Myanmar: Ngôi sao tăng trưởng ở Đông Nam Á

04/10/2015 09:24 AM |

Một quốc gia chưa có thị trường chứng khoán thực sự và cũng chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhưng kinh tế dự báo tăng trưởng 10% trong năm nay.

Tốc độ tăng trưởng "thần kỳ" của kinh tế Myanmar khá trái ngược với những gì đang diễn ra tại nhiều thị trường mới nổi - tăng trưởng kinh tế giảm tốc với nguồn vốn tháo chạy với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 thập kỷ qua.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Aung Tun Thet, cố vấn kinh tế của Tổng thống Myanmar Thein Sein, cho biết, GDP của nước này có thể tăng trưởng 10% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016 nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện và lượng khách du lịch nước ngoài tăng mạnh.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, năm 2014, kinh tế Myanmar tăng trưởng 7,7%.

Theo ông Thet, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar trong năm tài khóa hiện tại có thể tăng 25% so với năm trước, lên 10 tỷ USD, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Myanmar - một trong những nước nghèo nhất trong khu vực.

Giới đầu tư nước ngoài đang đổ bộ vào Myanmar, không chỉ vào các lĩnh vực truyền thống như cơ sở hạ tầng mà còn vào lĩnh vực khách sạn và công nghiệp tri thức. Ngành du lịch có rất nhiều cơ hội", ông Thet nói.

Tuy vậy cũng cần nói đến bối hiện nay của Myanmar, đất nước có nền kinh tế khá nhỏ và mới chỉ bắt đầu mở cửa sau nhiều năm khép kín.

Cơ sở hạ tầng của Myanmar còn nghèo nàn và 1/4 dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ, theo số liệu của ADB.

Kinh tế Myanmar cũng phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực dầu khí. Giá dầu toàn cầu lao dốc cũng thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế nước này, mặc dù ông Thet cho rằng việc khai trương một đặc khu kinh tế mới đây sẽ thu hút thêm các công ty trong lĩnh vực sản xuất.

Lĩnh vực viễn thông còn sơ khai của Myanmar cũng đang phát triển nhanh chóng, trong khi việc xây dựng hệ thống đường cao tốc kết nối Myanmar với các nền kinh tế lớn trong khu vực cũng đang được tăng cường.

Myanmar, sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 11 tới, cũng đã có những bước đi nhằm phát triển thị trường tài chính. Nước này đã bắt đầu đàm phán với các nhà cho vay để bắt đầu quy trình xếp hạng tín nhiệm. Một khi Myanmar có điểm tín nhiệm, giới đầu tư sẽ có cơ sở đánh giá, từ đó mở đường cho việc phát hành trái phiếu.

Theo ông Thet, Myanmar hy vọng sẽ khai trương sàn giao dịch chứng khoán trong năm nay với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Thị trường chứng khoán của Myanmar hiện nay mới là thị trường OTC với hai cổ phiếu được giao dịch.

Theo Nhật Trường

Cùng chuyên mục
XEM