Miếng đất chỉ để vừa chiếc xe máy, hét giá khủng khiếp ở hồ Tây
Không chỉ có bức tường trị giá 1 tỷ đồng, sự quy hoạch thiếu đồng bộ và tầm nhìn đã sản sinh ra cho Hà Nội những tác phẩm nhà đất thực sự xấu xí nhưng vẫn có giá "cắt cổ"...
Những "tác phẩm" kiến trúc siêu xấu ở Hà Nội
Dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thi công xong cũng là lúc những thẻo đất đầu thừa đuôi thẹo, những mét vuông đất cuối cùng còn lại của các chủ hộ, dù có "sổ đỏ" hay không, lộ ra hai bên đường lớn.
Ngay điểm đầu tuyến là ngã tư giao cắt đường Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn đã xuất hiện rất nhiều ngôi nhà có hình dáng kỳ dị, xấu xí đến tức mắt nhưng vẫn mặc nhiên tồn tại.
Tại ngã tư này, đập ngay vào mắt người đi đường là dãy nhà 2 tầng xếp như hộp diêm chồng cao, mặt tiền khá dài nhưng lại chiều sâu lại cụt ngủn, chỉ chừng 2 mét.
Dãy nhà hai tầng “siêu mỏng” được xây dựng ngay điểm đầu ngã tư giao cắt đường Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn.
Với chiều sâu chỉ đủ dựng được 1 chiếc xe máy này, chủ thửa đất đã ngăn thành nhiều ki-ốt nhỏ khác nhau sau đó cho những người có nhu cầu thuê lại để kinh doanh như bia hơi, sửa chữa xe máy, tạp hóa... rộn rã cả một góc ngã tư.
Căn nhà kì dị trong quá trình xây dựng (ảnh tư liệu).
Để tăng diện tích sử dụng, tầng 2 đã được thiết kế nhô hẳn ra đường dẫn đến tình trạng mất cân đối. Chủ đất đã giải quyết bằng cách gia cố thêm những dầm sắt chữ T tạm bợ, đồng thời bọc tôn xung quanh, khiến ngôi nhà càng mất mĩ quan và xấu xí.
Cách đó không xa, một chiếc lán nhỏ xuất hiện với chiều dài 3, 4 mét, chiều sâu chưa đến 1 mét đang trong quá trình xây dựng cũng hứa hẹn một "tác phẩm kiến trúc khủng khiếp".
Một miếng đất nhỏ được người dân xây tạm và ngăn thành hai gian sát mặt đường.
Theo nhiều người dân sống xung quanh, ô đất này vì quá bé không thể kinh doanh nên chủ đất tạm thời bỏ không, thế nhưng cũng cấm tiệt ai bén mảng.
"Miếng đất án ngữ ngay trước mặt mấy hộ dân, đã nhiều nhà ngỏ ý muốn mua lại để ra mặt đường nhưng bị thét giá cao quá nên vẫn chưa đâu vào đâu", một người dân đề nghị giấu tên cho biết.
Cũng trên tuyến đường này, bức tường của gia đình ông Nguyễn Phương Châm cũng đã dậy sóng dư luận suốt nhiều ngày qua.
Bức tường rộng 14cm, dài 10,85m (diện tích 1,7 mét vuông) là tất cả những gì còn sót lại của gia đình ông Châm sau giải tỏa, mặc dù chẳng thể dùng vào việc gì nhưng đã được gia đình ông rao bán 1 tỷ đồng.
Bức tường trị giá 1 tỷ đồng đang dậy sóng dư luận của gia đình ông Nguyễn Phương Châm.
Bên cạnh những ngôi nhà được xây dựng tạm bợ, những lán trại được thiết kế tạm thời để lấp đầy khoảng đất nhỏ bé còn lại sau mở đường, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng kiên cố cũng đã nhanh chóng được xây dựng.
Những căn nhà “hộp diêm” siêu mỏng kiên cố cũng dần xuất hiện trên con đường nghìn tỷ.
Không chỉ có bức tường trị giá 1 tỷ đồng, sự quy hoạch thiếu đồng bộ và tầm nhìn chiến lược đã sản sinh ra cho Hà Nội những tác phẩm nhà đất thực sự xấu xí về kiến trúc và vô dụng về công năng nhưng vẫn có mức giá khiến người ta lắc đầu lè lưỡi.
Phải đi lối sau vì miếng đất bị hét giá cao
Tại một địa điểm khác ven hồ Tây, sau khi con đường chạy quanh hồ hoàn thành thì cũng là lúc bao nhiêu rắc rối bắt đầu xảy ra với người dân. Điển hình tại căn nhà số 265, 267 đường Trích Sài đã xảy ra một tình huống đặc biệt khó phân xử.
Dự án mở đường ven hồ Tây đã lấy đi gần hết quỹ đất của hộ gia đình số 267, chỗ đất còn lại của gia đình này chỉ đủ để dựng một chiếc xe máy và chẳng thể sử dụng vào việc gì.
Phần đất nhô lên mà người thanh niên đứng là phần đất còn thừa lại sau khi con đường ven hồ Tây được mở. Mảnh đất "chỉ để vừa chiếc xe máy" này đã khiến bao gia đình bên trong khổ sở.
Éo le hơn, vì miếng đất án ngữ ngay trước cửa nên các gia đình phía trong bắt buộc phải đi theo ngõ nhỏ thay vì được quay ra mặt đường nếu không có miếng đất của gia đình số 267. Thế nhưng việc mua bán đã không diễn ra, bởi miếng đất được thét giá quá cao.
Những bất cập này đã khiến nhiều gia đình phải sống trong cảnh “gần nhà, xa ngõ” vô cùng khổ sở. Hiện tại các hộ gia đình liền kề đang thương lượng với chủ sở hữu miếng đất 267 để đi đến một quyết định cuối cùng có lợi cho tất cả các bên.
Tuy nhiên, theo các hộ dân, việc thương lượng đang đi vào ngõ cụt bởi chủ đất khăng khăng quan điểm: Không được giá thì cứ để đấy chơi, nhất quyết không bán.
Và để phân biệt đất của mình với đất lưu không vỉa hè, chủ nhân ô đất đã xây gồ lên cao một chút.
Diện tích này được chủ sân xây gồ cao lên để phân biệt với phần đất khác không phải của mình
Đó chỉ là những câu chuyện điển hình của Thủ đô Hà Nội. Có lẽ, những câu chuyện hy hữu, bi hài chưa dừng lại ở đây khi những “mét vuông đất cuối cùng” đang khiến người dân khốn đốn.