Người dân Ukraine đổ xô đi bán đồng nội tệ hryvnia để mua USD

24/11/2015 07:49 AM |

Đồng nội tệ hryvnia của Ukraine tiếp tục mất giá kỷ lục sau khi đã giảm gần như hàng ngày trong tuần trước. Lo ngại trước tình hình trên, người dân đổ xô đi bán hryvnia, mua ngoại tệ, chủ yếu là đồng USD.

Đồng nội tệ hryvnia của Ukraine tiếp tục mất giá kỷ lục sau khi đã giảm gần như hàng ngày trong tuần trước.

Lo ngại trước tình hình trên, người dân đổ xô đi bán hryvnia, mua ngoại tệ, chủ yếu là đồng USD.

Theo số liệu của trang mạng finance.ua, khoảng 60% người Ukraine muốn mua USD, nhưng chỉ 40% muốn bán.

Tỷ giá do Ngân hàng Trung ương Ukraine quy định ngày 23/11 là 23,9 hryvnia/USD, nhưng trên thị trường chợ đen đồng USD được bán với giá 25,2 hryvnia/USD.

Trong khi đó, mới chỉ hai tuần trước đây, có thể mua USD trên thị trường chợ đen ở mức 22,5-22,8 hryvnia/USD.

Những nguyên nhân khiến đồng tiền Ukraine mất giá là tâm lý lo ngại rằng sau các cuộc bầu cử địa phương (vòng 2 diễn ra ngày 15/11), chính phủ sẽ chấm dứt hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.

Bởi vậy một bộ phận đáng kể người Ukraine đã tìm cách chuyển tất cả tiền tiết kiệm thành đồng ngoại tệ.

Áp lực lên đồng hryvnia còn do việc những người gửi tiền tại 2 ngân hàng phá sản Delta và "Tài chính và tín dụng" bắt đầu được nhận lại tiền với tổng cộng khoảng 18 tỷ hryvnia.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Ukraine lại trì hoãn việc chuyển ngoại tệ về nước. Phần lớn có tâm lý mong chờ tỷ giá cao mới bán số ngoại tệ thu được.

Lý do là ngân sách năm 2016 của Ukraine dựa trên tỷ giá 24,1 hryvnia/USD, thấp hơn mức giá chợ đen hiện tại.

Lý do thứ ba là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn chưa giải ngân đợt tiếp theo 1,6 tỷ USD cho Ukraine dù theo kế hoạch, khoản tiền này phải được giải ngân trong quý 4/2015.

Dù tích cực can thiệp trên thị trường, song Ngân hàng Trung ương Ukraine vẫn không ngăn nổi tâm lý sợ hãi.

Trong tuần qua ngân hàng này đã tổ chức 4 cuộc đấu giá và bán ra 54,8 triệu USD.

Đồng nội tệ mất giá khiến giá thực phẩm tại Ukraine cũng thay đổi từng ngày, và dự báo tình trạng này sẽ kéo dài tới tận cuối năm.

Các nhà sản xuất sữa đã cảnh báo về việc tăng giá bán trước khi kết thúc năm ở mức 5-10%, thịt tăng 15-20%, bánh mì tăng 10-15%, rau quả và trái cây tăng 20-25%.

Cùng chuyên mục
XEM