Nhờ FTA, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng vọt

02/12/2014 09:18 AM |

Nếu cập nhật các chính sách mới như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, cải cách thủ tục hành chính... chỉ số này sẽ cao hơn so với báo cáo trong Sách Trắng 2015, Chủ tịch EuroCham cho biết.

Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam chính thức công bố Sách trắng 2015 –  Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu vào chiều ngày 1/12/2014.

Chỉ số môi trường kinh doanh tăng 50% so với năm 2013

Theo nghiên cứu hàng quý của EuroCham với các doanh nghiệp hội viên, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) có xu hướng rất khả quan, dựa vào dự báo những gì sẽ diễn ra, cũng như những nhận định đúng đắn về những gì đã xảy ra.

Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong Quý III/2014 đạt 74/100, tăng 50% so với năm 2013, cao thứ nhì so với những chỉ số từ trước tới nay, tiệm cận với mức cao những quý đầu tiên năm 2011. Trong ấn phẩm Sách Trắng trước, chỉ số BCI trong các Quý II, III, IV/2013 là 50 điểm. Quý I/2013 chỉ có 48 điểm.

EuroCham nhận định: Điểm BCI tăng đáng kể trong năm nay là do cộng đồng kinh doanh kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Liên minh Châu Âu (EU) – Việt Nam đang diễn ra. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy các vấn đề trong những tháng trước đây đã được cải thiện.

Ông Franz Jesssen – Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam – cho hay: “Doanh nghiệp Châu Âu đang đầu tư sang Việt Nam và họ muốn đầu tư hơn nữa. Để được như vậy thì Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư”.

“Tiến trình đàm phán FTA EU – Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong 2014. Chúng tôi nhận thấy đàm phán đã có bước tiến tích cực. FTA là cơ hội lớn hơn nữa để Việt Nam thực hiện cải cách của mình và cải thiện môi trường đầu tư”.

Bên cạnh FTA, các yếu tố khác cũng góp phần cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

“So với chỉ số trước đây, chúng ta thấy tình trạng lạm phát cao là một nguy cơ được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay lạm phát đã được kiểm soát hiệu quả. Chỉ số cạnh tranh của Việt Nam cũng được cải thiện trên toàn cầu thông qua quy định của Chính phủ. Chính phủ cũng đã có lộ trình xây dựng luật minh bạch hơn, chưa kể các cải thiện về thuế”, bà Nicola Connolly – Chủ tịch EuroCham – bổ sung.

“Cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng mạnh mẽ hơn. Đó là các yếu tố tôi cho là đóng góp tích cực để cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh này”.

“Tốc độ thay đổi văn bản thuế trong mấy tháng cao hơn mấy năm trước cộng lại”

Ông Thomas McClelland – Chủ tịch Hội đồng lĩnh vực Thuế - cho rằng có rất nhiều tích cực đã ghi nhận trong năm vừa qua.

“Chúng tôi soạn sách trắng khi Chính phủ chưa thực hiện một số cải thiện nên chưa phản ánh đầy đủ các thay đổi tích cực... Trong mấy tháng vừa rồi, tốc độ thay đổi các văn bản pháp luật thuế cũng như chính sách thuế rất lớn, nhiều hơn mấy năm trước cộng lại”, ông Thomas lạc quan.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch EuroCham cho rằng nếu cập nhật các chính sách mới như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, cải cách thủ tục hành chính... chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khác.

Các cải cách nói trên sẽ được EuroCham đánh giá vào tháng 1/2015. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ cao hơn so với chỉ số được báo cáo trước đó, Chủ tịch EuroCham cho biết.

“Trong Sách Trắng 2015, một số tiểu ban đã phải viết lại 50% các chương đã viết năm ngoái. Một mặt chúng tôi ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã có cải thiện tích cực. Một mặt thể hiện Eurocham đã rất nghiêm túc trong việc đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam” – bà Nicola nhận định.

Sách trắng 2015 tóm tắt các vấn đề then chốt của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam gửi tới Chính phủ Việt Nam. Sách Trắng đề cập đến nhiều lĩnh vực chính mà gần 800 doanh nghiệp hội viên EuroCham đang hoạt động, bao gồm cả các ngành nông nghiệp, an toàn thực phẩm, tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin, du lịch và khách sạn.

Sách Trắng cũng nêu lên một vài quan ngại của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam là tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và việc thực hiện các khuôn khổ pháp lý. Các doanh nghiệp hội viên thường phải đối mặt với nhiều trở ngại do thiếu sự thực hiện hoặc không rõ ràng trong tiến trình và các yêu cầu pháp lý.

Giáo dục, đào tạo và sự sẵn có của lực lượng lao động có tay nghề cao vẫn là một trở ngại trong nhiều ngành nghề. Việc ký kết FTA giữa Việt Nam và EU và những dự đoán phát triển trong thương mại và đầu tư sẽ đi kèm với yêu cầu lao động tay nghề cao. Theo đó, việc công nhận tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ giúp loại bỏ rào cản đối với thương mại và đầu tư cho nhiều ngành nghề.

 

>> Doanh nhân Lê Phước Vũ: ‘Muốn làm triệu phú, hãy về Việt Nam!’

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM