Thị trường nợ xấu: Chưa "cưới" nhưng nhà đầu tư nước ngoài đang "tìm hiểu"

29/04/2015 08:23 AM |

Đây là chia sẻ của ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) với chung tôi xung quanh quy định mới của VAMC cũng như sức hấp thị trường mua bán nợ của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài...

Cụ thể, ông Phước cho rằng, Nghị định 34 (sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 53 về hoạt động của VAMC) đã đặt ra nhiều vấn đề mới.

Thứ nhất, trước đây Nghị định 53 quy định phát hành TPĐB để mua nợ xấu của TCTD nhưng mua theo giá sổ sách, và TCTD phải trích lập DPRR cho những khoản nợ xấu 20%/năm, còn nếu phát mãi được tài sản là nguồn thu bất thường cho TCTD.

Còn ở Nghị định 34 thì là thời gian của trái phiếu có thể là 5 năm đến 10 năm, tùy thuộc vào phương án tái cơ cấu của từng TCTD mà Thống đốc NHNN quyết định cụ thể.

Xét về khuôn khổ pháp lý chung, giúp TCTD sau khi bán khoản nợ xấu thì chi phí trích lập DPRR không phải dồn dập, mà có thể giảm từ 20% dần về 10%. Đây là 1 tiến bộ sau khi đúc rút kinh nghiệm thực tiễn sau 2 năm qua bán nợ xấu cho VAMC.

Thứ 2, nợ xấu được bán theo giá thị trường. Các TCTD bán nợ xấu cho VAMC không bán theo giá trị sổ sách, trước đây tôi vay 100 đồng, nhưng thế chấp tài sản 120 đồng, bây giờ giá trị thị trường xuống 85 đồng thì sao? Nay TCTD và VAMC thỏa thuận nợ xấu 80 đồng – đó là giá thị trường và VAMC trả cho TCTD bằng 1 loại trái phiếu.

Theo Nghị định 34, VAMC sẽ phát hành trái phiếu để mua khoản nợ xấu theo giá thị trường, trái phiếu này có giá trị gần như tiền mặt và TCTD có thể đem tới NHNN lấy tiền mặt qua cửa sổ tái cấp vốn, thị trường mở (OMO). Đây là 1 đặc trưng của loại trái phiếu đó.

Thứ 3, cũng theo Nghị định 34 thì các TCTD không phải trích lập DPRR nữa. Ngoài ra, trước TPĐB không được thế chấp vay tiền tái cấp vốn… và phải trích lập dự phòng, còn với loại trái phiếu này được thế chấp vay tiền và không phải trích lập dự phòng.

Bên cạnh đó, có 1 điểm hơi mờ nhạt nhưng lại khá quan trọng trong nội dung của Nghị định 34, là VAMC được quyền mua những khoản nợ xấu thỏa mãn điều kiện: DN có khả năng phục hồi trong tương lai, hoặc không phục hồi trong tương lai nhưng DN có thể phát mại tài sản (Nghị định 53 cũ quy định tài sản đó là phải phục hồi, và phải bán đấu giá. Nhưng thực tế nếu doanh nghiệp có thể phục hồi được thì TCTD bán nợ xấu đó làm gì). Do đó, quy định này sẽ tạo điều kiện cho VAMC có thể mua nợ xấu.

Những điều kiện này, liệu sắp tới xử lý nợ xấu có thuận lợi, có tiến triển nhanh hay ko thì hơi khó dự báo. Nhưng rõ ràng, đó là điều kiện cần cho quá trình xử lý nợ xấu. Khung pháp lý như vậy là thuận lợi rồi, tất nhiên cũng cần sự tạo điều kiện của các bộ, ngành liên quan.

Vậy điều kiện đủ là gì, thưa ông?

Điều kiện đủ là phải có những con người rất cụ thể tham gia vào quá trình này. NĐT có cảm thấy mua nợ xấu có tạo cho họ lợi nhuận hay không, thì cần khuôn khổ pháp lý mới, chính sách mới.

Ví dụ Quốc hội thông qua các luật về kinh doanh nhà đất, bất động sản… tạo điều kiện thuận lợi ko chỉ cho NĐT trong nước mà cả nước ngoài, họ thấy bỏ tiền vào đây sẽ đem lại lãi. Lợi nhuận là mệnh lệnh tối thượng trong kinh tế thị trường.

Vì sao họ kỳ vọng giá từ 80 đồng có thể lên 100-120 đồng? Bởi lẽ họ nhìn kỳ vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đó là tăng trưởng GDP cả năm 2014 và quý I đã tăng 6,03%, đã tới lúc GDP trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, bền vững hay chưa vẫn còn nhiều tranh luận. Nhưng phải thừa nhận, kinh tế đang phục hồi và đang mon men tìm kiếm quỹ đạo để tăng tốc.

