Nước ngọt có ga không cồn sẽ thành hàng xa xỉ
24/03/2014 08:33 AM
|
Từ một mặt hàng tiêu dùng phổ thông, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì nhiều người dân sẽ quay lưng với nước ngọt có ga không cồn.
Các mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB ở Việt Nam và trên thế giới thường được liệt kê vào nhóm “xa xỉ phẩm”. Bởi vì, dù chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng tiêu dùng nhỏ nhưng lại chiếm tỉ trọng tương đối cao trong thương mại.
Bên cạnh đó là những loại hàng hóa đã được chứng minh có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường như rượu bia, thuốc lá, xăng dầu... Nói cách khác, việc nhà nước áp dụng thuế TTĐB có tác dụng điều chỉnh mức tiêu thụ, hạn chế nhập siêu, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo công bằng xã hội và sản phẩm đó không gây tác động đến số đông người có mức thu nhập trung bình và người có thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Theo một chuyên gia tài chính, dự thảo này Bộ Tài chính có lý riêng của mình. Đó là, một nguồn thu mới không nhỏ từ thuế TTĐB sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cái lợi có thể chưa thấy nhưng việc giá tăng quá cao thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm, mặt hàng đó là điều dễ thấy.
Theo tính toán của các chuyên gia, ngành sản xuất nước ngọt, giải khát sẽ chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên. Ngoài ra, việc tăng giá cũng làm ảnh hưởng đến các ngành khác như: nhà hàng, ăn uống, ngành phụ trợ và ảnh hưởng đến nguồn thu liên quan.
Đã có những bài học về sự thất bại
Nhiều quốc gia đang cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga. Nhưng sau khi nghiên cứu, không ít nước đã từ bỏ loại thuế này. Bỉ và Indonesia mới đây đã quyết định không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không cồn, sau nhiều tháng nghiên cứu mức độ ảnh hưởng về kinh tế, xã hội và y tế của chính sách trên.
Đan Mạch hiện nay đã nằm trong lộ trình xóa bỏ chính sách thuế tương tự này. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt trên nước giải khát tại quốc gia này đã giảm xuống còn một nửa từ tháng 7/2013, và được miễn hoàn toàn kể từ đầu năm 2014.
Theo Chính phủ Đan Mạch, phần thâm hụt ngân sách sau khi dỡ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát có ga sẽ được bù đắp bởi phần doanh thu vốn bị mất đi hàng năm từ việc người dân mua các mặt hàng này từ các nước láng giềng.
Ông Niels Hald, Tổng thư ký Hiệp hội Nước giải khát Đan Mạch, Briggeriforeningen cho rằng, chính phủ Đan Mạch đã nhận thức được bản chất thụt lùi của loại thuế này, tác động tiêu cực của nó tới cơ hội việc làm tại các địa phương gần biên giới, và hậu quả môi trường bất lợi của thương mại xuyên biên giới.
Còn Việt Nam, đang trong quá trình lấy ý kiến, câu hỏi đặt ra là thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn liệu có thực sự điều chỉnh mặt hàng này theo chiều hướng tích cực như với các đối tượng truyền thống khác như bia, rượu, ô tô, tàu bay, du thuyền và các dịch vụ xa xỉ như: kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược, xổ số... hay không.
Trong khi xa xỉ phẩm phục vụ nhu cầu của một nhóm nhỏ, thường có thu nhập cao và khi thu thuế TTĐB đối với các loại hàng hóa dịch vụ này sẽ mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể. Trong khi đó, nước ngọt có ga không cồn là một mặt hàng phổ thông, được người dân sử dụng rộng rãi, đặc biệt là người có thu nhập thấp nên bất kỳ sự thay đổi nào về giá có thể gây ảnh hưởng đến cầu./.
Theo Theo VOV
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!