Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc muốn nhập khẩu thực phẩm, thuỷ sản…của Việt Nam

06/12/2014 09:22 AM |

Tại hội thảo giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc diễn ra cả ngày 5/12, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã bày tỏ muốn được hợp tác nhiều lĩnh vực hơn nữa với doanh nghiệp Việt.

Theo đó, các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hàn Quốc muốn hợp tác kinh doanh gồm:

Về nhập khẩu, doanh nghiệp Hàn Quốc muốn nhập khẩu kim loại (nhôm, đồng), hoá chất (vô cơ, hữu cơ), nhựa, cao su, than; các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng, thảo dược, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ; thuỷ sản như các loại tôm, cá phi lê…

Đặc biệt, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn muốn nhập thực phẩm của Việt Nam. Cụ thể, phía Hàn Quốc muốn nhập các nguyên liệu thực phẩm, chả tôm, sản phẩm từ sữa, lúa mạch, dầu ăn, thực phẩm chế biến, thực phẩm hữu cơ, đồ uống có cồn, bột mỳ, bột lúa mạch, thịt hộp, đậu nành, cà phê, hạt tiêu đen, oha quả, kẹp, đường trắng…

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu xuất khẩu các nhóm hàng sau: Máy phát điện, máy nén khí, hệ thống tiết kiệm năng lượng; chất bán dẫn; dầu nhờn; thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ…

Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Tae yong Shinn, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) cho biết KOIMA có hơn 8000 doanh nghiệp thành viên đã từng có nhiều hợp tác trước đó với doanh nghiệp Việt.

Ông Shinn cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất muốn được hợp tác sâu rộng, nhiều lĩnh vực với doanh nghiệp Việt. Lần này các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Hà Nội nhằm tìm hiểu thị trường, đánh giá tiềm năng và thiết lập quan hệ thương mại với các doanh nghiệp trong nước.

Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao quan hệ hợp tác thương mại đã đạt được trong thời gian qua.

Cụ thể, riêng trong 10 tháng năm 2014, Hàn Quốc đã đầu tư 415 dự án mới và có 129 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 3,6 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

Hiện nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 11/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong 10 tháng năm 2014, đa phần các dự án của Hàn Quốc tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Hàn Quốc đã có 271 dự án cấp mới và 106 dự án tăng vốn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn cấp mới và tăng vốn trong lĩnh vực này là 3,07 tỷ USD, chiếm 85,1% tổng vốn đăng ký của Hàn Quốc tại Việt Nam. Tiếp đó là ngành kinh doanh bất động sản, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng chiếm tỷ trọng tương đối.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tính đến hết hết tháng 10/2014, Hàn Quốc  đã có 4020 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 33,4 tỷ USD và xếp thứ 2/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam (chiếm 23% tổng số dự án và 13,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam). 

"Có thể nói tiềm năng hợp tác giao thương giữa Việt Nam-Hà Quốc là rất lớn. Hiện nay các quan hệ thương mại giữa hai nước đang được điều chỉnh bởi nhiều các hiệp định thương mại. Sắp tới Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đi tới kí kết sẽ tạo ra nhiều đột phá mới trong quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu.

Trong khi đó, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á- Thái Bình Dương dự báo năm 2015 tới đây là năm quan trọng với Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và bắt đầu kế hoạch 5 năm phát triển, tầm nhìn đến năm 2020.

Ông Hải cho rằng đây là cơ hội rất tốt để các bạn Hàn Quốc đến Việt Nam đầu tư. Đồng thời, ông Hải cho biết có nhiều nhóm ngành hàng xuất khẩu tốt vào Hàn Quốc như: dệt may, thực phẩm… mà doanh nghiệp Việt cần nhanh nhạy và nắm bắt.

"Việt Nam có nhiều thế mạnh xuất khẩu, giữ nhiều thứ hạng trên thế giới về các mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu,... đây là nhóm hàng mà nhiều nhà nhập khẩu Hàn Quốc quan tâm”, ông Hải cho biết.

>> Lãnh đạo Samsung: 'Tôi tự hào mình là người có 50% là Việt Nam, 50% là Hàn Quốc'

Theo Hướng Dương

Cùng chuyên mục
XEM