Sài Gòn không có “5 cửa ô đón mừng” nhưng sẽ có “20 trạm thu phí”

15/12/2015 08:13 AM |

Hiện nay trên địa bàn TPHCM và các trục đường cửa ngõ ra vào TP có 12 trạm thu phí đang hoạt động. Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ nay đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 20 trạm.

Hiện nay nội thành TPHCM có 6 trạm thu phí đang hoạt động gồm:  Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội (hoàn vốn đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội): Đang triển khai thu phí để hoàn vốn đầu tư cầu Rạch Chiếc, dự kiến kết thúc thời gian thu phí vào cuối năm 2018. Khi đó sẽ tiếp tục thu phí để hoàn vốn đầu tư dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội với thời gian dự kiến là 36 năm 03 tháng (từ năm 2019 đến năm 2045).

Trạm thu phí cầu Bình Triệu (hoàn vốn đầu tư dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2): Thu phí hoàn vốn đầu tư cho phần 1 giai đoạn 2 của dự án đến hết ngày 7/7/2015. Sau đó, dự kiến tiếp tục thu phí để thực hiện phần 2 giai đoạn 2 của dự án với thời gian thu phí ước tính là 17 năm (từ năm 2015 đến năm 2032).

Trạm thu phí An Sương - An Lạc (hoàn vốn đầu tư dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc, quận Bình Tân): Giai đoạn 1 dự kiến kéo dài đến hết tháng 1/2017; giai đoạn 2, 3 dự kiến kéo dài đến hết tháng 1/2033.

Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (hoàn vốn đầu tư dự án BOT cầu Phú Mỹ): Thu phí từ ngày 1/4/2010. Hiện nay, Thành phố đang tính toán lại kinh phí đầu tư để xác lập thời điểm kết thúc thu phí.

Trạm thu phí Nguyễn Văn Linh, quận 7 (vị trí trạm 1 cách Quốc lộ 1 khoảng 2,4 km về hướng Thành phố; vị trí trạm 2 cách đường Phạm Hùng 1,8km về hướng thành phố): Thời gian thu phí dự kiến kết thúc vào cuối năm 2027.

Trạm thu phí đường hầm sông Sài Gòn, quận 2 (vị trí trạm đặt tại đầu đường hầm sông Sài Gòn, phía quận 2): đã thu phí thử nghiệm, dự kiến hoạt động đầu năm 2016.

Bên cạnh đó, trên các trục đường cửa ngõ ra vào TPHCM hiện đang có 6 khu vực đặt trạm thu phí. Trên trục đường Quốc lộ 1K (kết nối mạng lưới đường TPHCM tại cửa ngõ phía Đông Bắc): trên tuyến có 3 trạm thu phí đều đặt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (2 trạm trên Quốc lộ 1K và 1 trạm tại xã Bình Thắng).

Trên trục đường Quốc lộ 13 (kết nối mạng lưới đường TPHCM tại cửa ngõ phía Đông Bắc): trên tuyến có 02 trạm thu phí đặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương được bố trí cách nhau khoảng 20km là trạm Vĩnh Phú và trạm Suối Giữa; trong đó, trạm Vĩnh Phú cách TP  khoảng 3km;

Trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương (kết nối với mạng lưới đường TPHCM tại cửa ngõ phía Tây Nam): trên tuyến ngoài trạm thu phí Chợ Đệm còn có 2 trạm đặt tại tỉnh Long An (trạm Bến Lức, trạm Tân An) và 1 trạm đặt tại tỉnh Tiền Giang (trạm Thân Cửu Nghĩa).

Trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai): trạm thu phí Long Phước.

Trên trục đường Quốc lộ 1: trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai - tỉnh Đồng Nai, cách TPHCM khoảng 4,4km và cách trạm thu phí Xa lộ Hà Nội 13,6km.

Trên trục đường Quốc lộ 22: Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1841/QĐ-BGTVT ngày 22/5/2015 về phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến Quốc lộ 22B (km0+053 - km84+162) và Quốc lộ 22 (km30+250 - km58+250) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự kiến từ năm nay đến 2025, TPHCM sẽ bổ sung thêm 8 khu vực đặt trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư cho các dự án sau: đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu, Quận 9; đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Ngoài ra, sẽ có trạm thu phí thuộc đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP.HCM, Long An, Đồng Nai) và 5 trạm thu phí của những tuyến đường trên cao qua địa bàn các quận 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh...


Các trạm thu phí trên địa bàn TPHCM đến năm 2025

Các trạm thu phí trên địa bàn TPHCM đến năm 2025

 

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM