Người Việt chi bạo tay mua ô tô, smart phone
Nghiên cứu mới nhất cho thấy, có tới 59% trong số 90% dân số Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh, 1,5% có ô tô, 0,9% muốn mua ô tô và 17% sử dụng máy tính bảng...
Hiện có 59% trong số 90% dân số sở hữu điện thoại thông minh, 1,5% có ô tô và 0,9% muốn mua ô tô, 17% sử dụng máy tính bảng...
Đó là lời kết quả nghiên cứu do ông Debnath Guharoy, Giám đốc khu vực châu Á, hãng nghiên cứu Roy Morgan phối hợp với ngân hàng ANZ Việt Nam thực hiện về chỉ số niềm tin tiêu dùng tại 07 thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, Đồng Hới.
Dân số Việt Nam tương đối trẻ, 1/3 dưới 20 tuổi (khoảng 30 triệu dân), hai phần ba của số dân còn lại ở độ tuổi dưới 35 (gần 40 triệu dân). Lực lượng lao động Việt Nam tiếp tục tăng trong 20 năm tới, sẽ tăng lên gần 60 triệu vào năm 2035.
Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng 15% kể từ năm 1990, hiện đang là gần 2.000 USD, riêng các thành phố lớn từ 3.500 - 4.500 USD. Dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng 4 lần vào năm 2050.
Chính những đặc điểm về thu nhập gia tăng, dân số trẻ quyết định chi tiêu của người dân Việt Nam.
Theo ông Glenn Maguire, Chủ tịch kinh tế châu Á- Thái Bình Dương, ANZ, người Việt Nam có niềm tin hầu như tuyệt đối rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Đây là mức lạc quan rất cao, làm cho bức tranh về chi tiêu tiêu dùng ở Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn.
Hiện nhu cầu sử hữu các phương tiện đi lại và các vật dụng cơ bản có hàm lượng công nghệ cao trong các gia đình Việt Nam vẫn có nhu cầu rất lớn. Đây chính là chỉ số rất có ích cho các DN kinh doanh tại Việt Nam.
Theo khảo sát của ANZ, hiện có đến 98% số hộ dân Việt Nam có xe máy, gần 65% có xe đạp và chỉ có 1,5% có ô tô.
Tuy nhiên, khi được hỏi ý kiến về mong muốn về dư định mua xe trong thời gian tới thì có gần 9% hộ gia đình muốn mua xe máy, chỉ có 0,9% là muốn mua ô tô. Ông Debnath Guharoy, Giám đốc khu vực Châu Á, hãng nghiên cứu Roy Morgan, cho biết theo kinh nghiệm thì ý định mua xe hơi cho đến khi thực hiện chỉ bằng một nửa so với con số đưa ra.
Đối với các sản phẩm là đồ gia dụng thì hầu như các gia đình thành thị ở Việt Nam đều đã có ti vi (99%) và tủ lạnh (94%), nhưng nhu cầu này tiếp tục tăng gần 6,5% trong vòng 12 tháng tới đối với ti vi và 3,5% đối với mặt hàng tủ lạnh.
Đặc biệt, người dân Việt Nam có mức độ sính những tài sản công nghệ cao như: điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Hiện có đến 90% hộ gia đình Việt Nam có điện thoại di động, nhưng có đến 59% có điện thoại thông minh, 57% có máy tính hoặc laptop và 17% có máy tính bảng.
Tuy nhiên, con số người dân muốn sở hữu những vật dụng công nghệ thông minh trong thời gian tới khá cao. Có đến gần 11% muốn mua điện thoại thông minh, 9,1% muốn có máy tính bảng, 8,4% muốn có máy tính hoặc laptop và chỉ có 4,6% muốn mua điện thoại di động bình thường.
Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân Việt Nam rất thấp, cũng như các tài sản tài chính được người dân Việt Nam sở hữu rất ít, chẳng hạn tài khoản tiết kiệm ngân hàng.
Cứ trong 10 hộ gia đình thì chỉ có khoảng trên 3 hộ gia đình có tài khoản tại ngân hàng, chỉ có 1,2% có liên quan đến vay mua bất động sản và cũng chỉ 0,6% có vay các khoản khác tại ngân hàng.
Và dự báo trong vòng 01 năm tới thì nhu cầu này của người dân đối với lĩnh vực này cũng chỉ tăng 3% đối với tài khoản ngân hàng, tăng 0,2% muốn vay mua BĐS và 0,1% vay khác.