Nơi nào không thu phí bảo trì đường bộ... phải bù bằng tiền ngân sách!
Khẳng định quan điểm không dừng thu phí bảo trì đường bộ, Tổng Cục Đường bộ cho biết, với các địa phương chưa triển khai như TP HCM, nếu không truy thu sẽ phải lấy tiền ngân sách bù vào.
Mặc dù chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn song TP Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã triển khai thu phí bảo trì đường bộ kể từ khi chính sách này có hiệu lực. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương, điển hình như ở TP HCM, đã gần 2 năm trôi qua vẫn chưa triển khai thu phí.
Việc địa phương thu phí bảo trì, địa phương không thu đã dẫn đến sự bất công đối với chủ các phương tiện giữa các tỉnh thành. Thậm chí sự bất công còn xảy ra ở chính mỗi địa phương, như TP Hà Nội, khi xảy ra tình trạng nơi đóng phí, nơi không thu.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số quận trung tâm nội thành Hà Nội, số lượng chủ phương tiện chấp hành đóng phí bảo trì đường bộ cao hơn so với các quận, huyện xa trung tâm. Mặc dù liên tục có văn bản đôn đốc địa phương triển khai, song kết quả thu phí bảo trì đường bộ của TP Hà Nội vẫn còn rất thấp, thậm chí có địa phương việc thu phí cũng chỉ bằng không.
Trong năm 2013, TP Hà Nội chỉ thu được hơn 55 tỷ đồng với khoảng 1,2 triệu xe máy, con số này quá thấp so với số đầu xe hiện đang đăng ký lưu hành trên địa bàn Hà Nội, với hơn 3 triệu xe. Đó là chưa kể đến hàng nghìn xe máy đăng ký ngoại tỉnh đang lưu thông. Sang năm 2014, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 320 tỷ đồng, thì 8 tháng đầu năm Hà Nội mới chỉ thu được vỏn vẹn gần 11 tỷ đồng phí bảo trì.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nơi thu nơi không do không có chế tài xử phạt, dẫn đến tình trạng chây ì. Nhiều người không muốn đóng vì biết nơi khác không thu. “Trong khi chúng tôi chấp hành nghiêm việc đóng phí theo quy định, thì không ít chủ phương tiện khác không đóng. Như thế là thiếu công bằng, vậy có nên dừng việc thu phí không? Nếu dừng thì có phải trả lại tiền cho người đã đóng phí không?” – chị Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) nêu.
"Phí bảo trì đường bộ không có tính khả thi sau hơn 1 năm thực hiện. Các hộ không nộp chẳng làm sao, người nộp thấy vậy lần sau lại không nộp nữa. Việc thu đều trên đầu phương tiện cũng không công bằng, vì có người đi nhiều, nhưng cũng có người đi rất ít. Rồi bản thân người đi thu cũng vất vả, ngày đêm sớm tối gõ cửa từng nhà, nhưng hiệu quả rất thấp. Cần phải nghiên cứu kỹ để việc thu phí khả thi và hợp lòng dân hơn" - ông Nguyễn Phúc Y (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đề nghị.
Đối với TP HCM, sau gần 2 năm không triển khai thu phí bảo trì đường bộ, mới đây thành phố này đã rục rịch bàn tính việc thu phí, nhưng vẫn chưa thể "chốt" được có triển khai thu vào năm 2015 tới không! Điều này đã tạo ra sự mất công bằng giữa các tỉnh, thành, địa phương và cũng là điều cần phải tính toán lại cho phù hợp.
Trao đổi với PV Infonet xoay quanh việc này, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, chủ trương nhất quán là không dừng việc thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô, xe máy. Đã tham gia giao thông thì chủ phương tiện phải có nghĩa vụ đóng phí, góp phần hỗ trợ nhà nước khi nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo sự công bằng đối với các chủ phương tiện, ông Huyện cho biết sau này sẽ có cơ chế xử phạt hành chính cụ thể.
Về trường hợp của TP.HCM, ông Huyện cho biết, đó là quyền của thành phố. Địa phương có quyền không truy thu, tuy nhiên sẽ phải dùng tiền ngân sách bù vào các khoản thu thiếu hụt đó.
"Có thể ngân sách của TP HCM nhiều nên họ áp dụng phương án đó. Tới đây Tổng quỹ sẽ phải có văn bản đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện thu phí bảo trì" - ông Huyện nói. Ông cũng cho biết, tại kỳ họp tới đây, Hội đồng quỹ sẽ phải bàn tính, đưa ra các giải pháp để khắc phục tâm lý chây ì từ các chủ phương tiện, để đảm bảo sự công bằng trong việc đóng phí bảo trì đường bộ.
>> Nhiều người dân né phí bảo trì đường bộ xe máy
Theo Nguyễn Dũng