Nội dung nổi bật:
Số vàng “ống bơ” có lần được ước tính vào khoảng 400 tấn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã kiên định thực hiện độc quyền nhập khẩu vàng miếng với liên tiếp 70 phiên đấu giá, mang về khoản lợi nhuận trên dưới 8.000 tỉ đồng. Kết quả là “Phố Wall Hà Trung” sau các chính sách quản lý vàng, giờ có vẻ giống với “Chùa Bà Đanh”.
Thống đốc Bình cũng ban hành thông tư 21 siết chặt lại các “Phố Wall” ngân hàng, có những “Phố Wall” chỉ 1km mà có tới 16 ngân hàng lớn nhỏ. Có thể, trong năm 2014, sẽ có thêm nhiều nước mắt, nhưng điều đó là cần thiết cho việc dẹp bỏ tình trạng “ra ngõ gặp ngân hàng”.
Lạnh lùng, quyết đoán, và bất chấp chỉ trích…
Chẳng có gì lạ cả, khi mà “sòng vàng” đã được dẹp bỏ cơ bản thì việc người dân quan tâm đến giá vàng chỉ có thể là một minh chứng cho một thói quen “tích trữ, phòng sự” đã ăn sâu bắt rễ, đã được kiểm nghiệm qua ít nhất 2 lần đổi tiền.
Số
vàng “ống bơ” có lần được ước tính vào khoảng 400 tấn. Bất cứ ai cũng nhìn nhận đó là một nguồn lực đang “chôn đầu giường”, bất cứ ai ngồi “cầm cái” trên ghế
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tìm cách làm sao đưa số vàng "chết" đó vào lưu thông. Và thực tiễn cho thấy chưa có thống đốc nào vượt ải thành công, kể cả ông Nguyễn Văn Bình.
Năm 2013, cực kỳ lạnh lùng, cực kỳ quyết đoán, và bất chấp điều tiếng “con buôn”, mặc kệ chỉ trích “lấy vốn của dân đi buôn”, bất chấp các vị ĐBQH “lên án”: “Dân chỉ thấy hoạt động nổi bật của Ngân hàng Nhà nước là lo bán vàng”, Thống đốc đã kiên định thực hiện độc quyền nhập khẩu vàng miếng với liên tiếp 70 phiên đấu giá, mang về khoản lợi nhuận trên dưới 8.000 tỉ đồng. “Chênh lệch giá vàng là thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân... Nếu mua vàng giá cao hơn thì cũng bán giá cao, do vậy sự chênh lệch ở đây không phải là thiệt thòi của người mua và bán” - Thống đốc chỉ giải thích vắn tắt như thế.
Kết quả cuối cùng, cần phải nói một cách công bằng là hết đầu cơ, cũng không còn buôn lậu, mà hình ảnh sinh động là “Phố Wall Hà Trung” sau các chính sách quản lý vàng, giờ có vẻ giống với “Chùa Bà Đanh”. Chính Thủ tướng, trong buổi làm việc với ngành ngân hàng cuối năm, cũng đánh giá cao cách điều hành thị trường vàng. “Dù phải chịu nhiều sức ép, dứt khoát phải tiếp tục độc quyền nhập khẩu vàng, vì đó là ngoại tệ” - Thủ tướng nói.
Trong năm thứ 2 ngồi ghế "nóng", cũng với sự lạnh lùng như vậy,
Thống đốc ban hành thông tư 21 siết chặt lại các “Phố Wall” ngân hàng, sau khi đã kịp “tái cơ cấu” một loạt các ngân hàng khác. Thông tư 21 đưa thời hạn “tối hậu thư” 2 năm để hoặc các ngân hàng phải tái cơ cấu để nâng quỹ tiết kiệm thành phòng giao dịch, hoặc giải tán.
Có thể, chỉ ngay trong năm 2014 thôi, sẽ có thêm nhiều nước mắt, nhưng điều đó là cần thiết cho việc dẹp bỏ tình trạng “ra ngõ gặp ngân hàng”. Có thể tưởng tượng được không, có những “Phố Wall” chỉ 1km mà có tới 16 ngân hàng lớn nhỏ.
