Ngăn chặn "bệnh" mất cắp hành lý đường hàng không: “Thuốc” chưa đủ liều?
Từ ngày 10 đến 12-6, đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã kiểm tra công tác bảo đảm an ninh hàng không tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, trong đó đặc biệt quan tâm đến tình trạng mất cắp hành lý, hàng hóa của hành khách.
Một câu hỏi nhức nhối liên tục được nêu ra trong suốt quá trình kiểm tra là tại sao các đơn vị liên quan đều nói làm đúng quy trình, nhưng vẫn xảy ra tình trạng hành lý bị đánh cắp? Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không (CHK) Việt Nam (ACV) nhấn mạnh: "Thuốc" trị "bệnh" vẫn chưa đủ liều. Các đơn vị liên quan dường như mới chỉ phối hợp trên "giấy"?
Mới chỉ phối hợp trên "giấy"?
Theo Cục HKVN, trong năm 2014 Cục HKVN đã ghi nhận 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản. Từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan này đã nhận 23 vụ việc báo cáo mất tài sản. Ông Đào Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục HKVN đặt câu hỏi, kế hoạch tăng cường an ninh thời gian qua có phải là "trên trời" khi đơn vị nào cũng báo cáo thực hiện đúng quy trình, nhưng vẫn xảy ra tình trạng đánh cắp hành lý?
Trước câu hỏi này, ông Phương Hồng Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) - đơn vị trực tiếp vận chuyển hành lý nhận định, các vụ moi móc hành lý dễ xảy ra nhất ở hầm hàng máy bay và khu vực phân loại hàng hóa do các quy trình vận chuyển hành lý từ quầy ra đảo hành lý có thời gian rất ngắn, qua khu vực công cộng có nhiều người nên khó thực hiện. Trong khi đó, khu vực hầm hàng máy bay đến nay vẫn chưa có thiết bị camera giám sát.
Đại diện Hãng hàng không Vietjet cho biết, hãng đã phải đền bù cho hành khách khi hao hụt hành lý. Trong khi đó, các hoạt động của hãng đều phụ thuộc vào khai thác mặt đất cả trong nước và nước ngoài nên việc phòng chống mất cắp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị phục vụ mặt đất và các hãng hàng không.
Nhận định "thuốc" chưa đủ liều để chữa "bệnh" đánh cắp hành lý của khách, ông Cao Văn Thái - Phó Trưởng ban An ninh an toàn Tổng công ty ACV nhấn mạnh, thời gian qua, các giải pháp nói tới rất nhiều, nhưng chưa áp dụng được bao nhiêu. Biện pháp phòng chống đưa ra còn mang tính đơn lẻ của từng đơn vị. Đơn vị nào cũng yêu cầu phải tăng cường phối hợp nhưng sự phối hợp thực tế dường như mới chỉ là trên "giấy". Đã có hãng chỉ báo cáo tổng số vụ việc và đề nghị Tổng công ty ACV xử lý. Tuy nhiên, các hãng hàng không là đơn vị bán vé thu tiền và ký hợp đồng vận chuyển với hành khách, khi xảy ra sự việc phải là đơn vị chịu trách nhiệm trước tiên. ACV không thể nắm rõ các thông tin cụ thể về hành khách, mất mát cụ thể ra sao… Do đó, giữa các đơn vị cần phải phối hợp một cách thực sự với các giải pháp đồng bộ. Nếu phối hợp tốt rồi mà vẫn xảy ra mất cắp thì tăng cường rà soát nhằm tìm ra bằng được cái "lỗ hổng" ấy để xử lý.
Tăng cường kiểm soát nội bộ
Nhiều ý kiến cho rằng, mất cắp hành lý là vấn nạn xảy ra ở nhiều sân bay trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm hạn chế tối đa tình trạng này. Ông Nguyên Huy Dương - Phó Gám đốc CHK quốc tế Nội Bài cho rằng, công tác bảo đảm an ninh, an toàn luôn là vấn đề quan trọng và liên quan đến nhiều tổ chức, đơn vị. Là một dây chuyền, do đó cả hệ thống phải cùng chung tay chứ không riêng sự cố gắng từ một đơn vị nào. Phải giải quyết đồng bộ các công đoạn, đơn vị liên quan, từ hãng vận chuyển, đơn vị mặt đất, cảng vụ, an ninh hàng không…
Bà Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc đề nghị cần tăng cường công tác kiểm soát nội bộ. Chỉ làm tốt điều này thì mới giảm được tiêu cực. Ngay từ khâu tuyển dụng nhân sự đã phải thực hiện tốt bởi không thể có người từ bên ngoài được vào các khu vực cách ly để thực hiện hành vi trộm cắp. Bên cạnh đó cần tăng cường hệ thống camera giám sát; công tác kiểm tra, đánh giá trang thiết bị hỗ trợ phải được thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng khi cần kiểm tra thì thiết bị đó hỏng hoặc không trích xuất được thông tin (không thể biết do vô tình hay cố ý)...
Ông Phạm Ngọc Tùng - Phó Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất cho biết, thực hiện chỉ thị của Cục HKVN, Xí nghiệp đang phối hợp với CHK Tân Sơn Nhất lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát. Mới đây đã lắp đặt ở khu vực băng chuyền hành lý; phối hợp với các hãng hàng không phân luồng, phân loại hành lý đi - đến của các hãng nhằm phát hiện các hành lý không bảo đảm tiêu chuẩn. Nhờ đó đã giảm khoảng 48% hành lý không đạt tiêu chuẩn. Phải tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên để tăng sức răn đe và cần tăng cường công tác an ninh nội bộ, thực hiện luân chuyển người làm việc ở các vị trí kiểm soát người ra vào và các vị trí làm việc có liên quan - ông Cao Văn Thái kiến nghị.
Ông Hoàng Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không - CHK quốc tế Nội Bài:
Hiện, CHK quốc tế Nội Bài có 87 máy soi, 39 cổng từ, 50 thiết bị kiểm tra kim loại cầm tay, 5 máy dò chất nổ, 7 bộ phát hiện vi vết chất nổ; 605 đầu camera giám sát an ninh, trong đó có 192 đầu tại T1, 370 đầu tại T2 và 43 đầu tại nhà khách VIP A. Thời gian qua hoạt động tốt. Tuy nhiên, hệ thống camera giám sát an ninh vẫn còn một số tồn tại như: Một số khu vực chưa được lắp đặt bổ sung camera nên phạm vi giám sát còn hạn chế như khu vực công cộng, đảo hành lý, soi chiếu an ninh xách tay… CHK Nội Bài đang xây dựng phương án lắp đặt bổ sung tại các khu vực còn thiếu.
Ông Tô Tử Hùng - Phó Trưởng phòng An ninh (Cục HKVN):
Hành lý được vận chuyển từ nước ngoài về sẽ phải đi qua nhiều thủ tục, công đoạn vận chuyển. Một số quốc gia như Mỹ, Canada, Australia…, nhân viên an ninh có quyền cắt khóa hành lý để kiểm tra nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ mà không cần có sự chứng kiến của hành khách. Để tránh rơi vào tình trạng bị mất đồ hay bị nhà chức trách mở hành lý, hành khách nên đọc kỹ điều lệ vận chuyển của các hãng hàng không. Do hành lý ký gửi không khai báo về giá trị cũng như tính chất nên sẽ được chất xếp theo quy trình thông thường, rất dễ bị hư hỏng đồ đạc bên trong, thất thoát hành lý. Trong khi đó, việc đền bù không theo giá trị của hàng hóa mà theo cân nặng, đã được quy định trong vận chuyển hàng không.