Nợ công mức nào là "nguy hiểm"?
Khi bàn về nợ công ở Quốc hội khóa 12 thì quá 50% GDP là “rất nguy hiểm”, tuy nhiên, đến Quốc hội khóa 13 thì nợ công 60% GDP lại là “nguy hiểm” thôi.
Đây là ý kiến đại biểu được phản ánh tại báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Nội dung này sẽ được thảo luận tại hội trường trong ngày 8/6, cùng với tình hình kinh tế - xã hội.
Tăng thu nhưng không giảm bội chi
Khi thảo luận tại tổ, một số vị đại biểu sốt ruột, thu ngân sách các năm đều tăng so với dự toán nhưng không giải quyết được những vấn đề cốt lõi như giảm bội chi hay tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Có ý kiến đề nghị giải trình lý do tăng thu ngân sách nhà nước nhưng lại không giảm bộị chi, báo cáo nêu rõ.
Với mức bội chi năm 2013 lên đến 6,6% đại biểu cho rằng thực hiện giảm tỷ lệ bội chi ngân sách còn chưa nghiêm, mức bội chi cao hơn mức Quốc hội cho phép. Đề nghị được đại biểu nhấn mạnh là Quốc hội cân nhắc vấn đề này và cần có biện pháp khắc phục để đảm bảo kỷ cương trong quản lý và điều hành ngân sách nhà nước.
Liên quan đến ngân sách 2014, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đã đề nghị Chính phủ tính bội chi năm 2014 trên cơ sở vốn vay ODA thực tế giải ngân, tránh tình trạng khi quyết toán, vốn vay ODA vượt dự toán cao, đã làm tăng tỷ lệ bội chi so với số được Quốc hội quyết định.
Vẫn như các kỳ họp khác, nhấn mạnh là kỷ luật tài khóa còn lỏng lẻo, nhiều vị đại biểu yêu cầu cần cụ thể hơn các giải pháp giảm bội chi, nợ công cần cụ thể hơn.
Nợ công tiếp tục gia tăng ở mức độ cao, các khoản nợ như bù lãi suất cho ngân hàng chính sách, nợ quỹ hoàn thuế VAT, nợ quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đọng xây dựng cơ bản cần được tính toán đầy đủ vào tổng số nợ công, báo cáo phản ánh ý kiến nhiều đại biểu.
Đề nghị đánh giá rõ thêm về vấn đề nợ công, đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề này và tính toán kỹ về khả năng trả nợ.
BOT tăng gánh nặng cho dân
Khá tóm tắt song báo cáo cũng nêu nhiều kiến nghị các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước, dù vẫn chỉ là những kiến nghị đã cũ. Như, kiến nghị siết chặt kỷ luật ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, quản lý ODA cần chú trọng thực hiện chặt chẽ hơn.
Quan tâm đến việc sử dụng số thu về từ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty, đại biểu cho rằng phải có biện pháp sử dụng cho hiệu quả, đúng luật. Bởi, đây là tài sản của Nhà nước, của nhân dân, cần có cơ chế quyết định đối với khoản này.
Một số ý kiến đề nghị đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian vừa qua về tính cần thiết, phù hợp của địa phương, vùng miền trong việc đầu tư hạ tầng, đoàn thư ký phản ánh.
Bên cạnh các nội dung trên, đại biểu còn đề nghị đánh giá trong giai đoạn 5 năm: tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giảm (khoảng 20%), trong khi chính sách chi ngân sách được ban hành quá nhiều, dẫn đến thiếu nguồn bố trí, nợ chính sách, gánh nặng nợ công
Riêng với hình thức đầu tư BOT còn nhiều đánh giá khác nhau, có ý kiến đánh giá cao lợi ích của hình thức này khi có nhiều lựa chọn về giao thông hơn, thời gian và công sức được tiết kiệm, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần vào tái đầu tư công; công khai, minh bạch hơn, nhiều nơi giám sát.
Chính quyền và người dân ở nhiều nơi rất phấn khởi, do đó đề nghị làm cầu đường theo hình thức BOT, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chủ trương BOT dẫn đến giao gánh nặng cho người dân quá lớn, đề nghị Chính phủ cần có báo cáo trước Quốc hội, báo cáo nêu rõ.