Samsung tăng đầu tư, Việt Nam hưởng lợi gì?

19/05/2014 08:42 AM |

Ông Nguyễn Văn Đạo - Phó Tổng Giám đốc Samsung Electronics VN cho biết, Samsung sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng gấp đôi công suất.

Cụ thể, trong tương lai gần, Samsung Electronics Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển quy mô Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), nâng tổng sản lượng các sản phẩm smartphone sản xuất tại Việt Nam lên khoảng 50% tổng sản lượng của Tập đoàn Samsung trên toàn cầu.

Hiện Tập đoàn Samsung cũng đang xem xét để đầu tư vào một số lĩnh vực khác tại Việt Nam như sân bay, hạ tầng viễn thông, xây dựng...

Xuất khẩu ấn tượng, mở rộng đầu tư

Năm 2013, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam với kim ngạch đạt 23,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trước đó, năm 2012, SEV cũng đã xuất xưởng hơn 100 triệu sản phẩm/năm, 97% được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường quan trọng như Bắc Mỹ, khối EU, Trung Đông, Nga và các nước châu Á. Kim ngạch xuất khẩu 12,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, tại cuộc làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Samsung Thái Nguyên (SEVT) cho biết, sau gần 1 tháng hoạt động, đến hết tháng 3/2014, SEVT đã xuất khẩu được 90 triệu USD các sản phẩm điện thoại di động.

Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, công ty sẽ nâng công suất nâng từ 2 triệu sản phẩm/tháng lúc bắt đầu sản xuất lên 9 triệu sản phẩm/tháng. Hiện tại, lượng cán bộ, công nhân ở SEVT đã tăng từ 5.000 người lên 10.500 người.

Ước tính, năm 2014, cả hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD sản phẩm điện thoại di động các loại.


Đóng thuế tiền lẻ, doanh nghiệp Việt không được lợi

Mặc dù kim ngạch suất khẩu luôn ở mức cao song thực tế, ngân sách nhà nước lại được hưởng một phần rất nhỏ do những ưu đãi về chính sách thuế mà Samsung đã nhận được.

Cụ thể là Samsung hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập DN.

Trong khi nếu theo đúng Luật Công nghệ cao, Samsung Electronics Việt Nam, vào lúc đó chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận là DN công nghệ cao, vì Điều 18 của Luật quy định rõ rằng, DN chỉ được xét duyệt là DN công nghệ cao sau khi đã hoạt động ít nhất 3 năm.

Sau hai năm đàm phán với các cơ quan Chính phủ, Samsung Electronics Việt Nam đã chính thức được công nhận là DN công nghệ cao. Những ưu đãi về thuế đó sau này cũng được dành cho phần đầu tư mở rộng trị giá 830 triệu USD tại Bắc Ninh và đầu tư mới 2 tỷ USD tại Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung.

Mặc dù sự hiện diện của Samsung đi cùng với kỳ vọng sự chuyển giao công nghệ sẽ được tạo ra, các DN Việt sẽ tham gia trong chuỗi sản xuất đó song thực tế, ở Samsung Bắc Ninh, có nguồn tin cho rằng trong tổng số 52 DN tham gia chuỗi cung cấp cho Samsung, chỉ có 4 DN là có 100% vốn Việt Nam.

Số doanh nghiệp trong nước này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao. Trong khi đó, đa số các nhà cung cấp còn lại đến từ Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một sốcông ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, các DN Việt Nam đang bị yếu thế so với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung.

Theo Hà Anh

duchai

Cùng chuyên mục
XEM