Sức hút khó cưỡng của 'Nền kinh tế chia sẻ'

08/12/2015 09:34 AM |

Những công ty hoạt động trên mô hình "nền kinh tế chia sẻ" đang tìm ra cách để có được tương lai hứa hẹn hơn phía trước - nơi mà bất kỳ ai cũng có quyền quyết định xem mình sẽ làm việc khi nào, ở đâu và trong bao lâu.

CafeBiz xin gửi tới độc giả chùm bài "Thế giới sẽ ra sao trong năm 2016" trích từ báo cáo đặc biệt của tờ The Economist. Bài đầu tiên này là chia sẻ của Travis Kalanick - CEO của Uber - ứng dụng gọi taxi đã làm mưa làm gió thời gian gần đây.


Một trong những công việc đầu tiên của tôi thời sinh viên đó là dạy gia sư đầu vào đại học ở Los Angeles. Đó là trải nghiệm đầu tiên và sớm nhất của tôi với những gì mà mọi người gọi là “gig economy” (Từ "gig" ở đây ám chỉ những hợp đồng cho thuê ngắn hạn).

Tuy nhiên, nếu được hỏi vào thời điểm đó, có lẽ tôi sẽ vẫn nói rằng mình chỉ đang cố gắng kiếm thêm một khoản tiền để chi trả học phí.

Ngày nay, có 53 triệu người tại Mỹ, bao gồm 38% người trẻ tuổi coi việc làm gia sư hay những công việc tương tự như vậy là một nghề linh hoạt và tự do. Họ vừa kiêm nhiệm vận chuyển rau củ, thiết kế đồ hoạ hay lái xe ngay trong lúc đưa con cái tới trường.

CEO Uber - Travis Kalanick:

Sự dịch chuyển từ lịch trình cứng nhắc sang linh hoạt đang diễn ra trong thời điểm mức lương đình trệ và tốc độ phát triển việc làm chậm chạp - thử thách khiến các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Dữ liệu từ Bộ lao động Mỹ cho thấy thu nhập bình quân thực tế giảm 7,2% từ đầu thế kỷ này.

Trong khi đó, tỷ lệ người tham gia vào lực lượng lao động cũng ở mức thấp nhất trong vòng 4 thập kỷ. Ngoài ra châu Âu hiện có 23 triệu người không có việc làm - hơn 1 nửa trong số đó thậm chí không có việc làm trong hơn 1 năm.

Thực trạng kể trên của nền kinh tế thực sự tạo ra cơ hội để cho những công ty như Uber tiếp tục phát triển trong năm 2016 và thậm chí xa hơn nữa.

Đối với nhiều người, đây là cách kiếm thêm thu nhập: 60% số lượng lái xe của Uber tại Mỹ vốn đang có việc toàn thời gian hay bán thời gian và một nửa trong tổng số lái xe làm việc ít hơn 10 giờ mỗi tuần.

Nhu cầu làm thêm như vậy xuất hiện ở những người lao động bình thường muốn đảm bảo có khoản tiền trả cho các khoản vay hoặc hóa đơn thanh toán. Hay để giúp những doanh nhân mới có thể chi trả được cho tiền thuê văn phòng.

Và thậm chí, bố mẹ muốn làm thêm để tiết kiệm cho một kỳ nghỉ của gia đình. Thực tế với rất nhiều gia đình trung lưu, cơ hội để kiếm thêm 10.000 USD mỗi năm thậm chí hơn có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ.

Một số khác thì chấp nhận công việc làm thêm như vậy bởi đơn giản họ đang cần việc làm. Một nghiên cứu gần đây thực hiện ở Pháp cho thấy 24% lái xe của Uber trước đây thất nghiệp và 40% trong số đó đã mất việc hơn một năm.

Thực trạng tương tự cũng diễn ra tại những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ - nơi những người lái xe trước đây chưa từng sử dụng điện thoại thông minh để dùng Uber tìm kiếm khách hàng mới.

Tất cả những trường hợp kể trên đều chấp nhận và chọn lựa những công việc linh hoạt như vậy không chỉ bởi nó giúp cuộc sống của họ đảm bảo hơn mà còn tự do hơn. Các lái xe nói rằng họ thích được tự làm chủ và sắp xếp lịch trình của chính mình.

Khi được hỏi nếu phải chọn giữa một công việc ổn định với một công việc mang tính chất linh hoạt, gần 3/4 lái xe Uber nói rằng họ chọn việc linh hoạt.

Không khó để hiểu tại sao những người này lại đưa ra quyết định như vậy. Một nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực bán lẻ cho thấy thay vì sắp xếp ca trực từ trước, các công ty trong ngành này để trạng thái “on call” - tức là có thể gọi cho nhân viên làm trong một thời gian cố định mà không cần báo trước vào những lúc cao điểm.

Điều này khiến các nhân viên rất khó khăn trong việc lên kế hoạch cho cuộc sống, đặc biệt là những ai phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm khác như chăm sóc con cái và cha mẹ.

10 năm trước, bản thân tôi đã phải sống cùng bố mẹ trong hơn 1 năm bởi công việc kinh doanh gặp khó khăn và không thể tìm cho mình được một công việc linh hoạt khác. Vài tháng trước, lái xe Uber thứ 1 triệu đã thực hiện chuyến xe đầu tiên.

Tôi cho rằng những công ty hoạt động trên mô hình "nền kinh tế chia sẻ" đang tìm ra cách để có được tương lai hứa hẹn hơn phía trước - nơi mà bất kỳ ai cũng có quyền quyết định xem mình sẽ làm việc khi nào, ở đâu và trong bao lâu. Sự dịch chuyển này cho phép mỗi người linh hoạt hơn, tự do hơn và có khả năng kiểm soát cuộc sống, công việc cũng như thu nhập tốt hơn.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM