Sôi động thị trường hàng không giá rẻ Châu Á

03/06/2014 14:32 PM |

Chỉ trong vòng 10 năm, theo Trung tâm Hàng không Châu Á-Thái Bình Dương (CAPA), thị phần hàng không giá rẻ (LCC) của khu vực đã tăng từ gần như không có gì lên 58%.

Ở châu Âu, nơi LCC có thời gian hoạt động lâu hơn, thị phần LCC chỉ chiếm khoảng 40%.

Sự gia tăng của thị trường LCC phản ánh nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á. Với dân số lớn, cộng với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu đối với những chuyến bay giá rẻ.
Hiện nay, hàng không châu Á hứa hẹn sẽ vượt qua cả Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất.Theo số liệu dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đến năm 2030, lưu lượng hành khách châu Á đạt 4,88 tỷ người mỗi năm, so với con số 2,376 tỷ của Mỹ.

Tuy nhiên, việc mở rộng công suất của các hãng bay châu Á dường như đi quá nhanh so với tốc độ tăng trưởng nhu cầu hiện tại. Năm nay, có thêm 12 hãng hàng không gia nhập thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bắc Kinh đang có kế hoạch xây mới một sân bay trị giá 14 tỷ USD để phục vụ nhu cầu nội địa. Singapore cũng sẽ xây dựng một sân bay dành riêng cho LCC.

Ông Peter Harbison, Giám đốc điều hành Trung tâm Hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (trụ sở tại Sydney) cho rằng, việc ngày càng có nhiều hãng hàng không giá rẻ như Tigerair, Valuair (Singapore), AirAsia (Malaysia), Lion Air (Indonesia)... báo trước một cuộc đua tranh quyết liệt để giành giật thị trường ở khu vực châu Á.

Hãng hàng không 5 sao Cathay Pacific cho biết, mặc dù lợi nhuận đường dài vẫn tăng mạnh mẽ, nhưng cạnh tranh từ các hãng hàng không LCC đã bắt đầu ảnh hưởng đến các đường bay ngắn của Hãng. Singapore Airlines bày tỏ lo ngại tương tự hồi đầu tháng này. Trong khi đó, Tigerair công bố thua lỗ 177 triệu USD so với số lỗ 36 triệu USD năm trước. AirAsia, hãng hàng không lạc quan nhất của thị trường LCC, đã phải hoãn kế hoạch mua máy bay mới để tập trung cắt giảm chi phí. Jetstar Asia cho biết đã đình chỉ các kế hoạch phát triển cho đến khi thị trường được cải thiện.

Quản lý của các hãng bay LCC đổ lỗi cho khó khăn kinh tế và dư thừa công suất trong thị trường hàng không hiện nay. Nhưng vấn đề khác là chi phí của các hãng bay không thấp như mong muốn. Không thể quản lý chi phí hoạt động, dẫn tới thua lỗ, Japan Asia đã phải ngưng hoạt động từ năm 2013 sau khi đối tác Nhật là Hãng All Nippon Airways quyết định mua lại 51% vốn góp của AirAsia.

Trong khi hầu hết các sân bay đắt đỏ ở Đông Nam châu Á đang chạy hết công suất thì tại châu Âu, khu vực có nhiều sân bay nhỏ hoặc bỏ hoang mà các hãng LCC có thể sử dụng để giảm chi phí.

Mặc dù u ám, một phần của thị trường LCC vẫn sôi nổi. Hai trong số hãng bay dự kiến sẽ cất cánh trong năm nay là NokScoot và AirAsiaX (có trụ sở tại Thái Lan), khai thác các chuyến bay trung bình đến chuyến bay đường dài (kéo dài hơn bốn giờ). Scoot, hãng bay giá rẻ của Singapore Airlines và Cebu Pacific của Philippines cũng bắt đầu khai thác thị phần này.

Theo Campbell Wilson, quản lý của Scoot, chỉ thêm một chuyến bay giá rẻ Scoot một ngày trong lịch bay 7 chuyến bay phục vụ đầy đủ dịch vụ chiều Singapore và Sydney nhưng đã nâng số lượng hành khách lên 32% trong sáu tháng. Bên cạnh đó, nhiều hãng LCC hy vọng sử dụng các dòng 787 Dreamliner của Boeing và Airbus A350 tiết kiệm nhiên liệu để giảm chi phí bay xuống mức tối đa.


Theo Thụy Kha

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM