Ráo riết bỏ “bẫy” giao thông đường bộ
Tháng 3/2016, trên nhiều tuyến đường có chất lượng lưu thông tốt, tốc độ phương tiện được nâng thêm 10 km/h. Bộ GTVT vừa chỉ đạo ráo riết gỡ bỏ những biển báo tốc độ “vô dụng”, “bẫy” người tham gia giao thông đường bộ.
Đường nâng cấp, tốc độ nâng theo
Đầu tháng 3 tới, quy định nâng tốc độ phương tiện của Bộ GTVT sẽ có hiệu lực. Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho hay, quyết định tăng tốc độ phương tiện được đưa ra sau khi hệ thống đường bộ đã được nâng cấp, phù hợp với xu thế của các nước.
Tuy nhiên, do lần tăng tốc độ phương tiện này có biên độ lớn (riêng QL 1A đoạn ngoài đô thị cho phép xe lưu thông 90 km/h, gần bằng tốc độ cao tốc) nên công tác chuẩn bị được thực hiện kỹ lưỡng.
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ) cho hay, để áp dụng tốc độ lưu thông mới, các công tác chuẩn bị gồm: Kiểm tra và sửa đổi các biển báo (bao gồm: Thay đổi tốc độ ra vào các khu vực qua đô thị; các giá long môn thông báo tốc độ trên đường ngoài đô thị; riêng tuyến QL 1A ngoài đô thị lâu nay không cắm biển hạn chế tốc độ nên không phải sửa đổi, bổ sung); thông báo đến các trung tâm đào tạo để cập nhật vào chương trình; cập nhật vào hệ thống kiểm soát thiết bị giám sát hành trình...
Liên quan đến lo ngại trên cùng tuyến, các phương tiện có tốc độ lưu thông khác nhau (với đường ngoài đô thị, dải tốc độ của các phương tiện từ 50-90 km/h) sẽ hạn chế khả năng lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn; ông Lăng cho hay: Tuy hạ tầng được nâng cấp, trong đó, với QL 1A, mỗi chiều có 2 làn ô tô nhưng vẫn chưa đủ rộng để phân làn theo tốc độ và phương tiện. “Chúng tôi đã nghiên cứu các phương án, tuy nhiên sau khi tính toán cho thấy, phương án để xe chạy trộn làn sẽ nâng hiệu quả khai thác tốt hơn.
Thực tế, các ô tô có tốc độ 50 km/h (là các xe chuyên dùng - PV) không nhiều; chủ yếu ở dải tốc độ 70-90/h nên dòng xe không bị cản trở lớn. Tuy nhiên, các lái xe cần chú ý quan sát để tránh xe tốc độ thấp; xe tốc độ thấp cần chú ý nhường đường cho xe có tốc độ cao”, ông Lăng nói.
Loại bỏ những biển báo “hành” dân
Liên quan đến việc Bộ trưởng GTVT yêu cầu nhổ bỏ các biển báo dưới 40 km/h được dư luận quan tâm gần đây (nhiều người gọi là biển báo hành người tham gia giao thông); căn cứ nằm trong thông tư mới (Thông tư 91/2015) của Bộ GTVT (quy định theo hướng thông thoáng hơn). Theo đó, quy định mới có đưa ra hai phương án cho đoạn đường nhánh ra/vào cao tốc: Cắm biển hạn chế tối thiểu 50 km/h hoặc cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, ông Lăng cho hay, Tổng cục chỉ đạo tập trung thực hiện phương án cắm biển cảnh báo nguy hiểm, không cắm biển hạn chế tốc độ. “Việc xuất hiện nhiều biển hạn chế tốc độ thấp do các cơ quan ban ngành địa phương lo ngại tai nạn; thậm chí đơn vị thiết kế cũng đưa vào mà không theo chuẩn nào. Với thông tư mới, tình trạng này sẽ không được tái diễn”, ông Lăng khẳng định.
Vụ trưởng ATGT (thuộc Tổng cục Đường bộ) cho hay: “Riêng với các vị trí lên xuống dốc, qua cầu yếu, hay cầu vượt trong nội thành Hà Nội và TPHCM, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát thực tế sau đó mới quyết định thay đổi hay tháo dỡ biển báo”.
Liên quan đến việc chuẩn bị triển khai quy định mới, đặc biệt là sau chỉ đạo “không nhổ được biển thì “nhổ” người” của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, ngày 20/1, Tổng cục phó Đường bộ Vũ Đỗ Anh Dũng nhanh chóng chủ trì cuộc họp trực tuyến để triển khai tháo dỡ hết các biển báo dưới 50 km/h.
Liên quan đến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc nhổ những biển báo giao thông bất hợp lý, trao đổi với Tiền Phong, thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (C67 – Bộ Công an), cho biết, việc cắm, nhổ biển báo giao thông thuộc Bộ GTVT và sở GTVT các tỉnh, thành. Tuy nhiên khi lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ, xử lý vi phạm, phát hiện những tấm biển báo bất hợp lý sẽ ghi nhận báo cáo để Cục cử cán bộ đi khảo sát. Thời gian vừa qua Cục CSGT đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, bố trí lại những biển báo bất hợp lý, còn thực hiện hay không là việc của ngành GTVT.
M.Đ
Theo quy định mới, với khu vực ngoài đô thị, với tuyến đường có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên, tốc độ tối đa cho phép từ 50 - 90 km/h tùy loại phương tiện. Trong đô thị, tốc độ lưu thông trên đường đôi có giải phân cách hoặc đường một chiều có hai làn xe cơ giới trở lên được nâng từ 50 km/h (quy định trước đây) lên 60 km/h.