Để du lịch phát triển, sao không tách riêng Bộ Du lịch?

08/07/2015 08:55 AM |

Một số chuyên gia cho rằng việc ghép Du lịch, Thể thao và Văn hóa trong một Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chưa hợp lý. Chúng ta đang đặt ngành du lịch vào trong một Bộ không phải kinh tế, không liên quan gì đến kinh tế...

“Tôi đề nghị thành lập Bộ Du lịch”, TS. Lương Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn du lịch Thiên Minh, Tổng Giám đốc Hàng không Hải Âu – kiến nghị tại Hội thảo Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới sáng 7/7.

Ông Nam lập luận: “Thái Lan có Bộ Du lịch Thể thao. Tại Singapore, ngành du lịch do Bộ Công thương quản lý. Còn tại Việt Nam, chúng ta ghép Du lịch vào Thể thao và Văn hóa. Thể thao và Văn hóa cũng quan trọng nhưng đó là lĩnh vực tiêu tiền, còn Du lịch là lĩnh vực làm tiền. Chúng ta cần chú trọng hơn để đẩy ngành du lịch cất cánh một cách mạnh mẽ”.

“Từ Đại hội IX, chúng ta đã xác định du lịch là ngành mũi nhọn, nhưng lại cho nó một cái áo quá nhỏ thì làm sao nó phát triển được”, PGS. TS. Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định.

Ông Lương cũng cho rằng, chúng ta đang đặt ngành du lịch và trong một Bộ không phải kinh tế, không liên quan gì đến kinh tế.

“Ngày xưa, ngành du lịch phía trên là Ban Kinh tế Trung ương và các vụ kinh tế quản lý, cuối cùng lại chuyển sang văn xã. Người văn xã không có tư duy của ngành kinh tế để quản lý lĩnh vực này”, ông thẳng thắn.

Nói đến ngành du lịch, GS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – thừa nhận: “Mặc dù xác định du lịch là ngành mũi nhọn, nhưng ngành du lịch chưa bao giờ “nhọn”. Bao nhiêu năm nay du lịch chưa bao giờ phát triển như chúng ta muốn”.

Theo các số liệu năm 2014, Thái Lan đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế, Malaysia đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế. Singapore đón 15,1 triệu lượt. Còn Việt Nam đón 7,8 triệu lượt khách quốc tế.

Con số này nếu tính theo tháng sẽ thấy rõ hơn sự ảm đạm của du lịch Việt. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lượng du khách đến Việt Nam đã giảm tháng thứ 13 liên tiếp sau sự cố biển Đông hồi tháng 5/2014, phần lớn là sụt giảm 2 con số. Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Về con số nói trên, TS. Lương Hoài Nam cho rằng Việt Nam cần làm lại thống kê về du lịch. “7,8 triệu lượt khách quốc tế nói trên bao gồm tất cả khách nước ngoài vào Việt Nam, kể cả người vào đầu tư, du học sinh nước ngoài, người đi bộ qua biên giới. Thực ra chỉ 2/3 trong số này là thực sự vào du lịch”, ông Nam nói.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM