Phú Mỹ Hưng bị nghi 'ăn chặn' 1.444 tỷ đồng lợi nhuận của đối tác Việt

25/05/2015 17:25 PM |

Uớc tính khoản lợi nhuận phải chia cho bên Việt Nam khoảng 1.444 tỷ đồng.

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư báo cáo về việc chia lợi nhuận tại các trường hợp doanh nghiệp nhà nước góp vốn liên doanh thực hiện dự án đầu tư nước ngoài, báo Lao động đưa tin.

Theo kết quả kiểm tra, có tới 11 tổng công ty đầu tư vốn vào 24 doanh nghiệp FDI, với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh từ 2011-2013 liên tục thua lỗ, không thu được lợi nhuận.

Ngoài ra, 12 tổng công ty đầu tư vào 48 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 7.150 tỉ đồng, được chia lợi nhuận từ năm 2011-2013 là 6.100 tỉ đồng, đạt mức bình quân 28%/ năm.

Một điểm đáng chú ý là có những doanh nghiệp FDI đạt lợi nhuận cao nhưng các tổng công ty lại không thể thu được.

Chẳng hạn, trong báo cáo kết quả kiểm tra có nêu rõ “Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Tân Thuận đầu tư vào Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (doanh nghiệp FDI) có lợi nhuận phát sinh từ năm 2010-2013 là 3.719 tỉ đồng, nhưng không thực hiện chia lợi nhuận hằng năm”.

Thông tin về Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, đây là liên doanh giữa Công ty Central Trading & Development Coporation (Đài Loan) và Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND Thành phố).

Được thành lập ngày 19/5/1993, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng có vốn pháp định 60 triệu USD. Trong đó, đại diện Việt Nam là Tân Thuận góp 18 triệu USD (30%) và Đài Loan góp 42 triệu USD (70%).

Như vậy, dựa trên khoản lợi nhuận phát sinh 3.719 tỷ đồng, ước tính khoản lợi nhuận Phú Mỹ Hưng phải chia cho bên Việt Nam rơi vào khoảng 1.444 tỷ đồng.

Từ năm 2010 đến năm 2014, Công ty Phú Mỹ Hưng hoạt động kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận cao. Mặc dù bên Việt Nam đã nhiều lần biểu quyết yêu cầu Công ty liên doanh chia lãi nhưng do không có quyền chi phối nên không quyết định được việc chia lợi nhuận.

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc này sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước từ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của các công ty 100% vốn Nhà nước. Liệu rằng hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận của Nhà nước có đang bị chiếm dụng?

Theo quy định tại Điều 61 Luật Doanh nghiệp năm 2005, Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, đồng thời vẫn phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.

Theo VnExpress, đại diện Công ty Phú Mỹ Hưng cho biết, Công ty phải đóng gần 6.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất trước khi đưa sản phẩm vào kinh doanh. Nếu Phú Mỹ Hưng chia lợi nhuận cho các thành viên, thì tài chính của Công ty sẽ thiếu hụt khoản này và buộc phải vay để bù vào với lãi suất khoảng 10% một năm. "Tiền lãi này cấu thành chi phí của Công ty do vậy sẽ làm giảm lợi nhuận, cộng với các khoản vay hiện tại, gánh nặng trả lãi sẽ quá lớn. Chưa kể, cũng không thể vay được một số tiền lớn như vậy vì dư nợ của Công ty khi đó sẽ rất lớn".

Tập đoàn Central Trading & Development Group (CT&D) có trụ sở tại Đài Bắc, được thành lập bởi một nhóm nhà doanh nghiệp nước ngoài vào năm 1989. Tập đoàn CT&D bắt đầu đầu tư vào Việt Nam vào năm 1993, các dự án nổi bật có thể kể tới như đô thị Phú Mỹ Hưng, trung tâm mua sắm Crescent Mall...

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM