Doanh nghiệp ngành nào bất lợi nhất khi Việt Nam kí các FTA?

02/06/2015 15:16 PM |

Các cam kết FTA theo hướng bảo hộ và đối xử bình đẳng hơn với nhà đầu tư nước ngoài so với doanh nghiệp trong nước. Đây là một trong những bất lợi đối với doanh nghiệp trong nước, vì doanh nghiệp điện tử phần nhiều rơi vào nhà đầu tư nước ngoài với nhiều thế mạnh về tài chính, công nghệ.

Nội dung nổi bật:

- Bên cạnh việc mở ra các lợi ích từ tự do thương mại, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng sẽ hạn chế quyền của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển.

- Biện pháp hỗ trợ các ngành ít đi thì cần phải “tinh” hơn, chứ chưa nói đến “tinh vi” như nhiều nước đang áp dụng và phải sử dụng hiệu quả hơn.

- Qua khảo sát các doanh nghiệp ngành thực phẩm và doanh nghiệp điện tử cho thấy, mức cắt giảm thuế quan đối với ngành điện tử khá nhanh và mạnh.


Cắt giảm bảo hộ

Phát biểu tại Hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế còn lại gì sau các Hiệp định thương mại tự do (FTA)?” tổ chức tại TP.HCM vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI cho biết: Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 9 FTA và đang đàm phán một loạt các FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam- EU... Các FTA này đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác.

Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra các lợi ích từ tự do thương mại, các FTA cũng sẽ hạn chế quyền của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tương lai của các ngành kinh tế.

“Từ những thông tin rò rỉ ra từ các FTA tới đây, chúng tôi nhận thấy không gian chính sách hỗ trợ về thuế quan, phi thuế quan ngày càng hẹp. Ví dụ trong mua sắm chính phủ, không còn ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các rào cản như vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá thì còn rất rộng”, bà Trang lưu ý.

Bà Trang dẫn chứng thêm, trong lĩnh vực đầu tư có những biện pháp ưu đãi chẳng hạn như với các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp cũng sẽ không được phép trong các FTA. Bên cạnh đó, chính sách sử dụng biện pháp trợ cấp bằng tài chính bị co hẹp lại, có thể nhiều trợ cấp cho nông nghiệp sẽ không được phép, nhưng nhà nước vẫn có thể hỗ trợ thông qua đào tạo, nghiên cứu.

Bàn về không gian chính sách để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển sau các cam kết thương mại, bà Trang cho rằng càng tự do hóa thì các biện pháp bảo hộ phải ít đi. Trên thực tế, nước nào cũng có những biện pháp hỗ trợ cho những ngành nhất định của họ. Đàm phán TPP vất vả, khó khăn và sắp đạt đến mức kỷ lục về thời gian đàm phán bởi vì các nước trong quá trình đàm phán để yêu cầu tự do hóa thương mại với các đối tác đều muốn giữ lại những biện pháp phòng vệ cho mình.

Ví dụ, Nhật Bản luôn muốn trợ cấp bảo hộ cho nông sản; hay Hoa Kỳ trong đàm phán với Việt Nam liên quan đến giày dép lại khó khăn như vậy, bởi vì họ muốn bảo hộ ngành sản xuất giày dép của họ bằng thuế quan… Chính những điều này cho thấy, trong tự do hóa thương mại vẫn có những không gian, mục tiêu nhất định trong việc giữ lại quyền có những biện pháp hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước phát triển được.

Với những FTA sắp tới đang đàm phán giai đoạn cuối như TPP hay FTA với EU…đều là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi cam kết rất rộng, đồng nghĩa với việc không gian chính sách hỗ trợ cho các ngành sẽ hẹp đi. Điều này cũng có nghĩa là số lượng các chính sách có thể sử dụng hỗ trợ cho các ngành kinh tế có thể bị ít đi.

Biện pháp hỗ trợ các ngành ít đi thì cần phải “tinh” hơn, chứ chưa nói đến “tinh vi” như nhiều nước đang áp dụng và phải sử dụng hiệu quả hơn”, bà Trang nói. Đây là yêu cầu đặt ra, nhưng nhìn lại thực tế trong nước, dường như với không gian chính sách như hiện tại, chưa nói tới bị hạn chế bởi những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sắp tới đây thì các chính sách hỗ trợ cho các ngành cũng không nhiều và tác dụng còn hạn chế.

Doanh nghiệp điện tử bất lợi

Đánh giá về ảnh hưởng của các FTA và hiệp định bảo hộ đầu tư (BIT) tới các chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam trong ngành chế biến thực phẩm và điện tử, ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia nghiên cứu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, qua khảo sát các doanh nghiệp ngành thực phẩm và doanh nghiệp điện tử cho thấy, mức cắt giảm thuế quan đối với ngành điện tử khá nhanh và mạnh.

Mặc dù có một loạt cam kết trong FTA, tuy nhiên, các cam kết theo hướng bảo hộ và đối xử bình đẳng hơn với nhà đầu tư nước ngoài so với doanh nghiệp trong nước. Đây là một trong những bất lợi đối với doanh nghiệp trong nước, vì doanh nghiệp điện tử phần nhiều rơi vào nhà đầu tư nước ngoài với nhiều thế mạnh về tài chính, công nghệ.

Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Thắng nêu lên một bất cập là tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về các FTA rất thấp, điều này không thể đổ lỗi cho cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin không đầy đủ mà Nhà nước đứng ra bảo hộ cho doanh nghiệp khi biết doanh nghiệp cần gì.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá các doanh nghiệp vẫn còn thiếu sự chủ động trong việc tìm hiểu thông tin liên quan đến cơ hội và thách thức đối với FTA. Điển hình, có đợt khảo sát ý kiến doanh nghiệp của cơ quan đàm phán liên quan đến các rào cản thương mại, nhưng không nhận được câu trả lời từ phía doanh nghiệp.

Kiến nghị đối với các đoàn đàm phán FTA, đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội tại Hội thảo đều mong muốn được thông tin kịp thời và chính xác về diễn biến và những vướng mắc trong quá trình để doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết. Bởi vì xét cho cùng trong các FTA, Nhà nước chỉ là người đàm phán, cộng đồng doanh nghiệp là người thực hiện...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị, đối với công tác tham vấn, cần tăng cường sự chuẩn bị, mức độ tham gia và mức độ làm chủ của doanh nghiệp; cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thiết kế các FTA phù hợp và đảm bảo sự hài hòa giữa các FTA với nhau; giữa các FTA với yêu cầu phát triển công nghiệp trong nước.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM