‘Sao’ trốn thuế, công khai được không?
Cứ đến kỳ quyết toán thuế lại nghe chuyện sẽ công khai danh tính“sao” nợ thuế, trốn thuế. Song trên thực tế thì cơ quan thuế chưa đếnmức “cạn tình” với các “sao” khai thiếu thuế.
Theo thông tin từ Cục Thuế TP.HCM năm 2014, cơ quan thuế có mời bảy cá nhân văn nghệ sĩ đến làm việc để xác định lại các khoản thu nhập, số thuế đúng và đủ, sau đó truy thu được 4,4 tỉ đồng. Cơ quan thuế cho biết nhiều ca sĩ, “sao”, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp (DN) có nợ thuế, thiếu thuế và cơ quan này đang đôn đốc thì thu thuế đúng và đủ.
Gần như cứ đến hạn quyết toán thuế vào tháng 3 hằng năm, cơ quan thuế có thông tin “sẽ công khai danh tính các “sao” nợ thuế, trốn thuế”. Thế nhưng nhiều năm qua chưa cái tên nào được đưa ra. Vì sao?
Có quyền công khai
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thuế Sài Gòn, khẳng định cơ quan thuế có quyền công khai thông tin cá nhân, DN vi phạm về thuế. Điều 9 Luật Quản lý thuế (năm 2006) quy định cơ quan thuế có quyền “xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo thẩm quyền; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế”.
Theo Điều 74 Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế “được công khai” các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trong các trường hợp người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn; vi phạm pháp luật về thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác; không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết chưa có lần nào Cục công khai thông tin của cá nhân, DN vi phạm về thuế cả. Bà cho biết chỉ nhắc nhở, đôn đốc thì cá nhân cũng đã nộp thuế đầy đủ, không chây ỳ. Vì vậy cơ quan thuế vẫn tôn trọng sự tự giác, ý thức của các cá nhân chứ chưa phải công khai thông tin trường hợp nào.
Phải theo quy trình
Trên thực tế thì cơ quan thuế chưa đến mức “cạn tình” với các “sao” khai thiếu thuế. Giả sử gặp trường hợp “quá đáng” mà cơ quan thuế muốn công khai thông tin thì sao?
Về mặt pháp lý, theo cơ quan thuế, không phải cứ phát hiện vấn đề về thuế là cơ quan thuế công khai được ngay. Theo Nghị định 83/2013 hướng dẫn về quản lý thuế thì việc công khai thông tin vi phạm có quy trình chặt chẽ.
Việc công khai thông tin áp dụng cho các trường hợp trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, làm mất hóa đơn, vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, không nộp tiền thuế đúng thời hạn sau khi cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế thu nợ thuế; từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan quản lý thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật...
Như vậy việc công khai thông tin chỉ được thực hiện sau khi có quyết định xử phạt, cưỡng chế thu nợ mà thôi. Muốn ra quyết định xử phạt thì phải theo quy trình. Thông tư 166/2013 quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định khi phát hiện vi phạm thì cơ quan thuế phải buộc tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm (bằng lời nói hoặc văn bản); lập biên bản; cá nhân, DN có quyền giải trình trong vòng năm ngày; người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt trong vòng bảy ngày. Việc công khai thông tin thì theo quy định của... Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).
Phải có... hậu quả, ảnh hưởng
Theo Luật XLVPHC năm 2012 quy định cho phép công khai việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo Điều 72 luật này thì VPHC mà “gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội” thì mới công khai! Quy định như vậy nhưng lại không có hướng dẫn như thế nào là hậu quả lớn hay ảnh hưởng xấu.
Do có quy định này mà Nghị định 81/2013 hướng dẫn Luật XLVPHC và Thông tư 166/2013 đều quy định nội dung công khai bao gồm: Họ tên, địa chỉ nghề nghiệp của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức VPHC về thuế, lĩnh vực hoạt động, kinh doanh chính; hành vi VPHC về thuế hoặc lý do công bố, công khai; hậu quả do vi phạm gây ra hoặc ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời hạn thực hiện.
Nổi tiếng là có ảnh hưởng
Các ca sĩ, diễn viên được xem là nổi tiếng, là người của công chúng thì sự ảnh hưởng của họ đến công chúng sẽ mạnh hơn những người khác. Chính vì vậy họ phải thực hiện tốt pháp luật. Hành vi vi phạm pháp luật của họ cần phải được công khai vì nó có ảnh hưởng đến công chúng, đến dư luận.
Có thể sẽ phát sinh những so kè theo kiểu “sao người kia cũng trốn thuế số tiền tương đương mà không bị công khai” nhưng ở đây các ca sĩ, các “sao” có ảnh hưởng đến công chúng hơn những người khác.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch
Hội Luật gia TP.HCM
Phải làm rõ hậu quả, ảnh hưởng
Trong kinh doanh, chỉ cần DN bị “bêu tên” về vi phạm thì có thể tiêu tan sự nghiệp, đặc biệt là các DN vốn tư nhân lớn. Việc vi phạm thì cần công bố thông tin nhưng việc công bố này phải rõ ràng, minh bạch, công bằng và theo đúng luật thì chỉ công khai nếu gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội. Cần phải làm rõ các trường hợp trốn thuế giá trị đến bao nhiêu tiền, chây ỳ không nộp thuế bao nhiêu tháng thì mới công khai, không để cơ quan thuế tùy tiện quyết định, đến việc A thì bị công khai mà B thì được giấu nhẹm.
Một số hành vi bị xem là trốn thuế:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế.
- Nộp hồ sơ trễ hạn sau 90 ngày.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
- Không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp...
Theo Quỳnh Như