Giá dầu giảm - Tương lai của ngành dầu khí Mỹ ra sao?

11/12/2014 12:00 PM |

Cơn bão trên thị trường dầu mỏ hiện nay sẽ khiến nhiều doanh nghiệp dầu khí Mỹ lao đao, nhưng sau khi bão tan, họ sẽ trở lại và mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần.

Giáng sinh năm nay, thành phố Lindsay (thủ phủ của Oklahoma) được trang hoàng bởi những lá quốc kỳ tung bay trong gió và những cỗ xe mang đậm không khí giáng sinh. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là con tàu chở dầu to lớn thắp đèn sáng trưng thuộc sở hữu của Hamm & Phillips – công ty khai thác dầu đã “lớn lên” ở Lindsay và dẫn đầu cuộc cách mạng dầu khí đá phiến ở Oklahoma cũng như trên toàn nước Mỹ.

Cuộc cách mạng năng lượng ở Mỹ vốn là điều mà thế giới thèm muốn. Nhờ công nghệ fracking, dầu và khí được khai thác một cách dễ dàng từ những tảng đá phiến sét bằng cách làm vỡ đá và cấu tạo đá khi bơm các loại chất lỏng khác nhau (gồm nước, chất hóa học và cát) vào các vết nứt để buộc chúng phải tiếp tục rạn nứt thêm. Với công nghệ khai thác tiên tiến, tinh thần kinh doanh hăng hái và một thị trường vốn ưa thích rủi ro, các doanh nghiệp như Hamm & Phillips đã tạo nên công thức thành công chỉ có ở nước Mỹ.

Tuy nhiên, giá dầu đã giảm gần 40% trong 6 tháng gần đây và lòng nhiệt huyết của các công ty này đang bị thử thách. Trên khắp nước Mỹ, các lãnh đạo công ty khai thác dầu từ đá phiến sét sẽ có một kỳ nghỉ Giáng sinh không an lành. Họ phải vạch ra những chiến lược đối phó với thời kỳ giá dầu chỉ ở mức 70 USD/thùng (hoặc thấp hơn) trong khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và trái phiếu do họ phát hành. Lãnh đạo của Lukoil (một doanh nghiệp dầu khí lớn của Nga) thậm chí mỉa mai rằng đá phiến sét cũng giống như bong bóng dotcom trong quá khứ.

Thông thường, giá dầu giảm sẽ dẫn đến các doanh nghiệp năng lượng phải cắt giảm đầu tư. Cuối cùng sản lượng sẽ giảm và giá ổn định trở lại. Năm 1999, sau khủng hoảng tín dụng châu Á, đầu tư vào hoạt động sản xuất dầu khí trên toàn cầu đã giảm 20%. Một thập kỷ sau, sau khủng hoảng tài chính 2008, đầu tư cũng giảm khoảng 10% nhưng sau đó đã phục hồi trở lại.

Lần này, các doanh nghiệp phải chịu nhiều đau đớn nhất sẽ là các ông lớn có hoạt động đa dạng như Exxon Mobil và Shell. Sau một thập kỷ ném tiền của cổ đông vào các mỏ ở Bắc Cực và các vùng nước sâu ở vùng nhiệt đới mà không mang lại nhiều kết quả, các doanh nghiệp này bắt đầu cắt giảm chi tiêu từ năm 2013. Những dự án dài hạn bị hoãn hoặc hủy bỏ. Hầu hết đều dự báo giá dầu ở mức 80 USD/thùng khi lập kế hoạch, do đó mọi kế hoạch đã đổ vỡ.

Tuy nhiên, phần lớn gánh nặng điều chỉnh sẽ rơi vào ngành khai thác dầu từ đá phiến sét của Mỹ. Sản lượng của nhóm này đã tăng từ mức 0,5% sản lượng toàn cầu trong năm 2008 lên 3,7%. Trong khi đó khai thác dầu từ đá phiến chiếm ít nhất 20% tổng vốn đầu tư cho hoạt động khai thác dầu trong năm 2013. Saudi Arabia – thành viên có tiếng nói lớn ở OPEC – mới đây đã tuyên bố rõ ràng rằng nước này có thể chịu được giá dầu thấp để khiến các doanh nghiệp Mỹ lao đao.

