Nói "Việt Nam là kinh tế thị trường": Quản lý Nhà nước đồng ý, doanh nghiệp ngập ngừng
Vì sao lại có sự vênh về nhận thức giữa nhóm làm việc trong cơ quan Quốc hội và nhóm doanh nghiệp? Vì sao nói Việt Nam là kinh tế thị trường nhóm Quốc hội giơ 2 tay còn doanh nghiệp chỉ giơ chưa đến 1 tay?
Nội dung nổi bật:
- Trung bình 49% người trả lời đồng ý với nhận định “Nền kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản là nền kinh tế thị trường”.
- Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đặt ra 3 quan ngại về tình hình “lưỡng thể” của kinh tế Việt Nam, cụ thể:
+ Khoảng cách giữa ý tưởng, chủ trương chính sách và thực tiễn
+ Nhóm trong nước lại nhận định nền kinh tế còn mạng nặng tính nhà nước rõ rệt hơn nhóm doanh nghiệp FDI.
+ Tỷ lệ cho rằng“về cơ bản nền kinh tế Việt Nam vẫn là kinh tế nhà nước” lại tăng đột biến ở chính các cơ quan chính phủ và các bộ ngành.
Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường hay kinh tế Nhà nước?
Đây là câu hỏi mà nhóm thực hiện báo cáo Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014) đặt ra cho 1.600 người làm việc tại các cơ quan Chính phủ và bộ, ngành, UBND và các sở, ngành cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Quốc hội, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước...
Kết quả bất ngờ và cũng đáng quan ngại là các câu trả lời thể hiện khoảng cách khá lớn về nhận thức giữa các nhóm.
Cụ thể, trong 1.600 người được hỏi, trung bình có 49% người trả lời đồng ý với nhận định “Nền kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản là nền kinh tế thị trường”, gia tăng mạnh so với 3 năm trước (chỉ 25% đồng tình).
Nhóm có tỷ lệ đồng ý cao nhất là những người làm việc tại các cơ quan Quốc hội (64%), tiếp đến là UBND và các sở ngành cấp tỉnh, cơ quan Đảng ở Trung ương hay nhóm báo chí (tỷ lệ đều ở mức 59%).
Nhóm có tỷ lệ đồng ý thấp hơn là doanh nghiệp dân doanh (43%) và Cơ quan Chính phủ và các bộ ngành (44%). Nhóm thấp nhất là những người làm việc tại các đại sứ quán nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam (38%).
Kết quả điều tra trên đã cho thấy một xu hướng đáng ngại: Một số nhóm như cơ quan Quốc hội, các cơ quan Đảng ở Trung ương, UBND và sở ngành cấp tỉnh dường như hài lòng hơn về nền kinh tế hiện nay so với các nhóm khác, khi đồng tình cho rằng nền kinh tế Việt Nam về cơ bản đã là nền kinh tế thị trường.
Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, điều này có nghĩa rằng, “khi nói Việt Nam là kinh tế thị trường thì nhóm làm việc tại cơ quan của Quốc hội giơ cả 2 tay còn nhóm doanh nghiệp giơ chưa hết 1 tay”.
Quan niệm về kinh tế thị trường, ai trễ hơn ai?
Là người đại diện cho cả nhóm đại biểu Quốc hội lẫn doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Các đại biểu Quốc hội là những người làm luật, là người xây dựng thể chế ở cấp cao nhất, có lẽ họ hiểu bản chất của quá trình này và đắm chìm trong môi trường thể chế, chính sách. Họ thấy rằng tính chất của thị trường trong nền kinh tế Việt Nam lớn hơn.
“Nhưng chuyển đổi từ khuôn khổ thể chế đến thực tiễn còn khoảng cách, mà doanh nghiệp là người đang sống trong môi trường thực tế của nền kinh tế Việt Nam. Điểm yếu hiện nay trong nền kinh tế thị trường của chúng ta là thực tiễn đi chậm hơn so với chủ trương yêu cầu được thiết lập ở cấp cao, tức có độ trễ giữa thể chế thiết kế với thực hành trong thực tiễn”, TS. Lộc nói.
“Trong khi doanh nghiệp cảm nhận được thực tiễn vận hành, thì các đại biểu Quốc hội kỳ vọng vào khuôn khổ đã thiết lập ra”.
Trước chất vấn của PGS.TS Trần Đình Thiên về độ trễ giữa thể chế và thực tiễn, và ai là người trễ, TS. Lộc cho rằng: Quốc hội chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát và thúc đẩy, còn nguyên nhân là ở khâu thực hiện, ở các cấp chính quyền địa phương.
