Ngừng cấp phép cho các trò chơi trực tuyến: Doanh nghiệp nội lâm nguy

09/05/2014 20:00 PM |

Việc ngừng cấp phép vừa không có tác dụng ngăn chặn nhưng mặt khác, lại đẩy các doanh nghiệp "nội" vào tình trạng phát hành game không phép.

Đó là đề xuất được các cơ quan quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2014 do Bộ Thông và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội ngày 7/5. Với đề xuất trên, một lần nữa vấn đề cấp phép và quản lý game online lại được xới lên, buộc cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng tìm giải pháp để cứu nguy cho doanh nghiệp (DN) game trong nước.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, thực tế là từ năm 2010, trước sự bức xúc của cộng đồng xã hội về mặt trái của các trò chơi trực tuyến (game online), Bộ TT&TT đã tạm ngừng cấp phép cho các trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, việc ngừng cấp phép kéo dài đã đẩy các DN làm game trong nước vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, thậm chí để tồn tại và nuôi bộ máy với hàng trăm con người, nhiều DN trong nước đã phải chấp nhận… vi phạm bằng cách phát hành game “lậu”.

Bằng chứng là mặc dù đã ngừng cấp phép gần 3 năm, nhưng thị trường game vẫn sôi động. Vì thực tế, ngoài con số gần 70 game do các DN trong nước phát hành được cấp phép từ trước, người chơi trong nước được tiếp cận tới hơn 200 game trên mạng Internet, chưa kể đến hàng nghìn game có sẵn trên các mạng xã hội, smartphone…

Như vậy, có thể thấy việc ngừng cấp phép vừa không có tác dụng ngăn chặn nhưng mặt khác, lại đẩy các DN "nội" vào tình trạng phát hành game không phép. Thống kê sơ bộ cho thấy, đã có hàng chục DN bị xử phạt hành chính với số tiền lên tới hàng tỷ đồng, trong đó vi phạm phổ biến là phát hành game chưa được cấp phép. Cách làm này không chỉ khiến DN "nội" thiệt hại, Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo cơ hội cho DN game ngoại lũng đoạn thị trường, chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài. Trong khi đó, thống kê cho thấy ngành game đem lại doanh thu lớn, năm 2012 ước đạt 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7.500 người lao động và gián tiếp đem lại doanh thu tới 20.000 tỷ đồng cho dịch vụ giải khát, các nhà cung cấp máy tính, điện thoại.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng cho rằng: Cộng đồng DN làm game đang khẩn thiết mong Bộ TT&TT sớm triển khai hoạt động cấp phép để DN có thể hoạt động đúng quy định của pháp luật, bởi theo quy định hiện hành, kinh doanh không phép nếu có doanh thu quá 300 triệu đồng thì có thể bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, với nhiều quốc gia khác trên thế giới, game là một trong những lĩnh vực kinh tế đóng góp doanh thu lớn cho đất nước. Vì vậy, nếu DN game không phát triển được hoạt động sản xuất kinh doanh thì cũng sẽ hạn chế sự phát triển của cả ngành công nghiệp CNTT.

Ghi nhận những ý kiến, đề xuất nêu trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định: Chơi game là một nhu cầu của xã hội, game là một ngành kinh tế kỹ thuật, có mặt trái nhưng cũng có mặt tích cực. Cơ quan quản lý Nhà nước cần hạn chế mặt trái của game, nhưng mặt khác cũng vẫn phải phát huy tính tích cực của ngành kinh tế kỹ thuật có vai trò quan trọng này. Nếu cấm phát hành game nội thì người chơi vẫn có thể chơi các game ngoại, khi đó, nguồn tiền sẽ đổ từ Việt Nam ra nước ngoài.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng yêu cầu Cục Phát thanh - Truyền hình & Thông tin điện tử cần sớm có thông tư để quy định về vấn đề cấp phép cho game. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện lại hội đồng giám định game theo hướng bộ máy hội đồng giám định phải gọn nhẹ, hiệu quả, chất lượng để có thể thông qua game xin cấp phép một cách nhanh gọn; tạo điều kiện cho DN game trong nước phát triển, cạnh tranh bình đẳng với DN game ngoài nước.


Theo Huyền Thanh

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM