Nặng nợ với lãi suất cho vay tín chấp tiêu dùng

17/09/2014 09:08 AM |

Các công ty tài chính tiêu dùng luôn có những lý do biện hộ cho mức lãi suất “khủng”thông qua phần bù của rủi ro.

Theo báo cáo của công ty StoxPlus về Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng – tương đương 8,88 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 12% và chiếm 5,4% GDP.

Nếu xét riêng từng công ty tài chính tiêu dùng thì dễ dàng nhận thấy một thời kỳ bùng nổ của sư tăng trưởng, ví dụ công ty Home Credit đạt lợi nhuận sau thuế tăng 4,5 lần và tăng trưởng tín dụng đạt 86% so với năm 2012; Còn công ty tài chính Prudential Việt Nam năm 2013 có lợi nhuận sau thuế tăng 44%, tăng trưởng dư nợ hơn 14% so với năm 2012... Nhiều chuyên gia dự báo thời gian tới, thị trường này sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng trên 20%/năm và trở thành cơ cấu tín dụng quan trọng của chiến lược ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Sự đa dạng và tiện lợi của sản phẩm cho vay tín chấp tiêu dùng

Lực hấp dẫn của phân khúc tín dụng tiêu dùng thật sự bùng nổ khi NHNN ban hành thông tư 07/2010/TT – NHNN về Quy định cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận và tháo dỡ sự phân biệt giữa tăng trưởng tín dụng khu vực sản xuất với phi sản xuất. Bên cạnh đó, với sự bỏ ngỏ của phân khúc cho vay tín chấp tiêu dùng từ ngân hàng thương mại đã làm toàn thị trường hình thành những làn sóng gia nhập và cạnh tranh của hàng loạt công ty tài chính tiêu dùng như HomeCredit, Prudential Finance, HD Finance, VPBank Consumer Finance, ACS Việt Nam…

Vòng kim cô của cho vay tín chấp tiêu dùng được mở ra đã làm cho các công ty tài chính tiêu dùng nợ rộ như nấm sau mưa và cụm từ tài chính tiêu dùng cá nhân luôn được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sự phát triển của các công ty tài chính tiêu dùng đã kéo theo tính đa dạng của sản phẩm – dịch vụ cung ứng và tính tiện lợi khi khách hàng tiếp cận vay vốn. Hiện nay, các công ty này đang hướng đến cho vay tín chấp tiêu dùng ở ba dòng sản phẩm – dịch vụ: dịch vụ tài chính mua xe máy trả góp, dịch vụ tài chính mua sắm đồ điện tử gia dụng và dịch vụ cho vay tiền mặt (bao gồm : cho vay theo lương, cho vay theo hóa đơn tiền điện, cho vay theo giấy phép đăng ký kinh doanh, cho vay theo hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng khác, cho vay tiền mặt tại quầy, cho vay tiền mặt tại bưu cục, cho vay du lịch trả góp, cho vay đám cưới tự lập…).

Lãi suất các khoản vay trên thường dao động 1,3%/tháng đến 7,1%/tháng. Sự chệnh lệch lãi suất phụ thuộc vào thời gian vay, khoản trả trước (số tiền trả trước của khách hàng để mua sản phẩm) và đối tượng vay với mức tín nhiệm khác nhau.

Mặc dù, lãi suất cho vay của các khoản vay này thuộc dạng trên trời, nếu tính theo năm có thể lên tới 85%/năm hoặc thậm chí 100%/năm. Nhưng tại sao người tiêu dùng vẫn quyết định lựa chọn?

Thứ nhất, bởi tính tiện lợi, thủ tục nhanh gọn và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nhanh của cá nhân. Nếu xét về phương diện giải quyết nhanh chóng nhu cầu tài chính thì các công ty tài chính tiêu dùng chỉ xếp sau tín dụng đen và đồng thời lãi suất lại “mềm” hơn rất nhiều. Do đó, để ngày càng hoàn thiện, các công ty tài chính tiêu dùng thường xuyên hoạt động dựa theo hai tôn chỉ chính: thủ tục đơn giản và giải ngân nhanh gọn.

Thứ hai, số tiền vay của loại cho vay tín chấp tiêu dùng thường khá nhỏ, chỉ vài triệu đến vài chục triệu trên mỗi hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng lại che đậy lãi suất thông qua số tiền trả góp hàng tháng rất ít so với thu nhập của khách hàng. Nghĩa là, khi ký kết hợp đồng tín dụng, khách hàng chỉ biết số tiền phải trả hàng tháng là cố định và tặc lưỡi “chắc mình trả được, cũng không lớn lắm so với thu nhập của mình”. Ngoài ra, lãi suất ghi theo hợp đồng luôn được tính theo tháng như 1,66%/tháng, 2,17%/tháng, 2,95%/tháng, 7,1%/tháng…đã làm cho khách hàng bị ám thị bằng con số thấp.

Cái giá phải trả và hãy cẩn trọng

Cái giá phải trả cho sự thuận tiện, giải ngân nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhanh và tín chấp (không cần tài sản bảo đảm) là mức lãi suất không hề nhỏ cộng với các khoản phí khác nhau. Các khoản vay này khi quy đổi theo năm thường dao động từ 19,9% đến 85,2%, nhưng phổ biến ở quanh mức 50%/năm.

Các công ty tài chính tiêu dùng luôn có những lý do biện hộ cho mức lãi suất “khủng”thông qua phần bù của rủi ro. Bất cứ lãi suất cho vay nào cũng được cấu thành bởi các thành phần khác nhau, trong đó có phần bù rủi ro. Nghĩa là, tùy vào đối tượng khách hàng hoặc hình thức vay hoặc ngành nghề…sẽ tương ứng với một mức rủi ro. Nếu mức rủi ro càng cao thì ngân hàng hoặc công ty tài chính cần dâng mức lãi suất phù hợp để xác định điểm lãi suất cho vay cuối cùng. Về góc độ tài chính, lời lý giải trên hoàn toàn hợp lý, nhưng đằng sau lãi suất, các công ty tài chính còn “móc” thêm tiền của khách hàng thông qua phương pháp tính toán trả nợ. Cụ thể như sau:

Khi một khách hàng đề nghị món vay 30 triệu đồng với mục đích tiêu dùng cá nhân, thời hạn 24 tháng. Công ty tài chính tiêu dùng dễ dàng quyết định tín dụng theo một quy trình đơn giản, nhanh gọn nếu khách hàng đáp ứng các tiêu chí xét duyệt được quy định sẵn. Khi khoản vay được chấp thuận, công ty tài chính tiêu dùng sẽ đưa ra điểm lãi suất tùy thuộc vào mức tín nhiệm của khách hàng vay, thông thường ở mức 3,75%/tháng. Và thông báo tại lúc giải ngân, các khoản phí bắt đầu có hiệu lực, trong đó, phí đắt nhất là bảo hiểm tín dụng lên tới 5% trên số tiền giải ngân. Tại thời điểm giải ngân, khách hàng được nhận 30 triệu đồng, nhưng thực chất gánh nợ đến 31 triệu 500 ngàn đồng (đã cộng phí bảo hiểm vào dư nợ). Lãi suất theo đó cũng được tính trên dư nợ đã cộng thêm phí bảo hiểm.

Theo bảng tính 1, khách hàng phải trả hàng tháng một số tiền cố định 2.014.000đ trong vòng 24 tháng và lãi suất được tính trên dư nợ giảm dần.Tổng cộng số tiền gốc với lãi cuối kỳ 48.315.000đ, gốc 31.500.000đ, lãi 16.815.000đ.Còn bảng tính 2, dư nợ ban đầu (có tính thêm phí bảo hiểm) được chia đều cho 24 tháng, mỗi tháng khách hàng trả cố định số tiền 1.312.500đ, lãi suất cũng được tính trên dư nợ giảm dần.Tổng cộng số tiền gốc phải trả chỉ 46.265.625đ, gốc 31.500.000đ, lãi 14.765.625đ.Vậy, cùng một số tiền vay, cùng một mức lãi suất, nhưng phương pháp tính khác nhau sẽ cho ra số tiền chênh lệch đáng kể.Các công ty tài chính tiêu dùng luôn chọn cách theo bảng tính 1 cho những khoản vay tín chấp tiêu dùng.

Cuối cùng, một món vay tín chấp tiêu dùng, khách hàng phải gánh lãi suất rất cao, mức phí không hề nhỏ, số tiền chênh lệch theo phương pháp tính và cả phí phạt trả trước hạn nếu có ý định tất toán khoản vay (khoản 5% trên dư nợ còn lại).Quả thật, khi vay thật ngọt và khi trả thật đắng, nên, hãy cẩn trọng khi vay tín chấp tiêu dùng.

>> Có nên hạ lãi suất ngay?

Theo ThS. Châu Đình Linh

Cùng chuyên mục
XEM