Những doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á: Cây cao vẫn lo bão lớn
Ngay cả những doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á vẫn đang gặp rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Trong khi cộng đồng ASEAN lại có rất nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chắc chắn khó khăn sẽ nhiều hơn bội phần.
Nội dung nổi bật:
- Việt Nam: 3 thách thức chính AEC mang lại là sản xuất hàng hóa, sự thay đổi chính sách và rủi ro của tỷ giá hối đoái
- Campuchia: Vấn đề chảy máu chất xám khi giới trẻ nước này hiện rất giỏi tiếng Anh nhưng kém tiếng Campuchia, trong khi các văn bản chính thức của nước này đều viết bằng tiếng Campuchia
- Indonesia: Đối mặt với tỷ lệ nữ không biết chữ cao và tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ lớn
- Thái Lan: Cuộc sống không có thách thức thì chán lắm
Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh
Chủ tịch HĐQT kiêm CEO CTCP Cơ điện lạnh (REE)
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Tôi thấy rằng nước chúng ta có nhiều cơ hội. Hiện chúng ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Chính phủ đã tạo ra rất nhiều cơ hội trong tất cả các lĩnh vực như xây dựng, hạ tầng cơ sở, sản xuất hàng hóa tiêu dùng... Đồng thời, tạo ra được khung pháp lý cùng với việc mở cửa nền kinh tế ra ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức.
1- Giá thành sản phẩm: Tất cả chúng ta sẽ thấy sự gia tăng khủng hoảng tại các nền kinh tế thế giới. Việc sản xuất hàng hóa, đặc biệt là giá sản phẩm ảnh hưởng rất nhiều đến các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này tác động nhiều hay ít còn phụ thuộc vào khả năng ứng phó của chúng ta.
2- Sự thay đổi trong chính sách: Nếu chúng ta muốn đầu tư ở quốc gia này, quốc gia khác, đôi khi sự thay đổi chính sách của quốc gia đấy ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của chúng ta (Chúng tôi gọi là rủi ro trong đầu tư). Khi quyết định đầu tư ở đâu đó chúng ta phải thận trọng trong sự thay đổi chính sách.
3- Rủi ro trong tỷ giá hối đoái: Rất nhiều các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc có sự dao động rất lớn. Chúng tôi đã làm với các đối tác Nhật Bản trong nhà thầu, xây dựng. Khi ký hợp đồng với các nhà thầu Nhật Bản, phần lớn chúng tôi mua sản phẩm bằng tiền USD. Sự trượt giá ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tiền đầu tư như vậy, khiến chúng ta có thể mất đi nguồn tiền. Chúng ta phải lường trước được biến động về tỷ giá hối đoái để giảm thiểu rủi ro trong tổng vốn đầu tư trong các hợp đồng ký kết với các đối tác nước ngoài.
Đó là một số rủi ro, cũng là thách thức mà chúng ta phải nhìn nhận khi chúng ta hội nhập đầy đủ vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đặc biệt là công ty của chúng tôi liên quan đến cơ điện – một ngành khá rủi ro.
"Thách thức khi giới trẻ Campuchia giỏi tiếng Anh và kém tiếng mẹ đẻ"
Bà Nivana Cheng
Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp nữ Campuchia
Bà Nivana Cheng. Ảnh: Facebook cá nhân.
Chúng tôi gặp nhiều thách thức hơn là các cơ hội chúng tôi có. Dù thế nào chăng nữa, nó cũng là 2 mặt của 1 vấn đề. Cuối cùng, nếu đạt được cái này thì chúng ta cũng sẽ phải hy sinh một cái kia.
Cái chúng tôi đang muốn hướng tới là thế hệ trẻ của Campuchia.
Giờ học sinh cấp 3 ở Campuchia nói tiếng Anh rất giỏi. Trong khi, hiện các tài liệu chính thức của nước tôi đang viết bằng tiếng Campuchia. Vấn đề là các cháu tiếng Anh giỏi nhưng tiếng Campuchia rất kém, đặc biệt các từ chuyên môn.
Thách thức của Campuchia là chảy máu lao động hay di cư lao động trong nội bộ ASEAN. Tôi nghĩ đối với một số ngành công nghiệp, khu vực tư nhân, hoặc khách sạn, nhà hàng, họ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tuyển dụng nhân sự vì lao động có thể sang Hàn Quốc, Thái Lan hay Malaysia làm việc hết rồi.
Tôi cũng nói với đồng nghiệp là tại sao không thu hút lao động từ Myanmar, Philippines sang Campuchia để làm. Họ có kỹ năng giỏi, tiếng Anh tốt, kỷ luật tốt... Chúng tôi mất đi lao động phổ thông, cứ coi như là mất mát, nhưng sao lại không nhận lao động từ Myanmar, Philippines? Thách thức luôn song hành cùng cơ hội khi chúng ta thành lập AEC.
Khi chúng tôi mở cửa kinh tế với AEC để các công ty của ASEAN vào Campuchia, các công ty nhỏ không thể nào cạnh tranh được. Nhưng đó cũng là cơ hội để chúng tôi lv chăm chỉ hơn nữa, để có thể có kinh nghiệm nhiều hơn, làm sao có tính cạnh tranh cao hơn nữa.
"Nữ doanh nhân Indonesia thường thiếu tự tin do tỷ lệ không biết chữ cao"
Bà Nita Yudi
Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Indonesia
Bà Nita Yudi. Ảnh: Tubasmedia.
Theo bà Nita, Indonesia gặp nhiều thách thức hơn các quốc gia khác, bao gồm:
1- Sự tự tin: Về mặt văn hóa, nữ doanh nhân Indonesia không tự tin lắm bởi các tác động về mặt văn hóa tại nước này. “Chúng tôi có tỷ lệ không biết chữ khá cao và trình độ học vấn ở phụ nữ khá thấp” – bà Nita cho biết. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ ở nước này rất lớn.
2- Các chính sách của Nhà nước đang tập trung vào các mảng có liên quan đến ngành điện, khiến cho các sản phẩm khác có giá thành cao.
3- Hạ tầng cơ sở: Tại Indonesia, vấn đề về tắc đường luôn là vấn đề đau đầu mà chưa giải quyết được. Tắc đường cũng làm chúng ta mất tiền bạc và thời gian hơn.
"Cuộc sống không có thách thức thì chán lắm"
TS. Wandee Khunchornyakong
Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Năng lượng Mặt trời (SPCG), Top 50 người giàu nhất Thái Lan do Forbes xếp hạng năm 2013
TS. Wandee Khunchornyakong – Top 50 tỷ phú giàu nhất Thái Lan do Forbes xếp hạng năm 2013. Ảnh: Forbes.
Tôi tin tưởng rằng cuộc sống không có thách thức thì chán lắm! Chúng ta sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm nay có đúng không? Như vậy, dù gặp thách thức lớn nào chúng ta cũng phải đương đầu với nó. Cái quan trọng là chúng ta cùng nhau phối hợp, cùng nhau làm cho khối của chúng ta thịnh vượng, vượt qua được vấn đề chung mà chúng ta gặp phải và chúng ta thực sự phải phối hợp với nhau để vượt qua vấn đề chung đó.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được, chúng ta tin vào khả năng của mình, tự tin là cùng nhau nếu phối hợp, chúng ta sẽ làm điều chúng ta muốn trở thành hiện thực.
>> Chủ tịch Sơn Hà: 'Hội nhập AEC, Việt Nam chưa thể có ngay nhiều tỷ phú'
Thanh Thủy (ghi)