Nigeria đã thoát khỏi Ebola như thế nào?
Ngày 20/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Nigeria đã thoát dịch Ebola. Những gì mà nước này đã làm có thể được xem là kinh nghiệm đáng để các quốc gia khác học tập trong cuộc chiến chống lại loại virus chết người.
Một bài báo gần đây trên trang NBC News nói rằng, Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, có thể đem đến “một lộ trình đầy hy vọng để kiểm soát Ebola”. Nigeria ở ngay gần sát tâm của vùng dịch Ebola, và căn bệnh nguy hiểm đã vào nước này khi một hành khách ốm lử bước xuống khỏi một chuyến bay thương mại. Tuy nhiên, giới chức Nigeria đã ngăn chặn thành công sự lan rộng của bệnh dịch.
Trong khi đó, ở các quốc gia láng giềng Sierra Leone, Liberia, và Guinea, mọi chuyện lại không như thế. Ba nước này đã trở thành tâm dịch Ebola, nơi loại virus chưa có thuốc đặc trị đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người trong tổng số hơn 8.000 người bị nhiễm.
Vậy Nigeria đã làm gì để thoát Ebola?
Bệnh nhân số 0
Người đầu tiên mang Ebola tới Nigeria là Patrick Sawyer. Ông này rời khỏi một bệnh viện ở Liberia bất chấp sự ngăn cản của các y bác sỹ tại đây và bay tới Nigeria. Khi tới sân bay ở thành phố Lagos của Nigeria, Sawyer đã rơi vào tình trạng ốm nặng và ngay lập tức được đưa tới một bệnh viện ngay trong thành phố với 20 triệu dân này.
Tại bệnh viện ở Lagos, Sawyer nói với bác sỹ rằng ông chưa từng tiếp xúc với bệnh nhân Ebola nào, và vì vậy, ông được bệnh viện điều trị bệnh sốt rét. Tuy nhiên, khi thấy Sawyer không đáp ứng thuốc, các bác sỹ nghi ông này nhiễm Ebola, và kết quả xét nghiệm đã có thấy ông dương tính với Ebola.
Nhận thấy khả năng phát tán virus, bệnh viện kiên quyết không cho phép Sawyer rời đi. 5 ngày sau khi nhập viện, Sawyer chết, nhưng một loạt y tá chăm sóc cho ông này đã nhiễm Ebola.
Ngăn dịch lan rộng
Ngay khi ca nhiễm Ebola đầu tiên của Nigeria được xác nhận, nhà chức trách nước này đã ngay lập tức vạch ra quy trình nhằm xác định những người đã có tiếp xúc với bệnh nhân, đồng thời mở một trung tâm khẩn cấp để điều phối và giám sát phản ứng toàn quốc với dịch bệnh.
Trung tâm khẩn cấp này làm việc với các sân bay và các hãng hàng không của Nigeria, xác định bất kỳ ca nghi nhiễm Ebola nào, khử trùng toàn bộ sân bay và các khu vực nơi có người bị nghi đã tiếp xúc với virus. Các màn hình đo thân nhiệt cũng được triển khai tại các khu vực xuất nhập cảnh ở Nigeria.
Giới chức y tế Nigeria đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau, bao gồm lịch sử các cuộc gọi điện thoại và danh sách hành khách đi máy bay để xác định gần 900 người có thể đã tiếp xúc với Ebola thông qua bệnh nhân số 0 Sawyer hoặc những người bị nhiễm virus từ ông này.
Tất cả 900 người này được theo dõi triệu chứng trong 21 ngày. Trong khoảng thời gian trên, những người này được yêu cầu tới gặp nhà chức trách 2 lần trong một ngày để cập nhật tình hình sức khỏe. Những ai phát triệu chứng Ebola hoặc không tới gặp nhà chức trách để cập nhật thông tin sẽ bị nhà chức trách tới tới tận nơi để kiểm tra.
Ngay khi có một ai đó phát triệu chứng cho thấy khả năng nhiễm bệnh, họ sẽ ngay lập tức được đưa tới cách ly tại cơ sở điều trị Ebola mà chưa cần đợi tới có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Trong quá trình theo dõi những người có tiếp xúc với Ebola, giới chức Nigeria đã thực hiện tổng cộng 18.500 cuộc gặp mặt trực tiếp với những người này.
Ngoài việc theo dõi và khoanh vùng nói trên, Nigeria cũng áp dụng một quy trình phản ứng có tổ chức cao và khoa học đối với căn bệnh nguy hiểm. Các quan chức tham gia hoạt động phản ứng khẩn cấp được tiếp cận với các nguồn lực tốt, và nhiều người trong số họ có nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát các căn bệnh lây lan mạnh như bại liệt.
Cuối cùng, Nigeria có tổng cộng 19 ca nhiễm Ebola, đều có liên quan tới bệnh nhân số 0 Sawyer. Trong vòng hơn 1 tháng qua, nước này không có thêm ca nhiễm Ebola mới nào, và đã được công bố chính thức thoát khỏi trận dịch nguy hiểm.
Vì sao Ebola vẫn lây lan mạnh tại nhiều nước?
Các nước Sierra Leone, Liberia và Guinea không có đủ phương tiện để thực hiện quy trình ngăn chặn virus phát tán với quy mô và mức độ như Nigeria đã làm. Một số lượng ít ỏi nhân viên y tế ở các nước này đang chật vật với việc chăm sóc các bệnh nhân Ebola, trong khi mỗi tuần có thêm hàng trăm ca nhiễm mới.
Theo một bài báo gần đây của tờ New York Times, y tá ở nhiều bệnh viện tại Tây Phi được đào tạo và trang bị hết sức sơ sài về phòng chống Ebola, trong khi nhiều bệnh nhân qua đời trong tình trạng “bị vây quanh bởi vô số chất thải có nguy cơ làm lây bệnh”.
Thậm chí, một số bệnh viện còn thiếu nước, thiếu xà phòng và các chất tẩy rửa khác cần thiết để khử trùng.
WHO nói rằng, nếu không thiết lập được phản ứng toàn cầu với Ebola trong vòng 60 ngày, sẽ còn có thêm nhiều người chết vì căn bệnh này.
>> Tốc độ lây lan của dịch Ebola ở Tây Phi tăng gần gấp đôi
Theo Diệp Vũ