Giá dầu giảm mạnh và mối lo ngân sách 2015
Chính phủ vừa ước tính, giá dầu thô cứ giảm 1 USD/thùng sẽ làm ngân sách Nhà nước hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới đã giảm 33-38% tính từ đầu năm đến nay.
Điều này, một lần nữa là lời kêu gọi cần cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững hơn, theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh.
Vẫn dựa nhiều vào tài nguyên và xuất nhập khẩu
Tính từ đầu năm đến phiên giao dịch cuối tuần qua, dầu WTI và dầu Brent đã giảm giá lần lượt 33% và 38%. Theo ông, giá dầu giảm có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Giá dầu thô giảm dẫn đến giá xăng dầu giảm sẽ có tác động tích cực tới sự phục hồi kinh tế. Nhờ đó, thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu có thể tăng được để bù đắp cho phần hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như từ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm.
Thậm chí, thu ngân sách Nhà nước còn có thể tăng lên nhờ lạm phát có xu hướng giảm nên tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước trong cơ cấu giá cả nhiều hàng hoá dịch vụ có điều kiện tăng lên.
Khi thu từ dầu thô vẫn chiếm hơn 10% trong tổng thu ngân sách thì việc giá dầu giảm có điều gì đáng ngại không, thưa ông?
Đúng là giá dầu thô giảm một lần nữa cho thấy cần xem xét lại vấn đề bất cập trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước với nguy cơ thiếu bền vững do cơ cấu thu ngân sách Nhà nước chưa hợp lý.
Nguồn thu ngân sách Nhà nước vẫn dựa rất lớn vào thu từ khai thác tài nguyên và hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là những lĩnh vực phụ thuộc rất nhiều vào biến động trên thị trường quốc tế, đồng thời làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lao động và nguồn lực tài chính.
Theo tôi, tính bền vững thu ngân sách Nhà nước chỉ tăng lên khi cơ cấu thu ngân sách Nhà nước chuyển sang dựa chủ yếu vào thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Nhiệm vụ thu ngân sách 2014 đã hoàn thành, giá dầu thô giảm chỉ đáng lo ngại với thu ngân sách 2015?
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách 11 tháng đã hoàn thành nhiệm vụ thu cả năm và thu từ dầu thô đã vượt dự toán 13,2%. Như vậy, rõ ràng việc giá dầu thô sụt giảm mạnh không ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước năm 2014, mà sẽ tác động tới thu ngân sách Nhà nước năm 2015.
Đáng chú ý, dự toán thu ngân sách vừa mới được Quốc hội thông qua có giá dầu thô dự toán khoảng 100 USD/thùng.
Giả thiết xấu nhất, nếu giá dầu thô bình quân năm 2015 chỉ còn 40 USD/thùng - theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế thế giới, thì Việt Nam sẽ thiệt hại so với giá dự tính khoảng 120 nghìn tỷ đồng riêng từ khai thác và xuất khẩu dầu thô.
Theo đó, ngân sách Nhà nước hụt thu từ dầu thô khoảng 60.000 tỷ đồng chưa kể khoản hụt thu từ giảm giá nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu.
Mặt khác, thu từ dầu thô bao gồm thu từ thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ 11% trong dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2014 với 85.200 tỷ đồng.
Tỷ lệ này dù đã giảm so với mức gần 15% tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2013, song con số hụt thu có thể xảy ra nhất định sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2015, thậm chí gây ra thay đổi lớn trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước một cách bị động.
Nhu cầu chi vẫn tăng lên
Ông nghĩ, điều này sẽ gây hậu quả như thế nào?
Biến động trong quy mô và cơ cấu thu ngân sách Nhà nước năm 2015 do ảnh hưởng của khả năng giá dầu thô và xăng dầu giảm sâu sẽ gây hậu quả xấu hơn, trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán đều không thể trì hoãn.
Nhu cầu chi vẫn tăng lên, cả chi đầu tư phát triển lẫn chi thường xuyên và chi trả nợ.
Như vậy, muốn đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước theo dự toán năm 2015, đồng thời không làm tăng quy mô thâm hụt ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt, thì gánh nặng khai thác nguồn thu đủ bù đắp khoản hụt thu do giảm giá dầu thô và xăng dầu được đặt lên vai Chính phủ và Bộ Tài chính.
Để chủ động ứng phó với tình thế khó dự báo, cần có giải pháp như thế nào, theo ông?
Trong khi vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch bài bản cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước, sự chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách Nhà nước bị động năm 2015 buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm các giải pháp đối phó.
Bộ Tài chính cần lập các phương án quy mô hụt thu khác nhau tương ứng với từng giả định về giá dầu thô và giá xăng dầu năm 2015.
Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan phân tích đánh giá toàn diện tác động của từng phương án giá dầu thô đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước để xây dựng các phương án thu ngân sách Nhà nước cụ thể, dựa trên dự báo tổng nguồn thu và chuyển dịch cơ cấu nguồn thu.
Bên cạnh đó, trên cơ sở dự báo quy mô và tiến độ hụt thu càng chính xác càng tốt, Bộ Tài chính cần chủ động đề xuất phương án bù đắp thiếu hụt nguồn thu, kể cả tăng cường chống thất thu ngân sách Nhà nước, đồng thời điều chỉnh tiến độ chi ngân sách Nhà nước cho phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan chức năng tính toán khả năng không đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu dầu thô và không tăng nhập khẩu xăng dầu, nhằm lấy tăng lượng bù cho giảm giá, đảm bảo thu đủ ngân sách Nhà nước.
Ngược lại, phải lấy lợi ích quốc gia làm trọng thông qua giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô, đặc biệt tại những địa điểm có chi phí khai thác cao hơn so với giá xuất khẩu, để tránh bán rẻ nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo của đất nước.
>> Giá dầu giảm không hẳn đã khó khăn
Theo Lê Hường