Tại sao nhân viên ngân hàng phố Wall tự tử?

22/02/2014 10:36 AM |

Theo tờ South China Morning Post, những quy định mới thậm chí đã gây áp lực lên các phòng ban hỗ trợ của phố Wall – bộ phận vốn hiếm khi được nhắc đến.

Có lẽ sẽ là hơi liều lĩnh khi cho rằng tự tử là một xu hướng đang rộ lên trong ngành tài chính. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, từ Mỹ đến London và Hồng Kông đã xảy ra hàng loạt vụ tự tử của các nhân viên ngân hàng.

Kể cả khi không phải là một xu hướng, đây vẫn là điều cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Đó là nhận định của một người giấu tên trên phố Wall. Mỗi cá nhân có một trường hợp riêng biệt và hoàn toàn khác nhau và không ai biết chính xác tại sao ai đó phải tìm đến con đường tự tử. Đó có thể là do công việc hoặc do cuộc sống cá nhân, nhất là khi các ngân hàng là môi trường quá rộng và có rất nhiều loại người. 

Điểm khác biệt giữa một công việc trên phố Wall và những công việc khác là nhiều người khác nhau có những cách khác nhau để đối phó với những áp lực mà ai trong ngành cũng gặp phải. Đối với ngành ngân hàng, đó là công việc rất áp lực và áp lực ấy ngày càng tăng lên kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra. 

Hãy tưởng tượng bạn là một người có tính cạnh tranh cao và luôn hướng đến kết quả trong khi công việc của bạn luôn luôn đem lại nguồn thu nhập cao. Bất chợt, khủng hoảng kinh tế xảy ra, kéo theo đó là những luật lệ mới về điều bạn có thể làm và không thể làm. Bạn phải đuổi theo những quy định mới và làm việc vất vả hơn bao giờ hết nhưng lại không thể kiếm được nhiều tiền như đã từng. 

Điều này không chỉ xảy ra với những giao dịch viên tràn trề năng lượng và các nhân viên ngân hàng đầu tư có nhiều tham vọng. Theo tờ South China Morning Post, những quy định mới thậm chí đã gây áp lực lên các phòng ban hỗ trợ của phố Wall – bộ phận vốn hiếm khi được nhắc đến.

Tiến sĩ Alden Cass – nhà tâm lý học và cũng là tác giả của cuốn "Bullish Thinking: The Advisor's Guide to Surviving and Thriving on Wall Street” (tạm dịch: Chỉ dẫn để sống sót và hùng mạnh trên phố Wall) – cho rằng phố Wall đã không xiết chặt luật lệ cho tới khi trải qua khủng hoảng thế chấp. Các vấn đề về sức khỏe tinh thần cũng tương tự như vậy, người ta không nhận ra vấn đề cho đến khi bị tổn thương.

Tiến sĩ Cass là người nghiên cứu chuyên sâu về các biện pháp điều trị cho bệnh nhân thường xuyên làm việc trong môi trường quá căng thẳng. Ông cho biết nhóm bệnh nhân này có nguy cơ mắc bệnh cao khi công việc mà họ coi là một phần làm nên vị thế của bản thân không đáp ứng được kỳ vọng do chính họ đặt ra. Đặc biệt, những người làm việc trên phố Wall thường có xu hướng cầu toàn và hay so sánh bản thân với những người xung quanh. 

Các công ty trên phố Wall khiến sức khỏe tinh thần trở thành một vấn đề nghiêm trọng sau sự kiện 11/9. Cũng dễ hiểu khi tìm kiếm sự giúp đỡ sau khi chứng khiến hoặc thậm chí là mất đi người thân và bạn bè sau thảm họa. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính là một đòn nặng giáng vào các nhân viên ngân hàng. Thay vì tìm đến những nhà tâm lý học, họ lại tìm đến chất gây nghiện và rượu. 

Cass lý giải xu hướng này mang tính chất văn hóa. Yêu cầu ai giúp đỡ có thể khiến bạn có cảm giác yếu thế. Chia sẻ với đồng nghiệp cũng mang lại cảm giác tương tự. Và, không có ai ở phố Wall muốn có cảm giác này. Trên phố Wall, người ta có thể làm việc cả ngày và dự các bữa tiệc thâu đêm trong khi vẫn mang về số tiền khổng lồ cho công ty. Đôi lúc, họ tự giải tỏa căng thẳng với chất gây nghiện và rượu, hoặc đốt tiền vào những thú vui xa xỉ. 


Thu Hương

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM