Mỹ công bố danh sách các thị trường bán hàng giả, hàng nhái khét tiếng năm 2013

20/02/2014 08:58 AM |

Trung Quốc đứng đầu danh sách các "thị trường khét tiếng" 2013 (NML) vừa được Chính phủ Mỹ công bố - là nơi bán hàng giả, hàng nhái nhiều nhất.

Theo đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Michael Froman, bản danh sách chỉ ra những thị trường làm thiệt hại các doanh nghiệp và công ăn việc làm của người Mỹ, bằng cách xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. USTR giải thích, các thị trường được chọn dán cho cái nhãn “khét tiếng” (notorious label) do “chúng là điển hình về tình trạng làm giả nhãn hiệu hàng hóa và ăn cắp bản quyền trên một cơ sở toàn cầu, đồng thời vì quy mô và tính phổ biến của các thị trường này có thể gây tổn hại kinh tế cho Mỹ và những chủ nhân của bản quyền sở hữu trí tuệ”.

Cũng cần nói rõ, bản danh sách hằng năm này không đề cập các trường hợp vi phạm luật pháp, vốn được nêu trong Báo cáo đặc biệt 301 của Mỹ về tình trạng kinh doanh không lành mạnh. Mục đích chính của nó là giúp Chính phủ Mỹ và các nước tập trung vào những điểm nóng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. 

Mỹ cảnh báo không chỉ có nhà nước và các doanh nghiệp thất thu, mà nạn hàng giả, hàng nhái còn gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng như thuốc men, sản phẩm chăm sóc cá nhân và phụ tùng xe cộ.

Siêu thị Silk Market tại Bắc Kinh và Trung tâm bán sỉ quần áo ở Quảng Châu là những nguồn chủ chốt cung ứng hàng giả ở Trung Quốc và cho cả thế giới. Hệ thống Buynow PC Malls gồm 22 siêu thị máy tính trên khắp Trung Quốc là ổ kinh doanh phim, game và phần mềm lậu. 

Nhiều khu mua bán trên khắp Thái Lan cũng bị ghi tên trong bản danh sách của Mỹ, trong đó có siêu thị MBK và trung tâm kinh doanh hàng IT Pantip Plaza ở thủ đô Bangkok. Mỹ đánh giá những nỗ lực thực thi việc bảo vệ bản quyền không có hiệu quả bao nhiêu tại những nơi này.

Có sáu điểm mua bán ở Ấn Độ bị nêu tên. Trong đó, Nehru Place tại New Delhi là “điển hình số 1” cho hoạt động kinh doanh, với số lượng lớn các phần mềm và phim nhạc lậu cũng như những loại hàng nhái, hàng giả.

Trong bản danh sách các thị trường khét tiếng về hàng giả, hàng nhái có Seventh Kilometer Market (Chợ Cây số 7) tại Odessa (Ukraine) và La Salada tại Buenos Aires (Argentina) - nơi hàng giả được bày bán công khai và ngang nhiên. Riêng La Salada còn “nổi danh tầm quốc tế”, tới mức có những chuyến xe buýt riêng để chở người mua hàng từ hai nước láng giềng Paraguay và Uruguay sang mua sắm.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã phát triển với quy mô toàn cầu trong những năm gần đây. Theo Văn phòng Tình báo hàng giả (CIB) thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC), hàng giả, hàng nhái hiện chiếm 5-7% tổng doanh số kinh doanh thế giới. Một số nguồn nghiên cứu ước tính, tình trạng hàng giả, hàng nhái gây tổn thất cho chính chủ tới gần 600 tỷ USD.

Nhà chức trách Mỹ nói, năm 2007 ước tính có 750.000 người mất việc làm ở Mỹ, do sự lộng hành của nạn hàng giả, hàng nhái. Chỉ trong một năm (2007-2008), trị giá hàng giả bị tịch thu ở biên giới Mỹ đã tăng vọt 40%. Cùng thời điểm này ở châu Âu, con số gia tăng lên tới hơn 50%.

Châu Âu, Nam Mỹ và Canada đứng đầu danh sách bán hàng giả qua mạng

Bản danh sách các thị trường khét tiếng 2013 mà Mỹ công bố cũng đề cập, thị trường mua sắm trực tuyến trên Internet. Các trang web ở châu Âu, Nam Mỹ và Canada được cho dẫn đầu thế giới về bán hàng giả. Chẳng hạn, trang The Pirate Bay của Thụy Điển giúp người dùng tải về các nội dung (phần mềm, phim, nhạc, sách) vi phạm bản quyền tác giả.

Tương tự là trang KickassTorrents ở Canada, trang Torrentz.eu hoạt động ở Canada hay Phần Lan…Mỹ hoan nghênh việc nhà chức trách Anh đã có hành động xử lý đối với hai trang web Mp3skull.com (chuyên cho nghe và tải các file nhạc lậu) và Putlocker.com (nơi chia sẻ các video lậu).

 


kyanh

Cùng chuyên mục
XEM