Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Để phát triển du lịch, trước tiên người Việt đừng chen lấn...
“Hãy nở nụ cười, nói lời cám ơn, xin lỗi, cúi xuống nhặt mẩu rác chợt nhìn thấy... Hãy chú ý ăn mặc, đừng chen lấn, xô đẩy, cố lách, cố vượt lên ở chỗ đông người... Những việc làm tử tế, những điều bình dị, tưởng chừng nhỏ nhặt ấy thực ra rất quan trọng, rất ý nghĩa không chỉ với ngành Du lịch mà còn với nền văn hóa và con người Việt Nam”.
“Thành tựu của Du lịch Việt Nam là to lớn, là rất đáng tự hào nhưng so với nhiều nước trong khu vực vẫn còn thua kém”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa nhắc nhở ngành du lịch tại lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ngành và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2014 diễn ra tối 8/7.
“Nếu chúng ta không quyết tâm hơn, sáng tạo hơn để ngành du lịch bứt lên, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thì sẽ mãi chưa thực sự sánh cùng năm châu, bè bạn được”.
Nhứng tín hiệu vui về chính sách đối với ngành du lịch như quyết định miễn visa với 6 nước từ ngày 1/7, hay mới đây, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển Du lịch đã thêm một lần nữa yêu cầu các ngành, các cấp triển khai nhiều công việc từ thị thực xuất nhập cảnh, hàng không, xúc tiến tới quản lý giá cả, vệ sinh, văn hóa ứng xử…
“Vấn đề là tổ chức thực hiện”, Phó Thủ tướng nhận định. “Vấn đề là hành động - hành động với trách nhiệm, với quyết tâm của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và của mỗi chúng ta”.
Phó Thủ tướng Đam đề nghị:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành cần tháo gỡ cho được những khó khăn cụ thể về cơ chế, chính sách, tạo môi trường thực sự thuận lợi cho Du lịch phát triển.
Đừng để còn tình trạng tuy ủng hộ chủ trương cần sửa đổi, bổ sung các quy định cho thông thoáng, thuận lợi hơn nhưng những quy định cụ thể thuộc trách nhiệm của mình thì lại không thay đổi. Đừng để còn tình trạng tổ chức Hội nghị, Hội thảo, ban hành văn bản rồi là coi như đã hoàn thành nhiệm vụ mà không có hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra sát sao.
- Các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc để tạo chuyển biến rõ nét trên địa bàn, trước hết là những công việc cụ thể đã nêu trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cần nhìn thẳng vào những yếu kém, bất cập trong tạo dựng môi trường kinh doanh du lịch ở địa phương mình; cần nghiền ngẫm những mô hình, những cách làm hay ở các địa phương khác, các nước khác và nung nấu: Tại sao họ làm được mà mình không làm được?
- Các Hiệp hội cần thực sự là đại diện cho lợi ích của các thành viên; làm nòng cốt trong các hoạt động từ quảng bá, xúc tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ năng thực hành…; là cơ quan đề xuất chính sách với Nhà nước - tôi muốn nhấn mạnh là đừng đề xuất chủ trương chung chung mà phải là các kiến nghị cụ thể, có luận cứ khoa học, pháp lý. Cần thực sự là những tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, sôi động và có sức ảnh hưởng lan tỏa.
“Đừng là nơi, là chốn làm cho vui, có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.
- Cộng đồng các doanh nghiệp cần chung tiếng nói, chung giải pháp để những sáng kiến, cách làm hay được cổ vũ, phát huy; những mô hình kinh doanh bền vững, vì cộng đồng cần được ủng hộ, nhân rộng. Không để đất, để chỗ cho những doanh nghiệp vì lợi ích riêng, lợi ích nhỏ trước mắt mà tổn hại tới lợi ích chung, lợi ích lâu dài. Từng doanh nhân có thể giàu có, thành đạt nhưng sự thành đạt chỉ thực sự ý nghĩa nếu là doanh nhân của một đất nước văn minh, giàu mạnh.
- Mỗi người Việt Nam hãy thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào Dân tộc, trách nhiệm với cha anh đi trước và với thế hệ tương lai bằng những cử chỉ, những việc làm thiết thực.
“Hãy nở nụ cười, nói lời cám ơn, xin lỗi, cúi xuống nhặt mẩu rác chợt nhìn thấy... Hãy chú ý ăn mặc, đừng chen lấn, xô đẩy, cố lách, cố vượt lên ở chỗ đông người... Những việc làm tử tế, những điều bình dị, tưởng chừng nhỏ nhặt ấy thực ra rất quan trọng, rất ý nghĩa không chỉ với ngành Du lịch mà còn với nền văn hóa và con người Việt Nam”, Phó Thủ tướng Đam nói.
“Hãy đừng vì những lợi lộc của riêng mình mà bất chấp đạo đức kinh doanh, đạo đức sống, gây hại cho người khác, mang tiếng xấu cho Du lịch và hình ảnh của đất nước, của dân tộc”.
“Chúng ta đã có rất nhiều văn bản và cả những hội nghị. Các báo cáo đều đánh giá việc quán triệt chủ trương, nâng cao nhận thức rất được chú trọng. Điều đó đúng nhưng chỉ khi nào nhận thức thực sự sâu sắc, trở thành điều trăn trở, thôi thúc trong lòng thì mới có hành động hiệu quả, có giải pháp vượt lên những sức ì, lực cản - trước hết là sức ì, lực cản ngay trong chính mình”.
“Trăn trở, thôi thúc vì việc tốt và làm được việc tốt cho dù vất vả và nhiều lúc chịu thiệt thòi nhưng chắc chắn sẽ giúp mang tới cho mỗi chúng ta thêm nguồn năng lượng, sức lực và hạnh phúc đích thực”.
Trước đó, trong một bài phát biểu giữa tháng 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu ra 6 nỗi sợ của du khách khi đi đến Việt Nam gồm: Chặt chém; Giao thông; Ăn xin, ăn cắp vặt; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Ý thức bảo vệ môi trường; và Không thể hiện sự tôn trọng du khách.