Nợ xấu “không ngoài dự tính” Ngân hàng Nhà nước
Nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của Ngân hàng Nhà nước...
Nội dung nổi bật:
- Trong khi nhận định từ giới chuyên gia còn một số nghi ngờ về hiệu quả của VAMC thì Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây thực sự là công cụ mua bán nợ hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu
- Trong thời gian còn lại của năm, Thống đốc cho biết sẽ bảo đảm đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.
Trong hai tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của Ngân hàng Nhà nước. Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo của cơ quan này về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.
Như nhiều lần khác báo cáo về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình bắt đầu từ đề án xử lý nợ xấu đến hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tới nỗ lực của toàn hệ thống.
Trong khi nhận định từ giới chuyên gia còn một số nghi ngờ về hiệu quả của VAMC thì Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây thực sự là công cụ mua bán nợ hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu, tạo được niềm tin về tính khả thi của một công cụ xử lý nợ xấu đặc thù.
Mô hình hoạt động của VAMC đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công cụ này trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam, Thống đốc nhấn mạnh.
Tính đến ngày 17/4/2015, VAMC đã mua 13.708 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 13.408 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng, báo cáo nêu con số cụ thể để chứng minh.
Về bức tranh chung của nợ xấu, Thống đốc cho biết, sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012 đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng đề án xử lý nợ xấu.
Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế nói chung, Thống đốc khái quát.
Vẫn theo ông, nhờ sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của ngành ngân hàng, nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý một khối lượng đáng kể. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).
Trong hai tháng đầu năm 2015, mặc dù cho biết là nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ với tỷ lệ là 3,59%, song Thống đốc khẳng định diễn biến này mang tính quy luật khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm do tích cực xử lý nợ xấu và vẫn trong tầm kiểm soát, không nằm ngoài dự tính của Ngân hàng nhà nước.
Trong thời gian còn lại của năm, Thống đốc cho biết sẽ bảo đảm đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015.
Đây là tiền đề để ngành ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015, báo cáo viết.
Nhấn mạnh kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay tiếp tục ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các tổ chức tín dụng, song Thống đốc Bình cũng cho rằng những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ.
Bởi nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nếu không, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn.
Quan điểm này của Thống đốc đã từng được một vị chuyên gia kinh tế nêu ra vài năm trước tại diễn đàn kinh tế do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. Còn một vấn đề chưa bao giờ là cũ, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, là sự minh bạch và tính chính xác của thông tin về nợ xấu.
Nguyên Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng, trong một tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 vừa diễn ra cuối tháng 4/2015, thì cho rằng nợ xấu chỉ có thể giải quyết rốt ráo, khi các con số về nợ xấu của ngân hàng được thống kê chính xác, đầy đủ.
Theo ông Hùng thì thực tế xử lý nợ xấu hơn hai năm qua cho thấy: một khi chưa minh bạch về số nợ xấu, thì hiệu quả mang lại sẽ thấp, dù cơ quan quản lý có đưa ra nhiều chính sách và biện pháp.
Thông tin cụ thể hơn ở bản tham luận nói trên là: "Theo số liệu đăng tải trên trang website của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2014 nợ xấu đã giảm mạnh từ trên 4% tháng 6/2014 xuống 3,22%, tính ra số tuyệt đối là 127.851 tỷ đồng. Tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước phân bổ các tổ chức tín dụng phải bán 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Như vậy số nợ xấu còn lại chỉ là 28.000 tỷ đồng. Khi ngân hàng băn khoăn về việc không có nợ xấu bán, thì tại cuộc họp ở Tp.HCM đầu tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết, số nợ xấu tuyệt đối không dưới 300.000 tỷ đồng, gấp lần 3 lần số báo cáo của các ngân hàng thương mại".
Đây có lẽ cũng chính là một nguyên nhân mà Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về nợ xấu.
Theo Nguyên Vũ