“Chính quyền địa phương ở đây không phải là Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND, mà chính là các chuyên viên làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Khâu thực hiện yếu nhất là khâu ở cấp địa phương, ở cấp các chuyên viên”.
“Có thể nói, sự chậm trễ ấy đang hiện diện trước mắt chúng ta. Khi những bộ luật mang tính cách mạng như Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi đã được xây dựng (đã có hiệu lực từ ngày 1/7 – PV), nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, nghị định hướng dẫn”, TS. Lộc bức xúc.
“Bộ đừng sa đà vào dịch vụ công hay dịch vụ xúc tiến cho một vài nhóm doanh nghiệp. Nếu các cơ quan chính quyền tập trung vào đúng chức năng của mình là giám sát và thi hành luật chơi, thì độ trễ giảm đi rất nhiều”.
Ông Lộc cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình “sâu hóa bướm”. “Con bướm kinh tế thị trường còn đang ngập ngừng chưa rời khỏi kén. Đây là tình trạng “lưỡng thể” trong nền kinh tế nước ta. Những yếu tố thị trường cơ bản đang hình thành, nhưng còn nhiều nhân tố níu kéo”, ông Lộc nhìn nhận.
3 quan ngại về tình hình “lưỡng thể” của kinh tế Việt Nam
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã đặt ra một số quan ngại với nền kinh tế “lưỡng thể” của Việt Nam.
Thứ nhất, nếu căn cứ vào văn bản đưa ra, có thể thấy khá rõ những nguyên tắc của kinh tế thị trường đã được xác lập. Hệ quả đáng lo ngại là nếu chính những nhà hoạch định chính sách cho rằng hiện trạng kinh tế thị trường hiện nay là tốt, thì có lẽ họ sẽ không thấy có nhu cầu thúc đẩy cải cách như chính các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đưa ra.
Bên cạnh đó, làm sao cho thu hẹp khoảng cách về quan niệm kinh tế thị trường trong các nhóm này là điều quan trọng. Nói cách khác những ý tưởng, chủ trương chính sách hiện có cần đi vào cuộc sống trong việc hoàn thiện kinh tế thị trường mà nghị quyết của Đảng đã ban hành, theo hướng thị trường hơn, tốt hơn.
Thứ hai, nhóm cơ quan quản lý điều hành ở cả trung ương lẫn địa phương và doanh nghiệp trong nước lại nhận định nền kinh tế này còn mạng nặng tính nhà nước rõ rệt hơn nhóm doanh nghiệp FDI.
“Phải chăng điều này do trên thực tế, FDI được hưởng quy chế thị trường nhiều hơn và ít bị các cơ quan Việt Nam can thiệp hơn so với doanh nghiệp trong nước?”, báo cáo đặt nghi vấn.
“Mặc dù các nhóm đều thừa nhận và ủng hộ kinh tế thị trường cũng như xã hội hóa, nhưng thực tế đánh giá lại cho thấy sự “mơ hồ” về bản chất thực sự của nền kinh tế khá rõ nét. Số đánh giá "thị trường" tăng lên, nhưng số đánh giá là "nhà nước" cũng lên tới 35%. Có thể nói, sự nhập nhằng giữa tính chất “nhà nước” và “thị trường” trong nền kinh tế vẫn còn tồn tại khá rõ, hai hệ thống này vẫn đan xen với nhau và chưa rõ Việt Nam định đi về đâu, và theo chiều hướng nào”.
Thứ ba, nhóm nghiên cứu cho rằng cần đặc biệt lưu ý khi tỷ lệ cho biết “về cơ bản nền kinh tế Việt Nam vẫn là kinh tế nhà nước” lại tăng đột biến ở chính các cơ quan chính phủ và các bộ ngành (từ 14% lên tới 45%) trong khi đánh giá tính thị trường của nhóm này chỉ có chuyển động rất nhỏ (gia tăng 15%) so với giai đoạn 3 năm trước.
Từ đây, nhóm nghiên cứu đặt dấu hỏi: Liệu sự thay đổi nhận thức của những người ở nhóm này xuất phát từ thực trạng hiện nay Nhà nước lại can thiệp nhiều hơn so với năm 2011? Liệu đây có phải là bước lùi của kinh tế thị trường hay không khi mà chính các nhà hoạch định chính sách còn phải thừa nhận tính chất nhà nước của nền kinh tế vẫn rất đậm nét?
CAMS 2014 do VCCI và Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng thực hiện. Nhóm tác giả là những chuyên gia kinh tế có tiếng như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI...