Ông Lê Xuân Nghĩa: “Chúng ta đang cường điệu quá mức sự sụt giảm của kinh tế Trung quốc”

19/01/2016 14:58 PM |

“Tôi cho rằng chúng ta đang cường điệu quá mức sự sụt giảm của kinh tế Trung quốc. Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng 9-10% trong hơn 30 năm qua đã là một kỳ tích” – ông Lê Xuân Nghĩa.

Trong một báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra mức dự báo VND sẽ bị mất giá 3 - 4%. Dự báo này chưa tính đến những biến động lớn và bất ngờ của thị trường tài chính quốc tế, chẳng hạn Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ.

Việc không tính đến rủi ro từ Trung Quốc có phải là một điều đáng ngại?

“Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc mạnh trong thời gian vừa qua và đã tạo ra nhiều bất ổn trên thị trường tài chính thế giới. Nếu nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, chúng ta sẽ có khả năng rơi vào một chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới mới và điều này sẽ ảnh hưởng lên nền kinh tế Việt Nam”, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết tại tọa đàm trực tuyến 'Đường đi của tỷ giá 2016 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức'.

Về vấn đề này, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Chúng ta đang cường điệu quá mức sự sụt giảm của kinh tế Trung quốc.

“Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng 9-10% trong hơn 30 năm qua đã là một kỳ tích. Nền kinh tế này sẽ giảm dần tốc độ tăng trưởng như hiện nay cũng là một quy luật tất yếu”, ông Nghĩa phân tích.

“Còn nhớ Nhật Bản cũng đã duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao từ năm 1960 - 1990, từ đó tới nay tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản chỉ quanh mức 0-1%; trong khi Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 6-7% là tốt rồi”.

Ông Nghĩa cho rằng, có thể kinh tế Trung Quốc với số dân lớn, nhập khẩu nhiều đã trở thành thị trường lớn và công xưởng lớn của Thế giới. Điều này tạo ra kỳ vọng cho rất nhiều quốc gia xuất khẩu vào Trung quốc, đặc biệt là châu Âu, Nhật Bản, Brazil…

Tuy nhiên nền tảng kinh tế Trung Quốc vẫn còn rất mạnh, dự trữ ngoại tệ rất lớn, chính trị ổn định là điều kiện giúp quốc gia này có thể giảm tốc một cách an toàn.

Việt Nam đồng không còn “ngại” Nhân dân tệ?

Ông Hải cũng nhìn nhận: Nguồn lực của Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ví dụ như dự trữ ngoại hối khoảng hơn 3.000 tỷ USD, mặt bằng lãi suất và dự trữ bắt buộc còn rất nhiều dư địa để cắt giảm…

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương trên thế giới chắc chắn sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc để tránh sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. Sự phối hợp này cũng đã được thể hiện rất rõ trong việc xử lý khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

“Tôi tin rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó rơi vào giai đoạn suy thoái mà nhiều khả năng sẽ giảm tốc độ tăng trưởng. Việc giảm tốc này thực sự cần thiết để Trung Quốc có thể cải cách nền kinh tế một cách bền vững”, ông Hải nói.

Về tác động tới VND khi đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá, ông Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận: Những biến động gần đây của đồng Nhân dân tệ phần lớn là do thị trường quyết định và điều này không ngoài tiên lượng của thị trường tài chính thế giới cũng như Việt Nam.

“Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan hữu trách đều nhận định tình hình thế giới và khu vực diễn biễn phức tạp khó lường, có thể gây ra các cú sốc bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó nhân tố Trung Quốc là tâm điểm”, ông Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho biết.

“Đó cũng là lý do tại sao Ngân hàng Nhà nước thay đổi định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong đó có việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá mới”.

Nhiều nhà đầu cơ năm nay sẽ thất bại

Việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) – cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã định lượng trước. Nhưng việc này nằm ngoài dự kiến của nhiều nhà đầu cơ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã phát biểu trên thông tin đại chúng, việc điều chỉnh cơ chế tỷ giá của vừa qua đã bao hàm cả những giả thiết Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ…

Và thực tế diễn ra đúng như vậy. Cuối năm 2015 đầu 2016, Trung Quốc đã thực hiện nhiều lần phá giá nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, không như những dự kiến của nhiều chuyên gia là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phá giá VND vào cuối 2015 đầu 2016.

Nhiều nhà đầu cơ áp dụng “thói quen” cho là quy luật của những năm trước, chờ đợi phá giá, thì năm nay thất bại, tỷ giá vẫn ổn định.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM