Ngành thủy sản “vỡ kế hoạch”

02/12/2015 16:38 PM |

Việc giảm 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015 khiến cho ngành thủy sản không thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hơn 8 tỷ USD. Nguyên nhân được nêu ra là do các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra… đang chịu sức ép lớn từ thị trường cũng như sức cạnh tranh kém.

Tôm hụt 1 tỷ USD

Dự báo đầu năm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản có thể đạt hơn 8 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay đã hết 11 tháng, mục tiêu này sẽ không thể đạt được. Thậm chí, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP còn dự báo, xuất khẩu thủy sản trong năm 2015 có thể giảm hơn 1 tỷ USD, ước đạt hơn 7 tỷ USD.

Nguyên nhân làm xuất khẩu thủy sản giảm 1 tỷ USD theo ông Hòe là do xuất khẩu tôm- sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản giảm so với năm ngoái. Nếu xuất khẩu tôm năm 2014 đạt hơn 4 tỷ USD thì năm nay con số này chỉ dừng lại ở 3 tỷ USD. Trên thực tế, ngành tôm năm gặp khó khăn từ giữa năm 2014 khi giá xuất khẩu đã giảm 30%, khiến cho doanh thu của ngành giảm.

Dự đoán giai đoạn cuối năm, nhu cầu thị trường có dấu hiệu nhích lên, giá xuất khẩu không tăng nhưng giá nguyên liệu trong nước lại tăng cao bởi nguyên liệu đã hết nên ảnh hưởng tới việc tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đánh giá về tình hình thị trường năm 2016, ông Hòe cho rằng, thị trường sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi các việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), tuy nhiên, ngành đang gặp một số khó khăn nhất định.

Cụ thể, hiện giá thành tôm Việt Nam đang đánh mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt sau khi ngành tôm của Indonesia tăng trưởng mạnh với giá thành cạnh tranh. “Vấn đề xuyên suốt vẫn là giá thành, làm sao có giá thành cạnh tranh, hay nói cách khác là để người dân duy trì vấn đề nuôi và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất, xuất khẩu”, ông Hòe nói.

Nguyên nhân làm xuất khẩu thủy sản giảm 1 tỷ USD theo ông Hòe là do xuất khẩu tôm- sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản giảm so với năm ngoái. Nếu xuất khẩu tôm năm 2014 đạt hơn 4 tỷ USD thì năm nay con số này chỉ dừng lại ở 3 tỷ USD. Trên thực tế, ngành tôm năm gặp khó khăn từ giữa năm 2014 khi giá xuất khẩu đã giảm 30%, khiến cho doanh thu của ngành giảm.

Vì vậy, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu như xúc tiến thương mại, hỗ trợ thị trường, thuế quan, rào cản thương mại, thì một vấn đề khác cũng quan trọng là phải giảm giá thành sản xuất và tăng cường kiểm soát kháng sinh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

VASEP kiến nghị, Bộ Công Thương cần có biện pháp quyết liệt hơn trong việc kiểm soát chất lượng, giá cả của yếu tố đầu vào như thức ăn, chế phẩm phục vụ nuôi tôm, đặc biệt là vấn đề đối với các loại kháng sinh… đảm bảo giúp người nông dân tiếp cận các yếu tố đầu vào với giá thật từ đó có điều kiện giảm giá thành góp phần làm khả năng cạnh tranh con tôm tốt hơn.

Cá tra “mắc lưới”

Không chỉ con tôm gặp khó khăn mà con cá tra của Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Vị lãnh đạo VASEP cho hay, tuần qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ban hành các quy định về thanh tra cá da trơn, dự kiến có hiệu lực từ tháng 3-2016.

Chương trình thanh tra cá da trơn áp dụng cho các quốc gia có sản xuất các loài cá thuộc họ Siluriformes, trong đó có cá tra, basa của Việt Nam. Nhưng trên thực tế, chương trình này áp dụng chủ yếu cho Việt Nam bởi hiện Việt Nam đang chiếm 90% tổng lượng cá này xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Trong vòng 18 tháng kể từ khi quy định này có hiệu lực, Hoa Kỳ cho Việt Nam thời gian chuyển tiếp trên cơ sở xem xét các vấn đề tương đồng trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khả năng áp dụng điều kiện tương đồng là vấn đề rất khó khăn đối với Việt Nam.

“Việt Nam cần nhanh chóng đưa vụ việc này ra WTO bởi nếu đưa chậm hoặc chờ thời gian nghiên cứu vấn đề tương đồng rồi mới quyết định đưa ra WTO thì chúng ta sẽ mất thị trường, các sản phẩm thay thế sẽ vào thị trường Hoa Kỳ. Nếu chúng ta có thắng đi chăng nữa thì việc phục hồi lại thị trường rất khó khăn”, ông Hòe nói.

Do vậy, VASEP kiến nghị Bộ Công Thương sớm đưa ra các vấn đề này để kịp thời để giải quyết khó khăn cho ngành cá, giúp ngành cá ổn định.  Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, việc Hoa Kỳ đưa ra quyết định này thực chất là hình thức tạo ra rào cản kỹ thuật và vi phạm quy định của WTO.

Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT làm đầu mối phối hợp với Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Mỹ và Cục Quản lý cạnh tranh) giải quyết.

“Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong gần 2 năm qua, Bộ NN&PTNT đã tích cực đẩy mạnh các cuộc vận động hành lang và nhiều lần phản ánh với Bộ Thương mại Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa đạt kết quả tốt. Theo tư vấn của luật sư, chúng ta có thể nghiên cứu đưa vụ việc gia giải quyết tranh chấp tại WTO”, ông Nam thông tin.

Theo Phan Thu

Cùng chuyên mục
XEM