“Nới room” cho nhà đầu tư ngoại, tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp

27/06/2015 21:59 PM |

Nới room mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư, cũng sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt để doanh nghiệp không bị thâu tóm bởi “kẻ mạnh”.

Nghị định 60 ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/09/2015.

Theo Nghị định 60 này, giới hạn về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (room) trên thị trường chứng khoán là 49% tồn tại từ 8 năm nay đã chính thức bị bãi bỏ. Quy định này đang được đánh giá là một niềm vui mới trên thị trường chứng khoán Việt, đặc biệt là kỳ vọng sẽ tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp tự “lớn lên” một cách thực chất hơn để vững vàng hơn trên thị trường.

Rộng “cửa” hơn cho nhà đầu tư nước ngoài

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận chính thức mở room (tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng) cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó doanh nghiệp có thể đăng ký nới room lên tới 100%. Với quy định này, chắc chắn nhà đầu tư ngoại thêm rộng “cửa” để mua vào những công ty mà họ đánh giá là tốt nhưng trước đây do giới hạn “room” nên họ có muốn mua thêm cổ phiếu cũng không được.

Mặc dù từ 1/9/2015 quy định này mới chính thức có hiệu lực, nhưng ngay khi thông tin về “nới room” này được công bố, nhiều nhà đầu tư, giới chuyên gia đã có những dự báo tích cực về tác động của chính sách này tới thị trường.

Hôm nay, phát biểu trên Tuổi trẻ, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt, cho rằng thông tin nới room sẽ có những tác động tích cực đối với chứng khoán, nhưng ở mức độ chừng mực. “Dù chưa có thông tin chi tiết nhưng tôi cho rằng đối với các nhóm nhạy cảm, chẳng hạn như ngân hàng sẽ không được nới room. Như vậy, tác động lớn nhất là một số cổ phiếu tốt đã kín room thôi, còn nhiều cổ phiếu khác vẫn còn dư địa, thậm chí chưa được nhà đầu tư nước ngoài ngó đến” - ông Hòa nhận định.

Đánh giá của ông Hòa là xác đáng, bởi Nghị định 60 này qui định các công ty đại chúng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo qui định tại Điều lệ công ty, nhưng tối đa không quá tỷ lệ sở hữu theo qui định của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng, mở room được xem là bước đột phá lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài và chắc chắn đây sẽ là động lực thúc đẩy các tổ chức giải ngân. Những công ty đã hết room như FPT, Vinamilk, REE, Dược Hậu Giang, Dệt may Thành Công, Viconship…. đều có thể nới room lên 100%. Hoạt động M&A (mua bán, thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất) trên sàn sẽ gia tăng mạnh mẽ vì từ nay nước ngoài có thể mua đứt toàn bộ một công ty niêm yết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Khối Dịch vụ CTCK VNDirect, trên Bizlive cho rằng, việc nới room sẽ tác động tích cực đến thanh khoản, thỏa mãn được nhu cầu mua của nhà đầu tư nước ngoài tuy nhiên tác động về giá thì chưa rõ ràng. Hiện nay, rất nhiều mã chứng khoán đã hết room, vì vậy thông tin này đáp ứng được kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.

Giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng theo thị trường, giá trị nội tại có xứng đáng với mức giá đó không mới là điều quan trọng với nhà dầu tư nước ngoài. Tỷ trọng các mã này chưa đến mức sẽ tác động lên VN-Index.

Cạnh tranh quyết liệt hơn

Như vậy, có thể thấy, khi quy định mới này chính thức được thực thi, chắc chắn hoạt động mua bán, thâu tóm trên sàn sẽ chứng khoán Việt có thể sẽ có cơ hội để diễn ra mạnh mẽ hơn so với trước. Song, mức độ sôi động của giao dịch và tính tích cực của thị trường vẫn phải do chính giá trị các doanh nghiệp niêm yết trên sàn quyết định. Có lẽ sự kỳ vọng vào giá trị của quy định mới này chính là thúc đẩy các doanh nghiệp Việt tự hoàn thiện mình hơn để tăng giá trị thực, từ đó hấp dẫn nhà đầu tư khi niêm yết trên sàn.

Bởi lẽ, khi “cửa” rộng hơn cho nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu, không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp huy động vốn nhà đầu tư mà đồng thời nó cũng sẽ khiến doanh nghiệp có thể bị “thâu tóm” một cách đường hoàng hơn. Như thế, nếu doanh nghiệp không kinh doanh thực chất, không làm chủ được chính mình trên thị trường, sẽ bị rơi vào tay “kẻ mạnh”. Tất nhiên, để tồn tại vững bền, các doanh nghiệp phải chủ động vào cuộc cạnh tranh một cách quyết liệt hơn, bài bản hơn./.

Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 26/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 60 quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam như sau:

1. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng:

a) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế;

b) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;

c) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;

d) Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

2. Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật về cổ phần hóa. Trường hợp pháp luật về cổ phần hóa không có quy định, tỷ lệ này thực hiện theo quy định tương ứng trên.

3. Việc đầu tư vào trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài:

a) Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật có liên quan hoặc tổ chức phát hành có quy định khác.

b) Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi đến hạn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc đến thời hạn mua cổ phiếu tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài kể trên.

4. Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác. Ngoại trừ quỹ mở, quỹ đầu tư chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt từ 51% trở lên, thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

5. Công ty đại chúng, công ty niêm yết báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên trang thông tin điện tử của mình, của Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra Nghị định 60 cũng sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan tới điều kiện, hồ sơ và thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng; quy định chung về chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán và niêm yết chứng chỉ quỹ tại nước ngoài; đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, niêm yết; góp vốn bằng bất động sản vào quỹ đầu tư bất động sản…

Nghị định 60 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2015 và bãi bỏ Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam./.

Theo Xuân Thân

Cùng chuyên mục
XEM