Chỉ có điều, những điều hành đó là quá cứng. Quá mạnh. Quá sốc. Quá quyết liệt. Quá thách thức.
Tiếp tục đưa vàng "ống bơ", ngoại tệ "gối đầu giường"… vào lưu thông
Không lạ khi ngay trong kỳ “sát hạch” đầu tiên trong Quốc hội, ông
Nguyễn Văn Bình đứng đầu bảng về số phiếu tín nhiệm thấp.
Giờ trở lại với vàng "ống bơ". Đèn xanh đã được bật khi chính Thủ tướng yêu cầu trong năm tài khóa tới, Ngân hàng Nhà nước “có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh".
Nhớ trong lần xuất hiện gần nhất trên truyền hình quốc gia, thống đốc khẳng định chắc nịch “2 năm qua, những ai có tiền gửi ngân hàng bằng đồng Việt Nam đều có lãi và an toàn”. Và “Nếu người dân nào có tiền gửi ngân hàng bằng VND thì nên tiếp tục gửi ngân hàng bằng tiền đồng. Nếu ai còn băn khoăn gửi VND hay đồng tiền khác thì cũng nên sử dụng tiền VN để gửi vào ngân hàng, bởi đây là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất, cũng là mục tiêu điều hành của NHNN”.
Mục tiêu điều hành chắc chắn là không có gì phải bàn. Nhưng có an toàn không thì lại phải hỏi... Huỳnh Thị Huyền Như.
Trong vụ án mà nguyên trưởng phòng giao dịch của VietinBank chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng có một khía cạnh liên quan đến sự an toàn của những đồng tiền gửi.
“Nếu một ngày nào đó bạn đến ngân hàng lấy tiền thì hỡi ôi, có kẻ giả danh bạn, dùng sổ tiết kiệm (hay hợp đồng gửi tiền) làm vật thế chấp ngân hàng để vay ngân hàng. Hiện giờ kẻ ấy đã bị tạm giam và ngân hàng đó cũng không trả tiền cho bạn với lý do: Toàn bộ số tiền đó đã bị lừa đảo hết rồi".
Một ai đó đã viết, chính xác đến từng milimet, về cái lý của ngân hàng. Và cái lý đó cho biết là đồng tiền gửi có an toàn hay không, lại phụ thuộc vào lương tâm của cán bộ ngân hàng.
Nhưng tôi gửi tiền, hoặc vàng vào ngân hàng cơ mà. Nhưng tôi gửi vào VietinBank qua Huyền Như chứ có phải gửi cá nhân Huyền Như đâu. Nhưng tôi đâu có lừa đảo ai. Nhưng đó là tiền mồ hôi nước mắt của tôi. Nhưng... chắc chắn là những người mất tiền sẽ đặt ra vô số câu hỏi, với bắt đầu bằng một chữ “nhưng” như thế.
Nhưng đó là lừa đảo, và người có trách nhiệm trả tiền là kẻ lừa đảo, đang bị bắt và nhiều khả năng lãnh án đến chung thân. Nhưng đó là quy định của pháp luật. Nhưng không có nhưng nhị gì hết.
Tiền cũng vậy và vàng có gửi cũng thế thôi, ngay cả khi có bảo hiểm tiền gửi.
Nhớ hồi Luật Bảo hiểm tiền gửi được đưa ra thảo luận trước Quốc hội, ĐBQH Trần Du Lịch gây sốc khi tiết lộ rằng, số tiền chi trả bảo hiểm tối đa chỉ 50 triệu đồng cho mọi đối tượng, cho mọi mức tiền gửi.
Còn chính Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng cũng thừa nhận, trong con số 50 triệu đồng này có sự “cào bằng quyền lợi của người gửi nhiều cũng như người gửi ít... nếu chẳng may rủi ro thì họ sẽ không biết bấu víu vào đâu”.
Ai cũng biết phải đưa vàng "ống bơ", đưa ngoại tệ "gối đầu giường", đưa tiền trong tủ của dân vào lưu thông thì mới tạo nguồn lực cho nền kinh tế. Nhưng xem ra, đây là nhiệm vụ không dễ.
>> Thống đốc đã giữ lời
kyanh