Kể cả những “ông trùm” trong ngành dầu khí đá phiến cũng có những ý kiến bất đồng về tương lai. Harold Hamm, ông chủ của Continental Resources, khẳng định có thể chống chọi tốt chừng nào giá ở trên mức 50 USD/thùng. Tuy nhiên, Stephen Chazen (lãnh đạo của Occidental Petroleum) lại cho rằng ngành này sẽ gặp nhiều vấn đề nếu giá ở mức dưới 70 USD/thùng.

Điều này cũng phản ánh sự đa dạng trong hoạt động. Các giếng có sản lượng khác nhau, đồng thời chi phí vận chuyển cũng rất khác nhau: bơm dầu ở Texas khá rẻ nhưng dùng tàu hỏa để vận chuyển dầu ra khỏi vùng Bakken (Bắc Dakota) không hề rẻ. Các doanh nghiệp cũng sử dụng nhiều kỹ thuật khai thác khác nhau để cắt giảm chi phí.

Dẫu vậy, vẫn có hai kết luận chung cho cả ngành.

Thứ nhất, trong ngắn hạn, sức khỏe của ngành này vẫn tốt dù giá ở mức nào. Các giếng đang mang lại siêu lợi nhuận bởi hầu hết các chi phí đều giảm. Lấy ví dụ ở 8 công ty lớn độc lập, chi phí hoạt động trung bình trong năm 2013 chỉ ở mức 10 – 20 USD/thùng. Tuy nhiên, sản lượng của các giếng đá phiến giảm rất nhanh (60 – 70% trong năm đầu tiên), do đó các giếng này sẽ bị bỏ hoang chỉ sau một vài năm.

Thứ hai, vẫn chưa rõ liệu với giá 70 USD/thùng các doanh nghiệp có thể đầu tư vào giếng mới để duy trì hoặc tăng sản lượng hay không. Hãng tư vấn Wood Mackenzie ước tính rằng “điểm hòa vốn” của các dự án rơi vào mức giá khoảng 65 – 70 USD/thùng. Nếu giá dầu ở mức 70 USD, các doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm đầu tư 20% và sản lượng sẽ giảm 10% mỗi năm. Nếu giá ở mức 60 USD, đầu tư sẽ giảm một nửa và sản lượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, Michael Cohen đến từ ngân hàng Barclays cho rằng bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp dầu khí Mỹ rất yếu. Hầu hết đều đầu tư nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Tổng nợ của các doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu khí Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009, lên 260 tỷ USD. Các doanh nghiệp này cũng chiếm tới 17% thị trường trái phiếu rác.

Nếu các doanh nghiệp vá lỗ hổng chênh lệch vốn bằng cách cắt giảm đầu tư, đầu tư sẽ giảm khoảng 50%. Năm 2013, hơn 25% tổng số vốn đầu tư của ngành dầu đá phiến đến từ các doanh nghiệp có nợ lớn gấp 3 lần tổng lợi nhuận gộp. Một số doanh nghiệp sẽ phá sản.

Đã có một số công ty cắt giảm ngân sách và giới phân tích cũng dự báo con số sẽ tăng mạnh trong tháng sau. Các dự án triển khai ở vùng đang khai thác hoặc ở những nơi có ít giá trị thương mại sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có Oklahoma.

Điều ước của OPEC có thể trở thành hiện thực trong năm tới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp dầu khí đá phiến sẽ mạnh lên sau cơn bão này. Họ buộc phải sáng tạo hơn về kỹ thuật sao cho vừa có thể giảm chi phí khai thác vừa có thể tăng sản lượng.

Và, nếu như giá dầu phục hồi, các giếng mới sẽ tạo ra dầu chỉ trong vài tuần chứ không phải vài năm. Thị trường vốn của Mỹ cũng sẽ khỏe mạnh trở lại. Do đó không có gì ngạc nhiên và vô lý khi nhiều chuyên gia trong ngành dự báo rằng cuộc cách mạng đá phiến sẽ đổ vỡ nhưng cũng sẽ hồi phục rất nhanh.

>> Giá dầu giảm: Ai là người thắng và ai là kẻ thua?

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM