Ngành hàng nào được lợi từ FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu?

16/06/2015 09:09 AM |

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan vừa chính thức được ký kết.

Theo Hiệp định này, những ngành hàng được lợi nhất là thủy sản, da giày... bởi thuế suất của các mặt hàng này sẽ về mức 0%.

Bên cạnh những tác động tích cực của Hiệp định, một số đơn vị, ngành hàng đã bày tỏ về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi hiệp định này có hiệu lực.

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết mỗi năm các nước trong liên minh nhập khoảng 17 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam, song thị phần của các doanh nghiệp chỉ chiếm 2%, một phần do thuế quan áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch nhập vào khu vực này rất cao.

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 27 tỷ USD hàng dệt may ra thế giới và là nước đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. "Khi đã 'đứng vững' được ở những thị trường khó tính nhất thì không thể không 'đứng' được tại thị trường của Liên minh Kinh tế Á-Âu," bà Dung khẳng định.

Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch hàng dệt may giữa hai bên sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên Hiệp định được thực thi và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo.

Giá trị kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1-2 năm tới và Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 hiện nay tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường này.

Từ đầu năm đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam vẫn đang gia tăng nhằm đón đầu các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam-EU, FTA Việt Nam-Hàn Quốc…

Tuy nhiên, theo bà Dung, khi có Hiệp định thương mại tự do, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận thị trường rất rộng và thuận lợi nhưng từ thực tiễn và văn bản có rất nhiều vấn đề khác nhau.

Mặc dù Hiệp định đã ký nhưng để doanh nghiệp, nhất là dệt may tận dụng Hiệp định nhằm khai thác tốt hơn tại thị trường này là một chặng đường dài đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực để tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

"Có Hiệp định tức là chúng ta đã có cơ sở để tiếp cận thị trường, thúc đẩy xúc tiến thương mại cũng như đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường đó, nhưng để ngay lập tức doanh nghiệp không thể tiếp cận thích ứng nhanh chóng được mà phải có một độ trễ và có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp của các bên," bà Dung bày tỏ.

Bên cạnh thuận lợi của ngành dệt may, ngành thép lại đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, về tiềm năng sản xuất thép của Nga, hiện tổng lượng sản xuất của Nga đứng thứ 5 toàn cầu (đạt khoảng 70 triệu tấn/năm).

Thép của Nga được tạp chí thép thế giới đánh giá là có chi phí sản xuất thuộc loại thấp nhất toàn cầu. Nga có tiềm năng rất lớn về nguồn nguyên nhiên liệu, khoáng sản để sản xuất thép.

Nga sản xuất thép với công nghệ cao, khoảng 80% sản xuất bằng lò cao, tiết kiệm nhiên liệu và nguồn năng lượng, thời gian sản xuất.

Để sản xuất một tấn phôi thép, các doanh nghiệp Nga cần khoảng hơn 50 kWh điện, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì cần gấp hơn 10 lần.

Trong khi đó, ngành thép trong nước còn nhiều khó khăn, quy mô doanh nghiệp ngành còn nhỏ, chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ đủ lớn về tài chính, khoa học công nghệ để cạnh tranh ngang ngửa các mặt hàng thép thế giới.

Những hiểu biết về thương mại quốc tế, việc sử dụng những công cụ thương mại để chống hàng ngoại nhập, bảo vệ sản xuất còn hạn chế.

Ông Sưa cho rằng, bản thân các doanh nghiệp phải dần nâng cao nhận thức của mình về thương mại quốc tế, tìm hiểu quyền của mình và công cụ mà mình có khả năng sử dụng để bảo vệ sản xuất, thông qua cầu nối là hiệp hội.

Ngoài ra, vai trò của quản lý nhà nước nên tận dụng triệt để các công cụ thương mại mà thế giới cho phép để bảo vệ và hỗ trợ sản xuất trong nước.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Văn Sưa, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam lo ngại, sản phẩm thép Nga có thế mạnh về giá sản xuất và chất lượng cao, do vậy, khi vào Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị loại khỏi “cuộc chơi.”

Ngành thép Việt Nam vẫn còn non trẻ, phát triển chưa bền vững. Do vậy, những doanh nghiệp tồn tại phải là doanh nghiệp có công suất lớn, tìm được hướng xuất khẩu như Tổng Công ty Thép Việt Nam, Hòa Phát, Tôn Hoa Sen hay Pomina… có lợi thế về giá thành, thị trường và vốn thì sẽ có khả năng cạnh tranh, tuy nhiên con số này không nhiều.

Đại diện Công ty thép Việt Úc, ông Phan Đào Vũ lại cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc, nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng nhẹ, khi chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm khi phải cạnh tranh với thép từ các nước Nga, Belarus, Kazakhstan.

Tuy nhiên, khi đã mở cửa thì phải chấp nhận với kinh tế thị trường, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý cũng chỉ trong giai đoạn nhất định.

Quan trọng là các doanh nghiệp thép phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất hiệu quả và đấu tranh chống gian lận thương mại.

Theo Thảo Nguyên - Đức Dũng

Cùng chuyên mục
XEM