Rau sạch, thịt sạch: Đường đi từ ruộng tới bàn ăn
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm được cho là khái niệm “lạ” với người tiêu dùng Việt trong khi đây là xu hướng tiêu dùng phổ biến tại nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, các DN làm thực phẩm sạch ngoài việc cung cấp thông tin để người dùng hiểu và tin thì còn phải bảo vệ sản phẩm của mình trước sự bất minh, đánh tráo trên thị trường.
Cạnh tranh rau sạch, thịt sạch
Tại Việt Nam đến nay đã có một số cơ sở sản xuất các thực phẩm như rau xanh, thịt heo có thể truy xuất được nguồn gốc.
Cuối 2014, Công ty CP Đầu tư Giao Long (Hà Nội) chào hàng rau sạch Liên Thảo. Đây là sản phẩm đầu tiên có thể truy xuất nguồn gốc tới từng ruộng sản xuất của người dân.
Tháng 10/2015, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (TP. Hồ Chí Minh bán thịt heo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, có chứng nhận và đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi.
Theo đó, các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể tra cứu mã tem trên website của DN để biết sản phẩm mình đang dùng do ai trồng và trồng tại đâu, xuất xưởng ngày nào, quy trình sản xuất ra sao...
Theo các DN, muốn truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thì việc sản xuất phải thực hiện theo quy trình khép kín từ đầu vào là giống cây trồng, vật nuôi, cho đến chăm sóc, bón phân, thu hoạch, chế biến… phải được kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn quy định.
Cũng từ đầu tháng 10/2015, Pan Group đã cho ra thị trường sản phẩm gạo sạch Ban Mai, trồng ở Đồng Tháp theo quy trình từ lúa giống được lựa chọn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến từ giống, chăm bón và kiểm soát chất lượng cho đến tận ngày thu hoạch.
Số liệu từ Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho biết, đến nay, rau an toàn được sản xuất theo chuỗi, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, hiện chỉ có sản lượng gần 20.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng rau an toàn, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng. Với heo sạch cũng chỉ đạt 300- 400 kg/ngày.
Cuộc đua trăm triệu USD
PAN Group cho biết, đã quyết định đầu tư gần 100 triệu USD vào nông nghiệp sạch. Với số vốn này, thời gian qua, Pan Group đã thành lập mới, mua lại và góp vốn vào 1 loạt các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, từ giống cây trồng đến chế biến thủy sản, bánh kẹo, lúa gạo… tạo thành một chuỗi liên kết sản xuất và cung cấp các thực. Bước sang giai đoạn 2, Pan sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị và xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc.
Các DN làm thực phẩm sạch ngoài việc cung cấp thông tin để người dùng hiểu và tin thì còn phải bảo vệ sản phẩm của mình trước sự bất minh, đánh tráo trên thị trường.
VinGroup cũng đẩy mạnh sản xuất rau sạch, trồng tại các cánh đồng mẫu lớn của nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Củ Chi (TP HCM) và Long Thành (Đồng Nai). Toàn bộ sản phẩm rau sạch của VinEco đều được đảm bảo nguồn gốc xuất xứ an toàn, có kiểm duyệt chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Hạt giống được tuyển chọn kỹ và đưa vào sản xuất theo đúng quy trình. Các vật tư đầu vào như giống, phân bón, chế phẩm bảo vệ thực vật đều có nguồn gốc rõ ràng.
Tại TP Hồ Chí Minh, công ty Hùng Vương đã đầu tư 2.000 tỷ đồng để phát triển đàn lợn sạch. Còn tại miền Bắc, tập đoàn Hòa Phát sau khi đầu tư nhà máy thức ăn chăn nuôi, đang hướng tới phát triển đàn lợn 1 triệu con. Cũng theo đuổi chuỗi giá trị sạch ngay từ nguồn, với thức ăn chăn nuôi, con giống tuyển chọn, thuốc thú y an toàn và sản phẩm thịt sạch.
Hiện tại PAN đang đẩy mạnh phối hợp với các đối tác nước để xây dựng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, hợp tác với nông dân, để đảm bảo sản xuất các sản phẩm tuân thủ đúng quy trình và yêu cầu chất lượng. Còn VinGroup sử dụng công nghệ Israel, được thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản xuất các loại rau siêu sạch, có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Trà My, thành viên HĐQT PANGroup, để đảm bảo cung cấp được các thực phẩm sạch có chất lượng cho người tiêu dùng, cần định hướng tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị Farm Food Family (từ nông trại tới bàn ăn), tức là kiểm soát toàn diện chuỗi giá trị từ phần nguyên liệu đầu vào, sản xuất, quy trình bảo quản chế biến tới hệ thống phân phối tới tay người tiêu dùng.
Việc truy xuất từ nguồn gốc thực phẩm, từ ngày thu hoạch, đến quy trình kiểm tra chất lượng, ngày sản xuất, đóng gói, giá trị dinh dưỡng, vận chuyển…. sẽ giúp người tiêu dùng chủ động theo dõi toàn bộ quy trình sản xuất, an tâm khi sử dụng sản phẩm.
Theo các DN hướng đi này, sẽ góp phần thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp tại Việt Nam, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy toàn xã hội cùng hướng tới một nền nông nghiệp sạch vì sức khỏe của cộng đồng và vì truy xuất nguồn gốc là giải pháp cho phép người tiêu dùng trực tiếp thu thập thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu. Truy xuất giúp người tiêu dùng nhận được thông tin xác thực về sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
Với nhiều quốc gia phát triển, truy xuất nguồn gốc là một yếu tố bắt buộc và quan trọng trong sản xuất thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm giờ đây đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trên thị trường, bởi nó giúp người tiêu dùng biết chắc chắn thực phẩm mình ăn có nguồn từ đâu, có an toàn không.