Phút bồng bột của Hi Lạp

24/06/2015 17:00 PM |

Mức sụt giảm 25% GDP của Hy Lạp đã gây ra một thảm họa vô cùng tồi tệ.

Nội dung nổi bật:

- Những thông tin về Hy Lạp đang nhận được sự quan tâm của toàn thế giới. Tương lai của đất nước này có thể gây ảnh hưởng đến không chỉ châu Âu mà còn toàn thế giới.

- Vì đâu Hy Lạp rơi vào hoàn cảnh khốn cùng đến vậy?


Stefanos Zouridakis là chủ một cửa hàng gia đình tại trung tâm thủ đô Athens. Giống như bố và ông của mình, Stefanos bán túi, ví và các loại vali. Cửa hàng được lấy theo tên họ của gia đình là Zouridakis và luôn tự hào nằm ở những vị trí đẹp nhất, đông đúc nhất tại trung tâm Athens. Hiện tại, gia đình này chỉ còn 1 cửa hàng, đơn vị duy nhất không bị tàn phá trong suốt giai đoạn khủng hoảng.

Sau 5 năm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, Hy Lạp lại rơi vào suy thoái. Tại Athens, suy thoái hiện diện ở mọi ngõ ngách. Những cửa hàng bỏ không, các tòa nhà nhếch nhác xuất hiện ngay trên những con phố từng đông đúc và sầm uất nhất trong những quận nổi tiếng nhất.

Với mức thu nhập của hộ gia đình giảm tới 1/3 trong giai đoạn từ 2007 đến 2014, tiền trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết tại Hy Lạp. “Dù lương ổn hơn so với nhiều người nhưng tôi vẫn lo lắng về tương lai của mình”, Kontzialis nói. Thực tế lương của anh gần như không đổi trong suốt 5 năm qua nhưng anh lại phải trả mức thuế cao hơn từ 10 – 15%. “Chúng tôi không tiêu nhiều tiền và cũng ra ngoài ít hơn trước. Dường như không có một chút ánh sáng nào phía cuối đường hầm”, anh chia sẻ.

Những trường hợp tương tự như Kontzialis không phải hiếm. Theo dữ liệu của IMF, tiêu dùng cá nhân tại Hy Lạp đã giảm khoảng 30% kể từ năm 2010, riêng tiêu dùng thực phẩm giảm 28%. Khi Hy Lạp bắt đầu chính sách thắt lưng buộc bụng, các công ty phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Khoảng 1/5 doanh nghiệp tư nhân của nước này đã đóng cửa kể từ năm 2010 và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng chóng mặt từ mức 10% năm 2010 lên 27% vào năm 2014.

Những người thất nghiệp và đã về hưu là 2 đối tượng khó khăn nhất. Lương hưu đã giảm tới 60% xuống chỉ còn mức trung bình 830 euro/tháng (tương đương 930 USD). Hy Lạp đã trải qua một trong những đợt giảm lương thực tế lớn nhất trong số các nước thuộc OECD, ở mức hơn 5% mỗi năm kể từ quý đầu tiên của năm 2009. Cùng thời kỳ, giá hàng hóa tăng cao. Tiền thuê căn hộ nhỏ tại Athen dao động quanh mức 300 euro/tháng (tương đương 336 USD), vé tàu điện ở mức 30 euro (tương đương 34 USD)/tháng. Dẫu vậy, vì tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nên lương lưu vẫn là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình.

Gương mặt buồn bã của một người dân Hy Lạp.

Gia đình của Konstantinos Papageorgiou là một ví dụ thực tế. Ngoài những hợp đồng thuê ngắn hạn, anh không thể nào tìm được một công việc trong suốt 2 năm qua kể từ sau khi tốt nghiệp đại học. Anh sống với bố mẹ, cả hai đã nghỉ hưu và chi phí sinh hoạt của cả gia đình hiện phụ thuộc chủ yếu vào đồng lương hưu của bố mẹ Konstantinos. “Rất nhiều người không có được may mắn như tôi. Họ không có gia đình để trợ giúp trong cuộc sống”.

Cách vài dặm về phía bắc từ trung tâm thủ đô Athens là một sân vận động Olympic bị bỏ hoang. Biểu tượng của Hy Lạp trong thời kỳ huy hoàng của quốc gia này hiện chỉ là địa danh gợi lại những nỗi tức giận, oán trách của người dân vì số tiền mà đất nước họ đã hoang phí bỏ ra xây dựng từ 7 năm trước. Sân vận động hiện rỉ sét, các vòi phun nước trống rỗng, những bức tường đầy các hình vẽ graffiti và vấy bẩn. Thật khó có thể tưởng tượng ra vẻ hào nhoáng và đẹp đẽ của nó cách đây 1 thập kỷ.

Sân vận động được xây dựng phục vụ Olympic 2004 hiện bị bỏ hoang.

Nhớ lại thời điểm đó, Hy Lạp đã mạnh tay chi tới 9 tỷ euro (tương đương 10 tỷ USD) cho sự kiện thể thao này, khiến đây trở thành kỳ Olympics đắt đỏ nhất trong lịch sử. Hy Lạp thậm chí đã mở rất nhiều con đường mới, tuyến tàu điện ngầm và cả một sân bay mới.

Tuy nhiên, đổi lại vẻ hào nhoáng và những kỷ lục đó là hậu quả khôn lường. Vào năm 2004, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp đã đạt đến mức 6,1% GDP, tăng gấp đôi so với mức cho phép của khu vực đồng tiền chung châu Âu là 3%. Nợ ngày càng gia tăng đã đẩy Hy Lạp rơi vào bước đường cùng và phải nhờ đến gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro – yếu tố then chốt dẫn đến những tranh cãi nảy lửa hiện tại ở châu Âu về số phận của Hy Lạp.

Khi được hỏi, Christina Katsoulou – người từng làm hành chính trong sân vận động kể trên vẫn nói rằng 2004 là giai đoạn đáng tự hào nhất cuộc đời của cô. “Chúng tôi vốn không tin Hy Lạp có thể làm được một điều gì đó thật lớn lao. Mọi thứ đều được xây mới, sạch sẽ và đẹp mắt, giống như chúng tôi cuối cùng đã trở thành một người châu Âu thứ thiệt vậy. Olympics 2004 là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời chúng tôi”.

Tuy nhiên, hồi tưởng đầy vẻ tự hào của Christina kết thúc bằng lời than thở rằng: “Hiện tại, chúng tôi đang phải cố tìm mọi cách để có thể sống sót”.

Hiện tại, Hy Lạp đang sống trong những giờ phút sinh tử trước nguy cơ bị vỡ nợ và rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu thực sự điều này xảy ra, nó có thể gây ra hiệu ứng domino đáng sợ khiến không chỉ các nước "hàng xóm" tại châu Âu của Hy Lạp mà Mỹ và kinh tế toàn thế giới cũng sẽ gặp khó khăn.

Trong khi đó, hiện các nhà lãnh đạo ​châu Âu​ ​ đã quyết định dành cho Chính phủ cánh tả của Hy Lạp 48 giờ đồng hồ để thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm thỏa mãn các yêu cầu của chủ nợ, tiến tới chấm dứt 5 tháng bế tắc trong cuộc đàm phán mang tính quyết định tới số phận của Athens và tương lai của đồng tiền chung Euro.

Theo Thủ tướng ​Hy Lạp Alexis Tsipras thì các cuộc đàm phán với chủ nợ trong 48 giờ này là để đạt một “giải pháp toàn diện và khả thi”. Theo đó, ông muốn đất nước của mình “có thể sớm tự đứng lên trên đôi chân của chính mình”.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM