Uber, Airbnb và sự trỗi dậy của nền Kinh tế chia sẻ
Uber, Airbnb, Spotify... đang dần chiếm lĩnh thị trường và lớn nhanh như vũ bão và trở thành một xu hướng mới của nền kinh tế.
Nếu thế hệ cha chú coi việc phải sở hữu nhà cửa, xe hơi, và những vật dụng nào đó như cách bảo đảm sự thành đạt và một cuộc sống hạnh phúc, thì thế hệ trẻ ngày nay, lại không lệ thuộc vào những quy ước đó. Họ ngày càng ưa thích những phương cách ít tốn kém hơn là sở hữu.
Vì thế, họ có xu hướng đi thuê, đi nhờ, ở nhờ, chia sẻ, mua bán lại những món đồ đã sử dụng thay vì mua và sở hữu mọi thứ. Và chính điều đó đang làm đảo lộn toàn bộ nền công nghiệp bán lẻ và dịch vụ hiện nay.
Các nhà bán lẻ hoặc dịch vụ đã không chú ý tới hoặc coi trọng đặc điểm hành vi tiêu dùng của nhóm này, đã bỏ lỡ một nhịp cơ hội đón đầu xu hướng đó.
Họ đang phải trả giá khi những doanh nghiệp mới khởi nghiệp như Rent The Runway, Spotify, Airbnb, Uber, Lyft... đã chiếm lĩnh thị trường và lớn nhanh như vũ bão chỉ bằng cách thúc đẩy làn sóng thuê, chia sẻ, đi nhờ xe, nhà cửa, vật dụng, trang phục... thành một xu hướng mới của nền kinh tế. Thuật ngữ mới để gọi hiện tượng này là “Kinh tế chia sẻ” hay còn gọi là Sharing economy.
Trên mạng Internet, thứ gì cũng có thể thuê mướn
Theo ước tính, chỉ trong 1 đêm đã có đến 40.000 người thuê chỗ ở từ một dịch vụ cung ứng 250.000 phòng tại 30.000 thành phố ở 192 nước, và mọi thanh toán đều qua mạng Internet.
Điều đáng nói là những căn phòng hay chỗ ngủ này không phải do một chuỗi khách sạn nào đó cung cấp, mà do các cá nhân. Những người cần thuê và chủ cho thuê được “mai mối” nhờ Airbnb - một công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ).
Kể từ khi được ra mắt năm 2008, đã có hơn 6 triệu người sử dụng dịch vụ này. Đây là ví dụ điển hình nhất cho mô hình “kinh tế chia sẻ” mới mẻ và khổng lồ; một cá nhân có thể cho người lạ thuê bất cứ thứ gì họ đang không sử dụng, như xe cộ, nhà cửa, chỗ để xe... thông qua Internet.
Có thể bạn nghĩ nó chẳng khác gì việc sở hữu một nhà nghỉ kiểu Bed & Breakfast (một hình thức chủ nhà cung cấp chỗ ngủ qua đêm và phục vụ bữa sáng cho khách trọ), sở hữu dịch vụ timeshare hoặc car pool (đi chung xe). Nhưng công nghệ đã giảm thiểu chi phí giao dịch, khiến việc chia sẻ tài sản dễ dàng và nhanh gọn hơn bao giờ hết. Sự thay đổi lớn nhất là thông tin về người và vật được cung cấp đầy đủ hơn, cho phép các tài sản hữu hình trở thành các dịch vụ.
Ngày trước, khi chưa có internet, việc thuê ván lướt sóng, trang thiết bị hay chỗ đậu xe từ một người khác là khả thi, nhưng lại hay gặp rắc rối hơn. Giờ đây các trang web như Airbnb hay RelayRides, SnapGoods “bắt cặp” người thuê và người chủ, các smartphones có GPS chỉ cho ta chỗ đỗ xe gần nhất ở đâu, mạng xã hội cho phép ta kiểm tra thông tin của người khác và gây dựng lòng tin, và hệ thống thanh toán online sẽ lo liệu phần chi trả.
[Xem thêm: Chia sẻ dữ liệu trực tuyến: Xu hướng mây hóa và mô hình peer-to-peer]
Cái gì của tôi cũng là của bạn, đi kèm với phí
Mô hình peer-to-peer như eBay khiến bất kì ai cũng có thể thành một nhà bán lẻ, các trang web chia sẻ cho phép các cá nhân có thể đóng vai trò như một công ty cho thuê xe, dịch vụ taxi, khách sạn thực thụ. Chỉ cần lên mạng và tải ứng dụng về.
Hình thức này phù hợp với các vật dụng đắt tiền mà chủ nhân của chúng không sử dụng hết chức năng. Phòng ngủ và xe hơi là 2 minh chứng rõ ràng nhất, nhưng bạn cũng có thể thuê hẳn một khu cắm trại ở Thụy Điển, sân bãi ở Úc hay máy giặt ở Pháp.
Như những người ủng hộ ngành kinh tế chia sẻ này thường nói: Quyền sử dụng ăn đứt quyền sở hữu.
Rachel Botsman, tác giả của một cuốn sách về chủ đề này, nói rằng thị trường cho thuê peer-to-peer tính riêng đã có giá trị tới 26 tỷ USD. Định nghĩa rộng hơn của ngành kinh tế chia sẻ bao gồm cho vay peer-to-peer, hoặc đặt một panel năng lượng mặt trời trên mái nhà rồi bán lại điện năng cho các nhà sản xuất. Nó không chỉ mang lợi cho cá nhân, internet cũng giúp các công ty dễ dàng cho thuê các phòng làm việc còn trống hay máy móc dư thừa. Nhưng cái cốt lõi của “kinh tế chia sẻ” là mọi người cho nhau thuê các thứ.
