiền và phát mãi tài sản. Kinh doanh sẽ còn khó khăn hơn bởi yêu cầu đảm bảo an toàn, hiệu quả đặt ra cho ngành NH mỗi ngày một cao.

Một mặt, đối với vấn đề bán nợ xấu cho VAMC, hành động này không thể giải quyết triệt để tận gốc vì NH phải trích 20% dự phòng, sau 5 năm các khoản nợ xấu đó chưa được xử lý thì NH sẽ phải nhận lại.

Còn việc thu hồi nợ bằng tiền mặt và phát mãi tài sản của các NHTM tại khu vực TP.HCM lại chiếm tỷ lệ rất ít. Trong đó, xử lý thu hồi bằng tiền mặt chỉ đạt vài trăm tỷ đồng, còn phát mãi tài sản dường như vẫn là bài toán khó đối với các NH.

Mặt khác, các NH giờ đây tiếp tục đối mặt với vấn đề mới là sẽ áp dụng chuẩn Basel II với hàng loạt quy định khắt khe phải thực hiện nhằm đảm bảo an toàn khiến áp lực đối với các NHTM càng lớn hơn. Dù vậy, khi được hỏi về vấn đề áp chuẩn Basel II, nhiều NHTM cũng sốt sắng công bố đã thực hiện thử nghiệm.

Đơn cử, do quản trị rủi ro chưa được siết chặt, nợ xấu tăng mạnh, do đó, thời gian vừa qua, hầu hết các NH đều áp dụng những nguyên tắc quản lý, đặc biệt là quản trị rủi ro có phần tương đồng với Basel II, thậm chí là áp dụng luôn những quy tắc trong Basel II để thực hiện dù còn 4 năm nữa mới đến lộ trình phải áp dụng.

Bẳng chứng là sau khi áp dụng Thông tư 02, Thông tư 09 phân loại nợ và trích lập dự phòng, Thông tư 14 (sửa đổi) và sử dụng dự phòng theo Quyết định 493/QĐ-NHNN của NHNN, các NHTM đã "rối như canh hẹ”. Biểu hiện rõ nhất là nợ xấu của các NHTM tăng lên thay vì giảm như mục tiêu đề ra.

Vì thế, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành NH, chắc chắn tín dụng năm nay sẽ khó đạt mục tiêu. Còn nếu cố chạy đua mục tiêu và tăng rất nhanh vào cuối năm chắc chắn dư nợ tín dụng sẽ dồn cục và khó tránh được việc tín dụng tăng "ảo" cuối năm.

>> Tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng có còn lợi?

Theo Linh Nhi

Cùng chuyên mục
XEM