Mỹ - Cuba chính thức nối lại quan hệ ngoại giao
Ngày 18/12/2014, ông Obama tuyên bố sự kết thúc đối với chính sách cô lập Cuba mà ông gọi là “cứng nhắc và lỗi thời”
Việc La Habana trả tự do cho Alan Gross, một công dân Mỹ bị giam giữ tại Cuba trong hơn 5 năm qua, là động thái mang tính bước ngoặt để tiến tới việc hai nước đàm phán bình thường hóa quan hệ.
Ngày 17/12/2014, chính phủ Mỹ và Cuba đã tuyên bố đạt thỏa thuận trao đổi tù nhân Mỹ Alan Gross với ba công dân Cuba. Đổi lại, phía Mỹ đã thả ba công dân Cuba bị xử tù ở Mỹ vì tội làm gián điệp.
Ngày 18/12/2014, Nhà Trắng chính thức phát đi thông cáo: "Hôm nay, Hoa Kỳ đã có những bước đi mang tính lịch sử , mở ra một con đường mới trong mối quan hệ với Cuba, xây dựng mối quan hệ với nhân dân Cuba ở một nấc cao mới".
Đây là kết quả của 18 tháng đàm phán bí mật giữa hai nước, với Canada và Đức Giáo hoàng Francis đóng vai trò chủ chốt. Đích thân Đức Giáo hoàng là người chủ trì vòng đàm phán cuối cùng, diễn ra tại Vatican. Sau đó, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cuộc điện đàm và đi đến thống nhất về việc trao đổi tù nhân và thành lập các đại sứ quán.
Hai nhà lãnh đạo đã điện đàm với nhau hơn 45 phút vào ngày thứ Ba vừa rồi, đây là lần liên lạc chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Cuba kể từ năm 1961.
Theo dự kiến, Mỹ và Cuba trong tuần tới sẽ đàm phán một thỏa thuận đưa tới việc mở đại sứ quán tại thủ đô của hai nước. Sự chuyển biến chính sách trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba đồng nghĩa với việc mở ra một số hoạt động giao thương và giao thông giữa hai nước, nhưng ông Obama sẽ phải thương thuyết với Quốc hội Mỹ về việc chấm dứt phong tỏa kinh tế của Mỹ đối với Cuba.
Để Mỹ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba, cần có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, và có vẻ như ông Obama sẽ gặp phải nhiều thách thức.
"Tổng thống Obama đang trở thành một chuyên gia hòa giải, chuyên đưa ra những nhượng bộ chưa từng thấy cho một chế độ chống phá lợi ích của Mỹ mọi lúc có thể", Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mario Diaz Balart chỉ trích một cách gay gắt.
“Tôi không nghĩ là chúng ta nên đàm phán với Cuba để thay đổi quan hệ”, thống đốc bang Florida Jeb Bush - em trai cựu Tổng thống George Bush, một ứng cử viên tiềm năng cho cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng lên tiếng chỉ trích.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner gọi tuyên bố trên là “một việc nữa trong chuỗi hành động thiếu suy nghĩ của ông Obama”.
Phát biểu tại Washington, ông Obama nói cách tiếp cận của Mỹ với Cuba đã lỗi thời và việc bình thường hóa quan hệ với Cuba là việc “có ý nghĩa nhất” trong chính sách của Mỹ với Cuba hơn 50 năm qua. Ông nói: "Cả người Mỹ và Cuba đều không được gì từ một chính sách cứng nhắc được áp đặt từ trước khi hầu hết chúng ta ra đời".
"Chúng ta sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời mà nhiều thập kỷ qua đã thất bại trong việc thúc đẩy lợi ích của chúng ta, và thay vào đó chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước", vị tổng thống nhấn mạnh.
Về phía Cuba, Chủ tịch Castro nói ông Obama "đáng được người dân chúng tôi tôn trọng và ghi nhận".
Theo Bộ Tài chính Mỹ, lần đầu tiên sau 53 năm, các lệnh cấm vận tài chính nhằm vào Cuba sẽ được thay đổi trong vài tuần tới, các cá nhân và công ty Mỹ có thể nộp giấy phép xin kinh doanh cùng với người Cuba và tham gia vào các hội thảo liên quan đến Cuba.
Trước khi lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ - Cuba đưa ra những tuyên bố quan trọng này, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng. Tháng 10/2014, 188/193 quốc gia thành viên LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết Đại hội đồng LHQ lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cuba suốt hơn 5 thập kỷ qua.
Lượng kiều hối mỗi năm gửi về Cuba đạt mức 2 tỷ USD, chủ yếu là từ Mỹ.
Theo bà Julia Sweig, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latin - thuộc Ủy ban quan hệ đối ngoại Mỹ, con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu các lệnh cấm vận kinh tế được nới lỏng.
"Cùng với đó là số lượng du khách Mỹ đến quốc đảo này tăng cao. Xì gà và rượu của Cuba sẽ theo chân các du khách quay lại Mỹ".
>> Tình hình Venezuela đã khiến Cuba 'chơi' với Mỹ?
Thái Nam