Ngoài việc chủ sở hữu có thể kiếm tiền từ những tài sản chưa tận dụng hết, mô hình kinh tế chia sẻ còn có ý nghĩa tích cực đối với môi trường. Chẳng hạn một người có thể thuê xe ô tô mỗi khi cần thay vì sở hữu nó. Theo đó, thị trường sẽ không cần nhiều ô tô, đồng nghĩa với không cần khai thác nhiều tài nguyên để sản xuất ô tô.
Việc sử dụng dịch vụ của nhau còn giúp con người trở nên cởi mở hơn. Với những người ưa giao tiếp xã hội, được gặp gỡ những khuôn mặt mới bằng việc nghỉ chân tại nhà của họ thật tuyệt vời. Với những người khác, Internet là nơi gây dựng lòng tin. Mỗi website đều cung cấp thông tin, đánh giá của những khách hàng trước đó, nhận xét và bình chọn cho từng chủ sở hữu. Mạng xã hội như Facebook cho phép ta “thăm dò” trước đối tượng và bạn bè của họ.
Xu thế của tương lai
Ngành kinh tế chia sẻ có chút giống với mua bán online, thứ bắt nguồn từ Mỹ 15 năm trước. Ban đầu, mọi người nghi ngại về tính an toàn của nó, nhưng sau khi hoàn tất thành công một giao dịch, ví dụ như là qua Amazon, họ cảm thấy an tâm hơn. Cũng giống như vậy, sử dụng Airbnb lần đầu tiên sẽ khuyến khích mọi người thử cả những dịch vụ khác.
Tiếp theo, hãy xem eBay, khởi nguồn là một "chợ" buôn bán peer-to-peer, giờ nó đã “bị” chiếm lĩnh bởi các “tay buôn chuyên nghiệp” (nhiều người trong số họ ban đầu chỉ là một eBay user).
Điều tương tự có thể sẽ xảy ra với ngành kinh tế chia sẻ: Mở ra nhiều cơ hội hơn cho các tổ chức kinh doanh.
Các công ty lớn cũng đã bắt đầu tham gia. Công ty cho thuê xe hơi Avis có cổ phần của một công ty đối thủ, 2 hãng sản xuất xe GM và Daimler cũng vậy. Trong tương lai, các công ty có thể sẽ cho ra đời các sản phẩm “lai”, liệt kê các chỗ dư thừa (từ xe cộ, thiết bị tới văn phòng) trên các website cho thuê peer-to-peer.
Trước đây, các phương thức làm việc online mới không hoàn toàn thay thế các phương thức cũ, nhưng lại thường thay đổi được chúng. Giống như mua sắm online đã bắt buộc Walmart và Tesco phải thích ứng, chia sẻ online sẽ gây chấn động tới ngành vận chuyển, du lịch, thuê mướn trang thiết bị, v.v…
Mối lo lớn nhất của mô hình này là tính hợp pháp không ổn định. Chẳng hạn những cá nhân cho thuê nhà, liệu có phải tuân theo quy định về thuế áp dụng cho khách sạn? Tại Amsterdam (Hà Lan), các nhà chức trách vào trang Airbnb để truy tìm những khách sạn chưa được cấp phép. Tất nhiên, những người cho thuê phòng nên đóng thuế, nhưng họ không thể bị quản lý như khách sạn.
Tại một số thành phố ở Mỹ, các dịch vụ taxi chia sẻ như Uber đã bị cấm sau các cuộc vận động hành lang của các hãng taxi truyền thống. Một số luật lệ sẽ phải được cập nhật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sử dụng hình thức này, nhưng trở ngại nằm ở chỗ sẽ có những người có quyền thế tìm cách cản trở, hủy hoại sự cạnh tranh.
Đổi mới và quy định cũ không hòa hợp đơn giản vì hai bên không làm việc với nhau. Những quy định, luật lệ, chuỗi cung ứng sẽ đi ra ngoài quy luật thị trường nếu cấm cản những yếu tố cạnh tranh mới. Bởi công nghệ và nhu cầu của thế hệ mới sẽ không dừng lại.
Người ta đã quá bám chặt vào những quy định kiểu như “giấy phép hoạt động”, “phá giá”, “cạnh tranh không lành mạnh”... mà không nhận ra rằng, không chỉ trong ngành kinh doanh vận chuyển, mà cả những ngành công nghiệp đã định hình, mô hình chuỗi cung ứng đã tồn tại đủ lâu, đủ già cỗi để đến lúc phải đổi mới và cả thay thế. Và những công ty mới, đại diện của nền kinh tế thuê, nhờ, chia sẻ... cùng với công nghệ mới này, đang thực sự góp phần vào quá trình sụp đổ đó.
Dù có gặp những trở ngại nhưng kinh tế chia sẻ là một ví dụ cho thấy giá trị của Internet đối với người tiêu dùng. Mô hình kinh doanh đang nổi này đã đủ lớn để đánh thức các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.
Đó là dấu hiệu của một tiềm năng phát triển khổng lồ. Đã đến lúc chúng ta quan tâm và chia sẻ nó.
>> Sau Uber, dịch vụ 'ở ké' Airbnb sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam
Anh Thu