Doanh nghiệp dễ kiếm lời khi 'yêu' xã hội và môi trường?
Khi một doanh nghiệp kết hợp hài hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, đạo đức và xã hội để vừa đạt năng suất tối đa, vừa thực hiện được trách nhiệm xã hội trong dài hạn, doanh nghiệp đó được coi là phát triển bền vững.
Sự bền vững đang là đề tài được các công ty trên thế giới quan tâm. Nhiều công ty nhận ra rằng những phương thức kinh doanh truyền thống không còn hiệu quả như trước nữa. Do đó, họ phải chuyển sang tìm kiếm một cách kinh doanh tốt hơn.
Tổng quan
Hãy xem xét những số liệu sau:
Trong số các giám đốc điều hành tham gia khảo sát, 76% cho rằng sự bền vững có những đóng góp tích cực đối với giá trị cổ đông trong dài hạn, và 50% thấy được những giá trị ngắn hạn tính bền vững mang lại.
Tại Mỹ, cứ 9 USD chi phí quản lý thì có 1 USD được dùng cho hoạt động đầu tư vì mục đích xã hội.
Hơn 2.600 tổ chức sử dụng Hướng dẫn GRI (Global Reporting Initiative - Sáng kiến Báo cáo toàn cầu) để thực hiện báo cáo phát triển bền vững trong năm 2010.
Hơn 3.000 tổ chức tự nguyện nộp dữ liệu liên quan đến khí thải nhà kính lên CDP (Carbon Disclosure Project - Dự án kiểm soát khí thải carbon) năm 2010.
Để đạt được sự bền vững, các công ty phải xét đến nhu cầu của tất cả những bên liên quan bao gồm khách hàng, nhân viên, cổ đông, và dân cư nơi họ đang hoạt động. Điều hành một công ty thực hiện đúng trách nhiệm xã hội, cải tiến năng suất và tăng lợi nhuận là những triển vọng tính bền vững mang lại.
Công ty sẽ gặp nhiều thách thức như kết hợp các mục tiêu phát triển bền vững với văn hóa doanh nghiệp, đưa ra những quyết định mới, thay đổi cách vận hành và nguyên vật liệu. Ngoài ra, họ cũng phải bổ sung các vị trí nhân viên mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững được thực thi, quản lý và theo dõi sát sao.
Những lợi ích tiềm năng từ việc phát triển bền vững
Tại sao lại có nhiều công ty đầu tư cho tương lai bằng cách triển khai những hoạt động kinh doanh bền vững như vậy? Họ thấy lợi ích gì từ việc này?
Câu trả lời là khi thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bạn có thể thu được không ít ích lợi:
Giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh
Tăng hiệu quả hoạt động
Nâng cao sự an toàn cho công nhân
Giảm lượng chất thải
Cải thiện quan hệ với cộng đồng theo hướng tích cực
Tăng năng suất làm việc của công nhân
Khuyến khích đổi mới trong nội bộ công ty
Ví dụ thực tế về việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững
Trung tâm Đánh giá Công nghiệp NCSU và Dịch vụ Mở rộng Công nghiệp NC State đã cùng hợp tác để cung cấp cho Besam những khảo sát về năng lượng, chất thải và năng suất.
Theo đó, hãng này thực hiện một số cải cách như thay thế đèn Metal Halide với các thiết bị huỳnh quang, lắp đặt đèn hiệu suất cao và các đệm điện tử, giảm áp suất máy nén không khí và sửa chữa sự cố rò rỉ khí nén. Các nỗ lực trên đã giúp Besam tiết kiêm được tổng cộng 233.555 kWh/25.776 USD.
Những lo ngại xung quanh vấn đề phát triển bền vững
Chi phí thực hiện các hoạt động phát triển bền vững có thể rất tốn kém. Nhiều trường hợp các dữ liệu cần thiết để tính toán hiệu quả của chương trình lại không có sẵn. Các công ty sẽ phải tuyển thêm nhân viên chuyên tính toán mức độ hiệu quả của tính bền vững.
Chưa kể các chỉ số đo lường có thể rất phức tạp và rắc rối. Ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng người tiêu dùng sẽ phản ứng tích cực với những nỗ lực phát triển bền vững này.
Chuyên gia tư vấn tại B2B John White khuyên bạn nên đặt ra các câu hỏi sau:
Làm thế nào bạn biết được trước tiên nên đầu tư tài nguyên vào đâu? Công việc đo lường và những tài nguyên phục vụ cho sự phát triển bền vững có làm giảm hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề trước mắt hay không?
Nhiều công ty lo ngại rằng việc phát triển bền vững hay đầu tư cho tương lai sẽ khiến họ phải chịu nhiều thiệt hại trong ngắn hạn. Những lợi ích dài hạn có thể bị ảnh hưởng bởi việc lợi nhuận trước mắt giảm sút.
Nhân viên phải được đào tạo để thực hiện các hoạt động phát triển bền vững. Đào tạo một kỹ năng mới cho nhân viên rất tốn kém vì công ty vừa tốn chi phí cho chương trình đào tạo, vừa phải chấp nhận sản lượng giảm do nhiều nhân viên tạm dừng làm việc để tham gia khóa đào tạo.
Làm thế nào để áp dụng một chương trình phát triển bền vững?
Đa số công ty không có sẵn những nhân viên chuyên về hoạt động phát triển bền vững. Do vậy, tham khảo chuyên gia bên ngoài là điều cần thiết. Nhờ một công ty độc lập về phát triển bền vững tư vấn sẽ giúp bạn lập kế hoạch và thực hiện các giải pháp bền vững cho doanh nghiệp của mình. Hơn nữa, tất cả những điều này sẽ nằm trong giới hạn ngân sách công ty và giúp bạn giải quyết những nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp cũng như mục tiêu tương lai.
Một số lời khuyên về kế hoạch phát triển bền vững
Với những công ty đang có lợi nhuận giảm, phải cạnh tranh với nhều đối thủ trong khi nhu cầu thị trường liên tục thay đổi, John White khuyên họ nên cân nhắc đến việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Do nhiều đối thủ cạnh tranh xuất hiện, bạn cần tăng cường đổi mới để có thể tiếp tục đứng vững trên thị trường. Một kế hoạch phát triển bền vững sẽ giúp công ty đổi mới và cho phép bạn bắt kịp với thị trường dù nhu cầu liên tục thay đổi theo thời gian.
Mọi công ty đều cần tự xem xét lại và đánh giá toàn diện quy trình hoạt động của mình để tìm ra những phương thức kinh doanh mới tiết kiệm chi phí hơn. John White cho biết, ông tin rằng lợi ích gặt hái được trong tương lai từ việc thực hiện những hoạt động phát triển bền vững sẽ vượt xa các tổn thất ngắn hạn.
>> Doanh nghiệp làm trách nhiệm xã hội: 'Vừa có tiếng vừa có miếng'
Thu Thảo