Những nỗi buồn của Na Uy
Thời kỳ thuận buồm xuôi gió đã qua đi, đây chính là lúc Na Uy phải tìm ra lối đi mới.
Na Uy đi theo chủ nghĩa tư bản nhưng lại có các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Đất nước này là một ông lớn trên bản đồ dầu mỏ thế giới nhưng lại tránh được việc tiêu xài phô trương.
Nhiều thập kỷ nay, mô hình kinh tế đặc biệt này đã giúp Na Uy phát triển vững mạnh. Năm 1970, Na Uy chỉ là nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình của châu Âu. Ngày nay, người Na Uy giàu hơn bất cứ người dân châu Âu nào, chỉ trừ người Luxembourge.
Thế nhưng mô hình ấy đang bắt đầu rệu rã.
Sự trỗi dậy của Na Uy bắt đầu từ năm 1971, khi họ khai thác được những giọt dầu đầu tiên. Ngành công nghiệp năng lượng từng bước đưa sự thịnh vượng chảy vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế Na Uy, biến Bergen từ một làng chài thành trung tâm công nghiệp, tạo nên những công ty nổi tiếng trong ngành dầu khí thế giới.
Sự thịnh vượng lên đến tột đỉnh khi giá dầu tăng vọt từ mức 10 USD tại thời điểm cuối những năm 1990 lên mức gần 150 USD vào năm 2008. Dầu khí hiện đóng góp tới 1/4 GDP của Na Uy và gần một nửa kim ngạch xuất khẩu.
Hiểm họa từ giá dầu
Thế nhưng giá dầu giảm xuống còn 50 USD/thùng đang khiến mọi thứ bị đảo ngược. Tập đoàn dầu khí quốc gia Statoil phải chứng kiến lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Các công ty dầu khí đã cắt giảm 10% nhân lực và con số được dự đoán có thể lên tới 20%. Tồi tệ hơn, sự nổi lên của công nghệ fracking đang đe dọa đất nước vốn rất giỏi trong việc sản xuất ra các thiết bị dùng để khai thác dầu từ những vùng biển sâu.
Giá dầu lao dốc khiến mô hình kinh tế Na Uy bộc lộ 2 điểm yếu.
Thứ nhất là cơ chế quan liêu có gốc rễ từ mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước. Chính phủ nước này kiểm soát khoảng 40% thị trường chứng khoán. Nhà nước là cổ đông lớn của tập đoàn viễn thông Telenor, tập đoàn nhôm Norsk Hydro, công ty phân bón Yara, ngân hàng DNB hay tập đoàn dầu khí Statoil.
Điều này tạo nên loại văn hóa doanh nghiệp đơn điệu. Người Na Uy luôn tự hào rằng họ dẫn đầu phong trào đa dạng hóa doanh nghiệp của thế giới khi các công ty ở đây bắt buộc phải dành 40% số ghế trong hội đồng quản trị cho phụ nữ. Tuy nhiên bình đẳng giới không thể cải thiện tình trạng đơn điệu về văn hóa. Rất nhiều doanh nhân thành công nhất ở đây xuất thân từ trường Kinh tế Na Uy và luôn sát cánh bên nhau.
Điểm yếu thứ hai nằm ở gánh nặng xã hội quá lớn. 33% lực lượng lao động làm việc trong khu vực công, so với mức trung bình 19% của các nước OECD. Hầu hết mọi người đều chỉ làm việc 37 giờ mỗi tuần và kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài đến 3 ngày là điều thường thấy. Năm 2011, Na Uy giành 3,9% GDP chi cho trợ cấp tàn tật và cho những người nghỉ hưu sớm, trong khi mức trung bình của nhóm OECD chỉ là 2,2%.
Có lẽ quỹ Pension Fund Global là ví dụ ấn tượng nhất trên thế giới khi nói về tầm nhìn xa của các Chính phủ phương Tây. Thay vì phung phí những đồng tiền kiếm được từ dầu mỏ như một số quốc gia khác, Na Uy đổ hết vào một quỹ đầu tư quốc gia hiện đang có quy mô lớn nhất thế giới với tài sản 873 tỷ USD.
Mô hình hấp dẫn của Thụy Điển
Dẫu vậy dầu mỏ không phải là tất cả. Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo với kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Đây là con số khá lớn đối với một đất nước chỉ có 5 triệu người.
Thomas Farstad, ông chủ của Norway Seafoods là một công ty buôn bán thủy sản tư nhân, nói rằng việc Na Uy từ chối tham gia Liên minh châu Âu đã gây khó cho hoạt động kinh doanh của ông. Các công ty thủy sản ở Na Uy buộc phải tập trung vào khối lượng vì họ phải chịu mức thuế cao khi xuất khẩu cá đã qua chế biến sang thị trường EU. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là họ có thể tự do phát triển ngành thủy sản được cho là đang khỏe mạnh hơn bao giờ hết.
Những ngư dân truyền thống đã từng bước tiến xa hơn trên chuỗi giá trị, sử dụng các công nghệ tiên tiến để đánh bắt ở những vùng biển sâu, đem về những sản phẩm có giá trị thặng dư cao.
Na Uy cũng sản sinh ra nhiều doanh nhân xuất sắc. Có thể kể đến những cái tên như John Fredriksen hoạt động trong ngành đóng tàu và vận tải biển, Kjell Inge Rokke trong lĩnh vực bất động sản và dịch vụ dầu khí hay Bjorn Kjos của ngành hàng không. Những người này đã bắt đầu sự nghiệp với “hai bàn tay trắng” nhưng giờ đây đang cạnh tranh mạnh mẽ với thành phần doanh nghiệp nhà nước.
Rokke chỉ là một người đánh cá bỏ học giữa chừng, Fredriksen là con trai của một người thợ hàn trong khi gia đình của Kjos sở hữu một xưởng cưa ở thị trấn nhỏ. Họ đã phá vỡ những quy định chặt chẽ bao trùm đời sống của người dân Na Uy trước đó. Fredriksen sống ở London và có hộ chiếu đảo Síp.
Rokke sử dụng những cấu trúc tài chính phức tạp để biến một xưởng đóng tàu xập xệ ở Oslo thành khu mua sắm nhộn nhịp. Còn Kjos đã chống lại những nghiệp đoàn hùng mạnh của Na Uy khi sử dụng phi hành đoàn người Tây Ban Nha cho hãng hàng không của mình. Norwegian Air hoạt động hiệu quả hơn đối thủ SAS và cũng nhận được phản hồi tốt hơn từ các khách hàng.
Với giá dầu chưa có dấu hiệu hồi phục như hiện nay, điều quan trọng nhất là Na Uy phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, đồng thời cải cách các doanh nghiệp nhà nước cũng như hệ thống phúc lợi.
Thông thường thời kỳ gian khó sẽ giúp nảy sinh những ý tưởng táo bạo và có hiệu quả cao. Na Uy khá may mắn vì có thể học được nhiều điều từ quá trình cải cách sâu rộng của những nước láng giềng mà đặc biệt là Thụy Điển. Nước này đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế khi cho phép các doanh nghiệp tư nhân điều hành các trường học, bệnh viện và phòng khám, đồng thời cắt giảm gánh nặng thuế.
Trong suốt thời kỳ giá dầu thăng hoa, từng có nhiều người Thụy Điển trẻ tuổi nhập cư vào Na Uy để làm việc trong các quán bar và nhà hàng. Giờ đây cơ hội tốt nhất để Na Uy duy trì thịnh vượng chính là “nhập khẩu” không chỉ con người mà cả ý tưởng của Thụy Điển.