Còn về lạm phát kiềm chế 1,84% trong 2014 và quý I/2015 lạm phát rất thấp GDP tăng trưởng cao, tỷ giá ổn định, lãi suất thấp… tạo niềm tin thị trường trong nước, nước ngoài. Nền kinh tế tăng trưởng cao, ổn định thì tại sao không bỏ tiền vào đầu tư?

Mặc dù về lý thuyến thì thị trường nợ xấu của Việt Nam rất tiềm năng, nhưng trên thực tế chưa có NĐT nước ngoài nào tham gia?

Muốn nhanh thì phải rất từ từ. Mặc dù nhà đầu tư nói muốn nhưng họ cũng phải xem xét, nghiên cứu. Họ phải xem các tổ chức đánh giá xếp hạng như S&P, IMF nghiên cứu, xếp hạng rủi ro quốc gia Việt Nam. Thị trường hiệu quả là thị trường được truyền dẫn thông tin công khai, minh bạch.

Đây là điều kiện đầu vào về mặt thông tin cho các NĐT nước ngoài. Họ cẩn trọng vì đó tiền tươi thóc thật của chính họ trong việc đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường mua bán nợ, rồi thị trường bất động sản.

Các biến số vĩ mô là thông tin đầu vào cho NĐT. Tuy chưa “cưới” nhưng tôi tin rằng quá trình này đang ở giai đoạn “tìm hiểu”.

Hiện nay, nợ xấu đang được “gom” về VAMC để ra ngoài bảng của ngân hàng. Hay nói một cách khác, nợ xấu chỉ mới giải quyết ở khâu ngân hàng mà chưa bán ra thị trường và thu tiền về. Phải chăng nợ xấu chưa được giải quyết triệt?

Chữa bệnh thì phải có phác đồ điều trị với nhiều bước: Trước hết phải đưa bệnh nhân vào viện, bác sĩ truyền nước biển cho bệnh nhân ổn định sau đó mới đưa vào các chuyên khoa điều trị.

Cũng như vậy, xử lý nợ xấu bước đầu tiên là cấp cứu, nghĩa là đưa “khối u” nợ xấu vào VAMC để các TCTD trở về trạng thái tương đối bình thường và điều kiện tiếp cận tín dụng thông thoáng hơn. Trước đây, DN “dính” nợ xấu thì ai, NH nào dám cho vay? Chắc chắn là không rồi. Nếu nợ xấu được đưa về trạng thái tương đối bình thường, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn, NH sẽ mạnh dạn cho vay, DN cũng mạnh dạn đi vay.

Ông nói cần thời gian từ từ xử lý nợ xấu, vậy cụ thể là thời gian bao lâu?

Theo tôi 3 năm nữa sẽ dứt điểm nợ xấu.  Sở dĩ tôi nói như vậy là căn cứ vào những điểm sau:

Thứ nhất, UBGSTCQG đã thống kê và thấy, nợ xấu phát sinh tự nhiên nhưng tốc độ giải quyết nợ xấu đang nhanh hơn.

Cũng theo thống kê của chúng tôi, trích lập DPRR lớn hơn so với nợ xấu mới phát sinh. Cụ thể, nợ xấu 2014 mới phát sinh là 36 nghìn tỷ đồng, trong khi đó NH tự xử lý DPRR 41 nghìn tỷ.

Nợ xấu đang xử lý lâu nay về cơ bản không phình ra nữa. Còn lãi, nợ phát sinh VAMC được quyền khoanh lại, trong quá trình mua nợ xấu từ TCTD phát hành trái phiếu theo giá thị trường sẽ làm nợ xấu thấp xuống.

Thứ hai, một nhân tố quan trọng là kinh tế đang phục hồi, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh, lợi nhuận NH sẽ tăng hơn. Vì nếu năm 2014 không trích lập DPRR về tín dụng thì lợi nhuận hệ thống NH tăng 6% so với 2013, nhưng do phải DPRR mới giảm 25,8%. Khoanh lại xử lý nợ xấu thì lợi nhuận của NH sẽ tăng lên, mặc dù lợi nhuận tại mỗi NH là khác nhau.

Vậy theo ông mục tiêu tỷ lệ nợ xấu về mức 3% trong năm nay có khả thi không?

Tôi cho rằng, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu 2015 xuống dưới 3% là chắc chắn đạt được.

Theo đánh giá và giám sát của UBGSTCQG, cách đây hơn 6 tháng Uỷ ban đã báo cáo TTCP, bảng cân đối của các TCTD có chỗ nọ, chỗ kia nhưng nhìn bức tranh tổng thể nền kinh tế thì nợ xấu/tổng dư nợ thì trung bình đang dưới 3%.

Xin cảm ơn ông!

Theo Khánh Nhi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
XEM